Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Hàng ngàn tỉ đô la tài sản trên toàn cầu sẽ “mục rửa” do biến đổi khí hậu

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Hàng ngàn tỉ đô la tài sản của các doanh nghiệp trên toàn cầu sẽ trở thành tài sản bị mắc kẹt (stranded assets), hay còn gọi là tài sản “mục rửa” do giá trị suy giảm, do tác động của biến đổi khí hậu và do các chính phủ triển khai các quy định khắt khe để hạn chế khí thải nhà kính.

Các nhà máy nhiệt điện than, các nhà máy lắp ráp ô tô động cơ đốt trong và các công ty dầu khí sẽ chịu tổn thất lớn nhất trong tiến trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo.

Năm ngoái, Peabody Energy, công ty than lớn nhất Mỹ, đã bút toán giảm 1,42 tỉ đô la giá trị sổ sách của mỏ than lớn nhất thế giới, North Antelope Rochelle ở bang Wyoming. Ảnh: Seeking Alpha

Nhiều loại tài sản “mục rửa” khi trái đất nóng lên

Vào cuối năm 2019, hãng xe General Motors (GM) công bố khoản đầu tư 1 tỉ đô la để sản xuất hai mẫu xe bán tải Chevrolet Colorado và GMC Canyon tại nhà máy ở Wentzville, bang Missouri, Mỹ. Chỉ hơn một năm sau, GM cho biết hãng sẽ chuyển sang chỉ sản xuất xe chạy điện hoàn toàn vào năm 2035. Các nhà phân tích lo ngại một số máy móc thiết bị mới ở nhà máy của GM ở Wentzville có thể sớm trở thành đống phế liệu.

Hàng tỉ đô la giá trị tài sản khác của giới doanh nghiệp Mỹ có thể cũng có thể bị mục rửa khi nền kinh tế lớn nhất thế giới thúc đẩy tiến trình loại bỏ dần việc sử dụng các nhiên liệu hóa thạch.

Gần 200 quốc gia tham gia hội nghị khí hậu của Liên hợp quốc lần thứ 26 (COP26) trong tháng này ở Glasgow, Ireland đã nhất trí hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch để kìm hãm hiện tượng nóng lên toàn cầu. Các nhà khoa học cho biết cam kết này hứa hẹn giúp ngăn chặn được những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu. Đối với các doanh nghiệp, tác động của biến đổi khí hậu và làn sóng chuyển đổi sang nhiên liệu sạch hơn, sẽ làm tăng nguy cơ hàng ngàn tỉ đô la tài sản trở nên vô giá trị.

Những tổn thất này do cái gọi là “tài sản bị mắc kẹt” gây ra. Chúng bao gồm các nhà máy nhiệt điện than ngừng hoạt động trước thời hạn, các tòa nhà chìm ngập trong lũ hết năm nay đến năm khác và đất canh tác bị thoái hóa do hạn hán kéo dài và liên tục xảy ra. Bất kỳ tài sản nào sản xuất ít hơn dự kiến do biến đổi khí hậu hoặc các quy định được thiết lập để hạn chế tác động của biến đổi khí hậu có thể là ứng cử viên bị bút toán giảm giá trị sổ sách.

Một số doanh nghiệp đã bút toán giảm giá trị của một số tài sản nhất định chịu tác động của biến đổi khí hậu, trong khi đó, các doanh nghiệp khác chờ đợi các quy định rõ ràng hơn về hạn chế khí thải carbon và ứng phó biến đổi khí hậu. Ngay từ năm 2019, Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA), một tổ chức liên chính phủ, đã cảnh báo các tài sản trị giá ít nhất 11,8 ngàn tỉ đô la trên toàn thế giới có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu và các quy định được đưa ra để chống biến đổi khí hậu trong 40 năm tới.

Nguy cơ “thiên nga xanh”

IRENA ước tính ngành năng lượng thế giới có thể chứng kiến giá trị tài sản bị mắc kẹt lên đến 3.300 tỉ đô la. Phần lớn giá trị của các công ty năng lượng lớn trên toàn cầu nằm ở phần lợi nhuận dự kiến ở các trữ lượng nhiên liệu hóa thạch mà họ đang nắm giữ. Một nghiên cứu gần đây cho rằng để giữ nhiệt độ Trái đất không tăng quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, hơn một nửa trữ lượng nhiên liệu hóa thạch của các công ty năng lượng trên toàn cầu cần phải tiếp tục nằm yên trong lòng đất.

Các doanh nghiệp thường không muốn định danh tài sản của họ là tài sản “hết thời” vì điều này đồng nghĩa với việc thừa nhận lợi nhuận trong tương lai bị suy giảm. Song họ đang chịu áp lực ngày càng lớn từ các nhà đầu tư lớn, các cơ quan quản lý và các tổ chức bảo vệ môi trường để giải thích rõ ràng hơn về việc biến đổi khí hậu có thể ảnh hưởng đến tài chính của họ như thế nào.

Trong năm nay, gần một nửa số cổ đông của Công ty năng lượng Chevron (Mỹ) đã bỏ phiếu để buộc “ông lớn” dầu khí này tiết lộ tác động tài chính của các biện pháp trên toàn cầu nhằm đưa lượng phát thải khí nhà kính trong ngành dầu khí về mức phát thải zero ròng vào năm 2050.

Nếu các doanh nghiệp như Chevron buộc phải bút toán giảm giá trị sổ sách của các trữ lượng dầu khí mà họ đang nắm giữ, điều này có thể khiến giới đầu tư và các ngân hàng bị bất ngờ và bán tháo cổ phiếu của họ. Các biến cố khí hậu bất ngờ, hiếm xảy ra, gây tác động lớn, khiến hàng loạt tài sản bị bào mòn giá trị, còn được gọi là sự kiện “thiên nga xanh” (green swan events). Trong một báo cáo hồi năm ngoái, Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS), một tổ chức đại diện cho các ngân hàng trung ương trên toàn cầu, cảnh báo biến đổi khí hậu có thể là nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng tài chính mang tính hệ thống trên toàn cầu tiếp theo.

Hai rủi ro giảm giá tài sản do biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu tạo ra hai loại rủi ro khác nhau đối với tài sản. Rủi ro thứ nhất bắt nguồn từ các tác động vật lý của biến đổi khí hậu. Một hội đồng khoa học của Liên hợp quốc cho biết phát thải khí nhà kính từ hoạt động của con người đang góp phần gây ra các đợt nắng nóng, hạn hán, bão và các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt khác.

Bất động sản sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất do tác động của biến đổi khí hậu. IRENA ước tính rằng giá trị tài sản mắc kẹt ở các tòa nhà trên toàn cầu có thể lên đến 7,5 ngàn tỉ đô la trong 40 năm tới. Một phần nguyên nhân là do các biến cố thời tiết khắc nghiệt như bão lũ, có khả năng gây ra tổn thất cho chủ sở hữu tài sản, công ty bảo hiểm và bên cho vay.

Rủi ro thứ hai của biến đổi khí hậu là đến từ tiến trình chuyển tiếp sang nền kinh tế carbon thấp, có thể bào mòn giá trị của các tài sản phát thải lượng khí nhà kính lớn. Theo Cục Thông tin năng lượng Mỹ (EIA), số lượng nhà máy nhiệt điện than của Mỹ đã giảm từ 580 vào năm 2010 xuống còn 284 vào năm 2020. Các mỏ than đang hoạt động của Mỹ cũng đã giảm xuống còn 552 vào cuối năm ngoái, chỉ là con số nhỏ trong tổng số 5.051 mỏ vào năm 1984.

Năm ngoái, Peabody Energy, công ty than lớn nhất Mỹ, đã bút toán giảm 1,42 tỉ đô la giá trị sổ sách của mỏ than lớn nhất thế giới, North Antelope Rochelle ở bang Wyoming. Peabody Energy cho biết việc bút toán giảm giá trị tài sản này dựa trên cơ sở dự báo giá khí đốt tự nhiên trong dài hạn sẽ thấp hơn, nhiều nhà máy nhiệt điện than sẽ dừng hoạt động sớm hơn dự kiến và năng lượng tái tạo tiếp tục tăng trưởng mạnh.

Yếu tố làm thay đổi cuộc chơi sẽ là khi các quy định đánh thuế khí thải carbon được áp dụng rộng rãi trên toàn cầu. Lúc đó, một số tài sản đang có lợi nhuận sẽ chuyển qua thua lỗ và cuối cùng bị mắc kẹt. Tại COP26, các chính đã nhất trí các quy định về cách thiết lập, định giá và trao đổi các tín chỉ carbon mà các nước và các công ty có thể sử dụng để giảm mức phát thải carbon ròng của họ.

Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) cũng đặt ra viễn cảnh giả định giá dầu giảm về mức 50 đô la/thùng và giá carbon tăng lên mức 95-200 đô la/tấn vào năm 2050. Theo nhà phân tích Christophe McGlade của IEA, lúc đó, giá trị các tài sản dầu khí trên toàn cầu sẽ suy giảm khoảng 6.000 tỉ đô la.

Theo Wall Street Journal

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới