Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Hành lang pháp lý nào cho lao động nước ngoài?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Hành lang pháp lý nào cho lao động nước ngoài?

Quang Chung

(TBKTSG) – Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 34 (2008) về tuyển dụng và quản lý người nước ngoài làm việc tại Việt Nam đã được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) soạn thảo sau việc hàng ngàn lao động phổ thông nước ngoài đến làm việc trên các công trình Việt Nam trong những năm gần đây.

Bít những kẽ hở

Theo Nghị định 34, người nước ngoài muốn vào Việt Nam làm việc theo hình thức hợp đồng lao động, di chuyển nội bộ doanh nghiệp… phải tuân thủ những quy định khá chặt chẽ. Tuy nhiên, do việc quản lý của các cơ quan chức năng còn lỏng lẻo, cũng như vẫn còn những kẽ hở nhất định trong các quy định pháp luật nên qua đợt khảo sát trong năm 2009, Bộ LĐ-TB-XH đã phát hiện hàng chục ngàn lao động phổ thông nước ngoài làm việc tại Việt Nam, dù không có giấy phép lao động.

Bộ LĐ-TB-XH phát hiện ra rằng, do quy định chưa đầy đủ về việc người nước ngoài vào Việt Nam để thực hiện các dự án mà nhà thầu nước ngoài trúng thầu là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên.

Phần lớn lao động phổ thông nước ngoài vào Việt Nam làm việc không phép đều bằng thị thực du lịch hoặc được khai báo là có kinh nghiệm trong nghề nghiệp nên các cơ quan chức năng khó kiểm soát.

Hơn nữa, khi phát hiện lao động nước ngoài không có giấy phép thì cũng chưa có những quy định cụ thể về việc trục xuất họ khỏi Việt Nam.

Vì vậy, trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 34, Bộ LĐ-TB-XH đã quy định bổ sung: “Các doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài khi nộp hồ sơ tham gia đấu thầu tại Việt Nam với cơ quan có thẩm quyền thì phải lập kế hoạch sử dụng lao động nước ngoài… Đối với người nước ngoài có kinh nghiệm trong nghề nghiệp, trong điều hành sản xuất, quản lý mà không có chứng chỉ, giấy chứng nhận thì phải có xác nhận ít nhất năm năm kinh nghiệm và được chủ đầu tư phía Việt Nam chấp thuận bằng văn bản…”.

Và, để xử lý hành vi vi phạm quy định nói trên, dự thảo này cũng quy định: “Người nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam mà chưa được cấp giấy phép lao động thì phải làm thủ tục đề nghị cấp giấy phép lao động theo quy định. Sau sáu tháng kể từ ngày nghị định này có hiệu lực thi hành mà không có giấy phép lao động thì Sở LĐ-TB-XH đề nghị Bộ Công an buộc xuất cảnh theo quy định của pháp luật”.

Dự thảo nghị định cũng quy định trách nhiệm của Bộ Công an như: “Không cấp thị thực cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam từ ba tháng trở lên mà không có giấy phép lao động hoặc chưa gia hạn giấy phép lao động; cũng như không gia hạn tạm trú và buộc xuất cảnh đối với các trường hợp vi phạm”.

Như vậy, nếu dự thảo nghị định này được thông qua, thì đến đầu năm tới (dự kiến dự thảo nghị định này sẽ được Thủ tướng phê duyệt và có hiệu lực từ 1-7-2010), Việt Nam sẽ có cơ sở pháp lý để trục xuất số lao động đang làm việc mà không có giấy phép nhưng vẫn hiện diện ở Việt Nam.

Cần hoàn thiện hơn nữa!

Tuy nhiên, để tránh trường hợp chồng chéo trong các quy định, một cán bộ của Sở LĐ-TB-XH TPHCM cho rằng, dự thảo nghị định cần bổ sung đối tượng miễn cấp giấy phép lao động cho chuyên gia nước ngoài thực hiện các chương trình, dự án ODA (được quy định tại khoản 4, điều 7 Quy chế chuyên gia nước ngoài thực hiện các chương trình dự án ODA ban hành kèm theo Quyết định số 119 của Chính phủ (tháng 10-2009).

Và, theo quy định tại khoản 1, điều 9 Nghị định 34 về trường hợp được miễn giấy phép lao động có ghi nhận trường hợp người nước ngoài là thành viên hội đồng thành viên của công ty TNHH hai thành viên, hoặc chủ sở hữu công ty TNHH một thành viên. Tuy nhiên, theo Luật Doanh nghiệp, thành viên công ty TNHH có thể là cá nhân hoặc tổ chức, chủ sở hữu có thể là cá nhân hoặc tổ chức, trong khi Nghị định số 34 chưa có sự phân biệt đối tượng loại này…

Trong báo cáo góp ý cho dự thảo nghị định, Sở LĐ-TB-XH TPHCM cũng cho rằng quy định “…buộc xuất cảnh đối với các trường hợp người nước ngoài…” nhưng pháp luật về xuất nhập cảnh hiện hành không quy định hình thức “buộc xuất cảnh”. Do đó, để đảm bảo tính pháp lý, đề nghị Bộ LĐ-TB-XH kiến nghị Bộ Công an quy định cụ thể hình thức “buộc xuất cảnh” bằng văn bản quy phạm pháp luật để áp dụng cho phù hợp hoặc giữ nguyên hình thức xử lý “trục xuất” đối với các trường hợp người lao động nước ngoài vi phạm.

Ngoài ra, Sở LĐ-TB-XH TPHCM cũng đề nghị bổ sung vào dự thảo một số nội dung như quy định rõ thời gian được gia hạn giấy phép, số lần gia hạn. Việc quy định đào tạo người thay thế hiện nay chưa cụ thể, chưa đủ cơ sở pháp lý để các cơ quan chức năng buộc thực hiện. Tình trạng này đã kéo dài nhiều năm và nếu không có chính sách thích hợp sẽ ảnh hưởng đến quá trình phát triển của lực lượng lao động Việt Nam.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới