Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Hàng loạt giải pháp mạnh tạo kỳ vọng phục hồi thị trường

Dũng Nguyễn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Tăng trưởng GDP quí 1 ở mức thấp, đơn hàng quốc tế suy giảm, doanh nghiệp cắt giảm đầu tư, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu là những biến số khiến cho nhà điều hành chính sách buộc phải đưa ra nhiều gói giải pháp kích thích nền kinh tế trong nửa cuối năm 2023.

Lượng khách du lịch tăng trưởng mạnh là điểm sáng trong bức tranh kinh tế ảm đạm của quí 1. Ảnh: L.V.

Nhiều gói giải pháp “mới mà cũ”

Trước những khó khăn hiện nay, hàng loạt các biện pháp mới đã hoặc dự kiến triển khai trong thời gian tới để thúc đẩy tăng trưởng.

Chẳng hạn, Bộ Tài chính đề xuất kế hoạch cắt giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ mức 10% xuống 8% trong nửa cuối năm 2023, đồng thời nghiên cứu cho phép gia hạn thời hạn nộp thuế. Động thái này tương đương với việc kích thích khoảng 1,5 tỉ đô la cho nền kinh tế 450 tỉ đô la của Việt Nam, báo cáo kinh tế của Công ty VinaCapital mới đây nhận định.

Một chính sách “nóng” được kỳ vọng khác là chính sách cho phép giãn, hoãn nợ. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố lấy ý kiến dự thảo Thông tư cho phép ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ để hỗ trợ khách hàng khó khăn trong sản xuất, kinh doanh.

Theo đó, thời gian cơ cấu lại nợ (kể cả trường hợp gia hạn nợ) không vượt quá 12 tháng, nhưng cũng đi kèm thêm nhiều điều kiện. Chẳng hạn như đánh giá khách có khả năng trả nợ đúng hạn nhưng hiện doanh thu hoặc thu nhập sụt giảm do khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Khách hàng này sau khi cơ cấu nợ được ngân hàng đánh giá là còn khả năng trả đầy đủ.

Hai chính sách về giảm thuế và cơ cấu nợ không phải là mới. Trước đó, chính sách cơ cấu nợ ban hành trong giai đoạn cao điểm của dịch Covid-19 đã kết thúc vào tháng 6-2022.

Bên cạnh việc cho phép cơ cấu nợ, NHNN hiện cũng lấy ý kiến về dự thảo sủa đổi Thông tư 16/2021 quy định hoạt động mua bán trái phiếu doanh nghiệp của các ngân hàng. Thông tư này được các chuyên gia nhận định là vẫn kiểm soát chặt chẽ dòng tiền từ các chảy vào thị trường trái phiếu, nhưng có nới lỏng một chút để thị trường “dễ thở” hơn.

Trong diễn biến mới đây, trong cuộc họp với NHNN vào chiều ngày 22-4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu hoàn thiện hai dự thảo trên theo hướng cho phép ngân hàng mua lại ngay trái phiếu doanh nghiệp (quy định trước đó là 12 tháng sau khi bán); đồng thời cân nhắc mở rộng đối tượng, kéo dài thời gian áp dụng và bổ sung công cụ giám sát liên quan đến các quy định cơ cấu nợ, hoãn giãn và giữ nguyên nhóm nợ.

Chính phủ đang nỗ lực đẩy mạnh đầu tư công thông qua các dự án hạ tầng giao thông. Ảnh minh hoạ: VGP

Trước những chính sách dự kiến đang được nghiên cứu ban hành, thị trường trước đó cũng chứng kiến việc điều hành chính sách tiền tệ đi trước, mở đường cho kỳ vọng tăng trưởng phục hồi kinh tế.

Theo báo cáo vĩ mô vừa công bố của Công ty chứng khoán Maybank IB, việc giảm 2 lần lãi suất điều hành trong thời gian qua được xem là tín hiệu thay đổi trạng thái chính sách hướng nới lỏng để kích thích kinh tế, với kỳ vọng rằng việc gia tăng lãi suất của Fed sẽ kết thúc vào giữa năm 2023, áp lực tỷ giá giảm bớt và chỉ số CPI có thể kiểm soát được lạm phát.

Thị trường bất động sản hiện cũng đang tích cực được gỡ rối. Gói cho vay  120.000 tỉ đồng, tương đương 5,1 tỉ đô la để hỗ trợ phát triển hơn 1 triệu nhà ở xã hội mới được đưa ra. Các khoản vay hỗ trợ lãi suất sẽ được cung cấp cho người mua nhà và chủ đầu tư thông qua các ngân hàng thương mại nhà nước.

Bên cạnh đó, chính phủ cũng thành lập tổ nhóm công tác mới để xem xét, khơi thông những khó khăn về mặt pháp lý cho các nhà phát triển bất động sản; đồng thời đặt mục tiêu tăng giải ngân cho đầu tư công khoảng 40% vào năm 2023 (lên khoảng 30 tỉ đô la).

Kỳ vọng thị trường hồi phục nửa cuối năm

Dữ liệu tăng trưởng GDP quí 1 chỉ đạt 3,32%, là mức tăng trưởng thấp nhất trong 12 năm qua, giảm sâu so với kỳ vọng. Ngay sau đó, nhiều định chế tài chính cũng đã giảm dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm nay.

Theo báo cáo kinh tế quí 1 của Ngân hàng UOB, đơn vị hạ dự báo tăng trưởng từ mức 6,6% xuống 6%, kết quả tăng trưởng trong quí vừa qua thấp hơn nhiều so với dự kiến, phần lớn là do nhu cầu sụt giảm trên toàn cầu, trong khi nhu cầu trong nước vẫn duy trì đà tăng thể hiện qua hoạt động dịch vụ tăng trưởng ở mức khá.

“Quí khởi đầu năm ở mức thấp có thể sẽ kìm hãm kết quả tăng trưởng của cả năm. Sự phục hồi mạnh mẽ vào năm 2022 khó có thể bền vững và đà tăng trưởng về tổng thể nhiều khả năng sẽ tiếp tục suy giảm hơn nữa trong năm 2023”, báo cáo UOB nhận định.

Ông Michael Kokalari, Chuyên gia Kinh tế trưởng của VinaCapital, nhận định tăng trưởng GDP ở Việt Nam chậm lại trong quí 1 là do nhu cầu tiêu dùng về các sản phẩm “Made in Vietnam” ở Mỹ và các thị trường phát triển đang chậm lại đáng kể. “Điều này càng trở nên trầm trọng do thị trường bất động sản trong nước đang tiếp tục gặp khó khăn”, ông Michael đánh giá.

Việc kiểm soát thị trường trái phiếu doanh nghiệp từ năm ngoái hiện dẫn đến tình trạng khủng hoảng thanh khoản cho thị trường bất động sản trong bối cảnh nhu cầu thị trường ở mức yếu. Thách thức hiện nay là nhu cầu tái cấp vốn khoảng 8,4 tỉ đô la cho trái phiếu đáo hạn năm 2023 và 7,7 tỉ đô la vào năm 2024, theo Công ty chứng khoán Maybank IB. Trong bối cảnh đó, Chính phủ đang nỗ lực lớn để tháo gỡ những điểm nghẽn này.

Tăng trưởng các ngành dịch vụ trong quí 1-2023.

Ở góc độ khác, các chuyên gia vẫn đánh giá rằng điểm tích cực hỗ trợ tăng trưởng vẫn còn, chẳng hạn lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trở lại làm giảm thiểu tác động tiêu cực.

Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán VNDirect, lượng khách quốc tế trong quí 1 tương đương 75% tổng lượng khách quốc tế năm 2022, vượt 1/3 kế hoạch của Chính phủ đặt ra trong năm nay. Nhờ đó ngành dịch vụ vẫn tăng trưởng vững chắc trong quí 1-2023.

Mặt khác, hoạt động tiêu dùng nội địa được đánh giá tăng trưởng ổn định trong quí vừa qua. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 13,9% so với cùng kỳ. Nhờ sự phục hồi khá vững chắc của tiêu dùng nội địa, nhóm ngành bán lẻ đã tăng trưởng 8,1%. Tuy nhiên, mối lo phía trước vẫn là việc người tiêu dùng bắt đầu thắt hầu bao khi tác động dưới tác động của cắt giảm đầu tư, thu nhập giảm.

Nhìn chung, theo đại diện VinaCapital, các nhà hoạch định chính sách có thể khắc phục tình trạng tăng trưởng chậm và kinh tế của Việt Nam sẽ phục hồi vào nửa cuối năm 2023, dù mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% trong năm nay là khó đạt được. Các giải pháp về chính sách ở trên, cùng với việc đơn hàng của các doanh nghiệp FDI có khả năng tăng trở lại trong nửa cuối năm là cơ sở cho kỳ vọng tăng trưởng GDP sẽ phục hồi.

“Chính phủ đã thực hiện nhiều giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng, trong đó cụ thể nhất là cắt giảm thuế và giảm lãi suất, nhưng các biện pháp hành chính nhằm giảm bớt các nút thắt trong bất động sản và xây dựng cơ sở hạ tầng có thể tác động lớn hơn để hỗ trợ tăng trưởng trong năm 2023 và những năm sau”, ông Michael bình luận.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới