Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Hàng Việt phải “lớn lên” để chinh phục người tiêu dùng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Hàng Việt phải “lớn lên” để chinh phục người tiêu dùng

Vũ Yến

(TBKTSG Online) – Hàng Việt phải lớn lên, chuẩn hóa và nâng tầm để chinh phục người tiêu dùng chứ không thể vận động, kêu gọi mãi được.

Hàng Việt phải “lớn lên” để chinh phục người tiêu dùng
Hàng Việt, nhất là hàng nông sản phải không ngừng nâng cao chất lượng để được người tiêu dùng lựa chọn. Trong ảnh: Nông sản được kinh doanh tại một siêu thị ở TPHCM. Ảnh: Vũ Yến

Nội dung trên được ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó giám đốc Sở Công Thương TPHCM nêu tại buổi tọa đàm “Chắp cánh hàng Việt” diễn ra sáng, 17-4, tại TPHCM.

Buổi tọa đàm là một trong nhiều hoạt động nằm trong khuôn khổ cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".

Theo ông Hòa, đối với cuộc vận động này, Sở Công Thương cũng đã xin đề xuất giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả, chuyển từ vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" sang hướng nâng chất, đi vào chiều sâu, nâng cao trách nhiệm của nhà sản xuất, xây dựng niềm tin với người tiêu dùng, tiến tới “Hàng Việt Nam chinh phục người tiêu dùng Việt Nam” thông qua cách làm mới với tên gọi dự kiến là chương trình "Chắp cánh hàng Việt". 

Theo đó, "Chắp cánh hàng Việt" gồm các nội dung tập trung mặt hàng rau củ quả, trái cây, thịt, thủy hải sản; chuẩn hóa và nâng tầm hàng Việt; lấy hệ thống phân phối hiện đại làm hạt nhân; phân công và phối hợp các chủ thể gồm nhà phân phối và nhà sản xuất; liên kết chuỗi nhà sản xuất – nhà phân phối – người tiêu dùng.

Trong đó, sở dĩ tập trung ngành hàng nông sản là bởi đây là ngành hàng có nhu cầu tiêu dùng cao, gắn với đời sống người dân cũng như hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa cho nông dân các tỉnh.

Cụ thể, ông Hòa dẫn lại số liệu từ Công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel, người tiêu dùng tại các thành phố lớn chi tiêu cho thực phẩm tươi sống gấp ba lần so với hàng tiêu dùng nhanh. Một hộ dân chi 1,1 triệu đồng cho thực phẩm tươi sống/tuần. Mặt hàng được tiêu thụ nhiều nhất là trái cây chiếm 19%, thịt heo 14%, cá 12%, hải sản 12%, rau củ 11%, thịt gà 9%, thịt bò 8%, trứng 3%… Nhóm hàng này chiếm 88% trong giỏ hàng thực phẩm tươi sống.

Theo số liệu của Sở Công Thương mỗi ngày TPHCM tiêu thụ 1.000 tấn rau củ; 1.700 con heo; 40 ngàn con gà; 500 tấn trái cây…

Tiếp theo đó, chuẩn hóa và nâng tầm hàng hóa là nội dung quan trọng. Chuẩn hóa và nâng tầm bằng cách hàng hóa khi đưa ra thị trường phải đạt các chuẩn VietGap, GlobalGap, tiến tới đạt chuẩn organic; hàng hóa phải truy xuất được nguồn gốc, có thương hiệu, có bao bì đóng gói…

Đối với nội dung lấy hệ thống phân phối hiện đại làm hạt nhân, hệ thống phân phối sẽ phát tín hiệu thị trường, định ra chuẩn hàng hóa; cam kết lượng hàng thu mua, khắc phục tình trạng mất cân đối cung cầu. Hệ thống phân phối cũng sẽ chỉ nhận bán những hàng đạt chuẩn VietGap, GlobalGap…

Tại buổi tọa đàm, các cơ quan quản lý nhà nước TPHCM cũng đã ký kết ghi nhớ tham gia, phối hợp triển khai thực hiện chương trình với 10 hệ thống phân phối là Saigon Co.op, Aeon Việt Nam, Bách Hóa Xanh, Big C Việt Nam, MM Mega Market Việt Nam, E-Mart Việt Nam, Satra…

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới