Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Hãng xe nước ngoài ủng hộ xăng sinh học

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Hãng xe nước ngoài ủng hộ xăng sinh học

Quốc Hùng

Hãng xe nước ngoài ủng hộ xăng sinh học
Xăng E5 bán tại cây xăng Hoàng Nguyên, đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh, TPHCM. Ảnh: Minh Tâm.

(TBKTSG Online) Bộ Công thương đang lấy ý kiến góp ý Dự thảo Quyết định phê duyệt bắt buộc tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống và có ít nhất hai nhà sản xuất ô tô lớn là Toyota Việt Nam và Ford Việt Nam ủng hộ sử dụng nhiên liệu trộn này cho các phương tiện cơ giới đường bộ.

Ông Akito Tachibana, Tổng giám đốc Toyota Việt Nam ủng hộ đề xuất của Bộ Công Thương trong việc sử dụng nhiên liệu sinh học nhằm góp phần bảo vệ môi trường tại Việt Nam, giảm bớt phụ thuộc vào các loại nhiên liệu hóa thạch.

“Các loại xe sử dụng động cơ xăng do Toyota Việt Nam sản xuất hiện nay có thể sử dụng xăng sinh học đến mức E10. Vì vậy, chúng tôi sẽ không gặp khó khăn gì trong việc áp dụng các tiêu chuẩn này tại Việt Nam,” ông Akito nói.

Theo ông Akito, đối với các động cơ xăng sản xuất gần đây, việc sử dụng nhiên liệu E5 thậm chí là E10 không có ảnh hưởng gì đến vận hành và độ bền của động cơ. Tuy nhiên đối với một số động cơ xăng đời cũ (sản xuất khoảng trước năm 1998) cần có sự kiểm tra của chuyên gia trước khi sử dụng xăng sinh học để đảm bảo độ bền của các chi tiết ống dẫn nhiên liệu, gioăng,… vì chúng thường được làm bằng cao su.

Tương tự, Ford Việt Nam cũng ủng hộ việc áp dụng các tiêu chuẩn về nhiên liệu thân thiện với môi trường tại Việt Nam. Các dòng xe do Ford Vietnam sản xuất phù hợp với các tiêu chuẩn của từng khu vực và trên toàn cầu, vì vậy, hiện Ford Việt Nam không có khó khăn gì trong việc cung cấp các sản phẩm có thể sử dụng nhiên liệu sinh học theo lộ trình Bộ Công Thương đưa ra.

Theo nhà sản xuất này, các thị trường ASEAN như Thái Lan, Indonesia, Philippines và Malaysia cũng đang lưu hành các loại nhiên liệu E5, B5. Các dòng xe của Ford Việt Nam đều tương thích với các quy định chung của khu vực. Ví dụ như dòng xe Ford Focus ở Việt Nam cũng như ở Thái Lan và Indonesia đều có thể sử dụng E20.

Dù các dòng xe chạy bằng nhiên liệu xăng của Toyota Việt Nam hiện nay đều có thể sử dụng E5 hoặc E10,  nhưng ông Akito lưu ý rằng bên cạnh việc quản lý chất lượng nhiên liệu sinh học tại khâu pha trộn tại nhà máy, cần có giải pháp quản lý chất lượng nhiên liệu trong khâu bảo quản và phân phối để tránh tình trạng phân tầng và thay đổi các đặc tính hóa lý.

Ford Việt Nam cũng đồng ý rằng, việc duy trì chất lượng nhiên liệu E5/10 hay B5 phải đảm bảo đúng quy định, và đặc biệt các trạm xăng phải tuân thủ yêu cầu trong bảo quản loại nhiên liệu này để xăng Ethanol hay Bio-diesel không bị phân tầng, tách lớp khi lưu kho.

Theo Ford Việt Nam, sản phẩm động cơ cháy cưỡng bức (động cơ xăng) không ảnh hưởng khi sử dụng loại nhiên liệu xăng E5. Loại động cơ cháy do nén (động cơ diesel) cũng không gặp vấn đề gì khi sử dụng B5, tuy nhiên, do là loại động cơ cháy do nén nên yêu cầu cao hơn về chất lượng nhiên liệu và phương pháp pha trộn diesel thông thường với nhiên liệu Bio-diesel tinh khiết (B100), nên bước đầu ở một số nước trong khu vực thường triển khai B3 (Thái Lan dùng B3; Philippines dùng B2), để thử nghiệm trước khi đưa nhiên liệu B5 ra sử dụng đại chúng.

Ông Akito cũng đồng tình quan điểm này, theo ông, với diesel sinh học, hầu hết các nước mới áp dụng thử nghiệm đến B3; mặc dù đã có tiêu chuẩn kỹ thuật B5 hay B10.

Tổng giám đốc Toyota Việt Nam thì cho rằng, để đảm bảo chất lượng cho xe khi sử dụng loại xăng sinh học, Bộ Công Thương nên có giải pháp quản lý chặt chẽ chất lượng nhiên liệu sinh học tại Việt Nam, tuân thủ được các quy định về pha trộn, bảo quản, phân phối theo tiêu chuẩn quốc tế.

Việc sử dụng xăng sinh học góp phần làm giảm mức phát thải, ở mức độ nhất định góp phần tăng trị số octan. Thực tế ở một số nước, để đảm bảo trị số octan, xăng sinh học đã được pha ở mức độ thấp để thay thế cho chì, góp phần giảm bớt sự độc hại và ô nhiễm môi trường

Từ ngày 1-8-2010, xăng sinh học E5 được bán thí điểm ở một số địa phương. Tuy nhiên, trên thực tế thì việc đưa xăng sinh học vào cuộc sống vẫn đang gặp nhiều khó khăn bởi mạng lưới phân phối quá mỏng.

Theo các chuyên gia, nếu dự thảo trên được duyệt thì buộc các cây xăng phải tham gia. Việc cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng cho hàng ngàn cửa hàng xăng dầu và các trạm phối trộn trên toàn quốc sẽ tốn rất nhiều tiền.

Nếu dự thảo nói trên được thông qua thì thì từ tháng 7-2013, xăng được nhập khẩu, sản xuất, pha chế để tiêu thụ trên địa bàn các tỉnh Quảng Ngãi, Bà Rịa – Vũng Tàu và các thành phố Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, và Cần Thơ sẽ phải là xăng sinh học E5; và đến đầu năm 2015, việc bán xăng E5 sẽ được thực hiện bắt buộc ở tất cả các cây xăng trên toàn quốc.

Đối với dầu Diezel sinh học B5, từ đầu năm 2015, bắt buộc phải áp dụng cho phương tiện cơ giới đường bộ để tiêu thụ trên địa bàn các tỉnh thành phố Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ. Và sẽ được áp dụng trên toàn quốc từ đầu năm 2016.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới