Thứ Năm, 18/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Hàng loạt điểm tham quan đóng cửa, du lịch đã tới giai đoạn “đóng băng”?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Hàng loạt điểm tham quan đóng cửa, du lịch đã tới giai đoạn “đóng băng”?

Đào Loan

(TBKTSG Online) – Hàng loạt điểm du lịch như vịnh Hạ Long, Bái Tử Long, đảo Cát Bà, Cù Lao Chàm, đảo Lý Sơn, di tích ở Côn Đảo, Cồn Phụng ở Bến Tre… tạm ngừng đón khách. Du khách từ nhiều nước ở châu Âu không còn được miễn thị thực. Các ca lây nhiễm Covid-19 tiếp tục tăng…

Những thông tin trên đã giáng thêm những cú đấm chí tử vào ngành du lịch đang yếu ớt tìm cách xoay sở để đi qua đợt suy giảm khách do Covid-19. Nhiều doanh nghiệp cho biết, đã đóng băng mọi hoạt động.

Hàng loạt điểm tham quan đóng cửa, du lịch đã tới giai đoạn
Một góc bãi biển Vũng Tàu. Ảnh: Đào Loan

Đối mặt với đợt suy giảm mới

Trao đổi với TBKTSG Online, nhiều doanh nghiệp lữ hành cho biết, những thông tin dồn dập về các ca nhiễm mới ở trong nước cùng thông tin hàng loạt điểm du lịch đóng cửa như vừa kể trên tiếp tục đẩy du lịch vào đợt suy giảm mới.

Ở lần này, doanh nghiệp không còn tính được cách nào xoay sở để tìm nguồn thu vì gần như cánh cửa tiếp cận các thị trường đang dần khép lại.

"Chúng tôi gần như đã mất 100% lượng khách. Mọi hoạt động gần như đóng băng", ông Từ Quý Thành, Giám đốc Công ty Du lịch Liên Bang Travelink nói vào chiều nay (11-3).

Theo đó, khách quốc tế đã hủy tour đến tháng 9-2020. Khách trong nước đi du lịch nước ngoài hủy đến tháng 6-2020. Với khách trong nước, trước khi phát hiện ca nhiễm Covid-19 thứ 17 vào cuối tuần rồi, công ty vẫn còn một số nhóm khách trẻ, khách gia đình đi tour vì giá tốt, giảm 30% so với thông thường nhưng nay đã hủy hết.

Nhiều công ty khác cũng đang trong tình trạng tương tự. Từ hôm qua, một số doanh nghiệp làm tour châu Âu đã  báo đối tác hủy tour trong tháng 3 và tháng 4-2020 vì từ ngày 12-3, du khách Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan, Thụy Điển, Anh, Đức, Pháp, Tây Ban Nha không còn được miễn thị thực.

Với tour nước ngoài, nhiều tour nước ngoài đi các điểm du lịch xa như châu Âu, Mỹ cũng gần như… bất động còn tour ngắm hoa anh đào ở ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan cũng đã đóng do khách sợ dịch bệnh.

Ba ngày gần đây, thông tin về hàng loạt điểm tham quan trong nước như Cát Bà, Côn Đảo, Cù Lao Chàm, vịnh Hạ Long ngừng đón khách lại tiếp tục khiến doanh nghiệp lao đao.

"Coi như du lịch đóng cửa", ông Phạm Hà, CEO của Luxury Travel Group nói.

Bà Bùi Viết Thủy Tiên, Giám đốc Điều hành Công ty Du lịch Asian Trails Co., LTD cũng nhận định tương tự, cho rằng giới lữ hành đang hết sức khó khăn vì khách từ bên ngoài vào đã khó còn ngay tại nội địa, các du lịch lại đóng cửa.

"Những ngày gần đây, khách hủy tour rất nhiều. Những đoàn đã mua tour xem giải F1 vào đầu tháng 4 tới ở Hà Nội cũng đã hủy hết", bà nói.

Nhiều doanh nghiệp cho biết, trước đây còn tính đến kích cầu, giảm giá để thu hút khách đi tour nội địa nhằm bù đắp một phần doanh số mất đi do sụt giảm khách quốc tế, khách Việt đi tour nước ngoài nhưng nay không thể thực hiện được.

"Ngay lúc này có giảm giá sâu thì khách vẫn không đi. Trong trường hợp khách đi, lại có rủi ro khác là nếu lỡ họ bị nhiễm bệnh thì khâu giải quyết rủi ro này sẽ rất vất vả và tốn kém. Mọi việc phải chờ khi hết dịch", tổng giám đốc một công ty lữ hành ở quận 1, TPHCM nói.

Ông Thành của Liên Bang Travelink cũng có nhận xét tương tự và cho rằng đang rất cần sự hỗ trợ của chính phủ. Doanh nghiệp hiện không có nguồn thu. Tình trạng này có thể kéo dài nhiều tháng tới cho nên việc hoãn đóng thuế vài tháng cũng không giúp được gì nhiều.

"Tôi đã nhận được thông báo của Tổng cục thuế về việc gia hạn nộp thuế thêm 5 tháng nhưng cái tôi cần là được giảm thuế để có thể dùng phần tiền đó duy trì hoạt động của công ty", ông nói.

Cân nhắc khi quảng bá "Điểm đến an toàn"

Một đoàn khách Indonesia tại vịnh Hạ Long vào đầu tháng 3-2020. Từ ngày mai (12-3), vịnh Hạ Long sẽ tạm dừng đón khách. Ảnh: Viking Travel

Trước khi dịch Covid-19 diễn ra phức tạp hơn từ cuối tháng 2-2020, ngành du lịch đã lên kế hoạch là sẽ thực hiện khuyến mãi, kích cầu cho thị trường nội địa và quốc tế nhằm kéo khách trở lại. Với thị trường quốc tế, chương trình sẽ kéo dài trong suốt 9 tháng, bắt đầu từ tháng 4-2020 với thông điệp “VietnamNOW”. Thị trường nội địa sẽ bắt đầu từ tháng 3 đến tháng 8-2020, với thông điệp điểm đến an toàn.

Nghị quyết phiên họp thường kỳ chính phủ tháng 2-2020 cũng có nội dung về việc quảng bá với nội dung tương tự. Theo đó, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch, thể hiện rõ Việt Nam là điểm đến an toàn, kiểm soát dịch bệnh Covid-19.

Theo ý kiến của nhiều doanh nghiệp, với diễn biến dịch bệnh như hiện tại, ngành du lịch nên cân nhắc các chủ đề của chương trình truyền thông và thời điểm thực hiện chương trình kích cầu. Ngay trong lúc này, việc đẩy mạnh quảng bá là chưa cần thiết và cũng chưa nên giới thiệu Việt Nam là điểm đến an toàn vì những ca nhiễm mới đang tiếp tục tăng lên.

"Hiện giờ chưa nên quảng bá mà cần tập trung đưa thông tin trung thực, chính xác và kịp thời", ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Tập đoàn Thiên Minh nói.

Ông Trần Xuân Hùng, Chủ tịch Công ty Viking Travel cũng cho rằng, hiện tại không nên quảng bá “VietnamNOW” hay Việt Nam an toàn vì có thể tạo nên tác dụng ngược. Chỉ khi nào hết dịch, người dân thấy an toàn thì mới nên nói điểm đến an toàn và mới du khách đến.

"Những ngày qua, chúng tôi cũng có một số đoàn khách nhưng phải giải thích thông tin liên tục về tình dịch bệnh vì thông tin về Covid-19 tràn ngập làm khách lo. Ngay thời điểm này không nên quảng bá an toàn", ông Hùng nói.

Vị trí đặt bình chọn

Mời đọc thêm:

Côn Đảo đóng cửa di tích, đảo Lý Sơn dừng đón khách du lịch

Ngưng miễn visa cho 8 nước châu Âu để ngăn Covid-19 lây lan

Hạn chế tối đa người Việt đi ra nước ngoài

Thủ tướng yêu cầu giải pháp để khẩn trương phục hồi du lịch, hàng không

Xoay xở trong mùa dịch Covid-19

Biết có thể nhiễm Covid-19 vẫn trốn khai báo, phạt hay không?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới