Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Hạnh phúc, quyền uy, lòng tham…

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Hạnh phúc, quyền uy, lòng tham…

(TBKTSG) – Tiến sĩ Nguyễn Tường Bách là chuyên gia trong lĩnh vực quản lý dự án công nghiệp, đồng thời là tác giả, dịch giả nhiều bộ sách về Phật giáo. Sau hơn 40 năm sống ở nước ngoài, nay ông quay về sống và làm việc tại TPHCM. TBKTSG xin giới thiệu cuộc trò chuyện cùng ông.

TBKTSG: Có những nghiên cứu nói rằng có một số phần trăm rất cao người Việt cảm nhận mình có hạnh phúc. Anh có tin điều đó không? –

TS. NGUYỄN TƯỜNG BÁCH: Tôi cũng có nghe nói như vậy nhưng không rõ mức độ khách quan của nó ra sao. Nhưng tôi cũng phải thừa nhận là người Việt Nam rất lạc quan, nhiều người nước ngoài cũng nói thế.  

TBKTSG: Anh có thể lý giải tại sao một nước mà mức thu nhập còn thấp nhưng dân chúng lại lạc quan?

 – Có nhiều cách giải thích. Tại đây, khi bị cúp điện và sau đó đèn sáng lên tôi thấy rất hạnh phúc, cả xóm cũng ồ lên mừng rỡ. Bên kia, nếu bạn lái xe hơi ẩu một chút, bạn sẽ bắt gặp những khuôn mặt vô cùng giận dữ. Tôi ở bên kia 40 năm đôi lúc không hiểu tại sao họ lại làm to chuyện như thế. Có thể họ quá quen với kỷ luật và tiện nghi. Té ra quá kỷ luật cũng làm ta đau khổ.  

TBKTSG: Anh lái xe gắn máy, anh không phiền vì sự kẹt xe và đi ẩu tại Việt Nam sao?

– Có chứ, đó là cái nạn hiện nay. Nhưng ta cũng có thể nhìn cách khác. Trong dòng xe ta có thể tìm thấy sự kiên nhẫn và thông cảm vô tận của người lái xe với nhau. Thỉnh thoảng tôi cũng đi ẩu nhưng chưa có ai nguyền rủa tôi cả.  

TBKTSG: Thế thì hạnh phúc là gì, là môi trường sống, là tiện nghi, là quan hệ giữa mọi người, là cách nhìn?

 – Tất cả những thứ đó. Đã có nhiều người nói về hạnh phúc, bóc lịch mỗi ngày, ta hay đọc vài câu danh ngôn về hạnh phúc là gì.  

TBKTSG: Anh sống 40 năm ở nước ngoài, biết rõ hai nền văn hóa khác nhau, hẳn có một chút tổng kết chứ?

– Điều kiện tiên quyết của hạnh phúc dĩ nhiên là có ăn, có mặc và sức khỏe không đến nỗi quá tồi tệ. Sau đó là làm được gì mà thâm tâm mình muốn làm.  

TBKTSG: Thâm tâm muốn làm?

– Thường thường con người làm cái gì đó vì trách nhiệm gia đình, vì mưu sinh, vì áp lực xã hội chứ chưa chắc mình muốn làm. Lấy thí dụ làm hai ba công việc như một số người là tại vì áp lực xã hội, vì muốn mình cũng không thua kém ai.  

TBKTSG: Theo như anh nói thì hầu như ai cũng làm việc vì những động cơ kia, mấy ai làm được điều thâm tâm muốn làm?

– Thì vì như thế nên ai cũng than khổ. Dĩ nhiên cũng có người thực hiện đúng điều mình yêu thích trong công việc hàng ngày của mình.  

TBKTSG: Nhưng anh có chắc là nếu làm đúng công việc mà mình yêu thích thì mình sẽ hạnh phúc?

– Còn phải biết lượng sức mình. Có câu nói rất hay: “Chúc bạn đủ sức mạnh để làm những điều bạn có khả năng làm được, chúc bạn đủ sáng suốt để biết những gì mình không làm được”. Vì nếu không biết lượng sức mình thì càng làm càng… mất hạnh phúc.  

TBKTSG: Theo anh, trong xã hội, nghề nào thì làm được những điều mình muốn làm?

– Tùy mỗi người. Làm kinh tế, làm khoa học, làm nghệ thuật, đi dạy học, thậm chí thợ thủ công… đều có thể tìm trong nghề nghiệp của mình niềm vui và say mê trong cuộc sống. Ông hàng xóm sát nhà của tôi bên Đức tuy là kỹ sư trưởng phòng một công ty đa quốc gia nhưng đứa con trai vẫn nhất định theo nghề thợ mộc và ông vui vẻ chấp nhận.  

TBKTSG: Ta hãy nói rõ thêm về niềm vui của doanh nhân, niềm vui làm kinh tế. Niềm vui của nhà kinh tế nằm ở đâu, theo anh?

 – Niềm vui lớn lắm. Làm kinh tế ta hiểu những vấn đề vĩ mô của xã hội, điều động hàng chục, hàng trăm con người, chuyển vận những khối tiền lớn, tiếp xúc với các thành phần chủ chốt trong xã hội. Nếu tiếp xúc với nước ngoài, ta đi thẳng vào thành phần xuất sắc của thế giới. Nhưng quan trọng nhất là khi làm kinh tế, ta tác động trực tiếp đến số phận của hàng trăm, thậm chí hàng ngàn gia đình.  

TBKTSG: Thế thì phải chăng niềm vui nằm ở chỗ có uy lực?

– “Uy lực“ là một cách nhìn. Hiển nhiên là có kẻ tìm uy lực trong kinh tế, kinh doanh, tiền bạc. Cái vui của kinh tế theo tôi là quy mô tác động của nó. Có lẽ không có ngành nào trong xã hội mà sự tác động đến từng gia đình lớn lao và trực tiếp như kinh tế.  

TBKTSG: Nhưng cái rủi ro cũng lớn, nhiều kẻ đã thân bại danh liệt?

– Đúng thôi. Thì cũng như mọi thứ khác, chỗ nào có vinh quang lớn thì cũng có rủi ro lớn. Cưỡi ngọn sóng lớn mà…  

TBKTSG: Theo anh,  cái rủi ro của doanh nhân nằm ở chỗ nào?

– Như trên tôi đã nói, một lỗi lầm căn bản của doanh nhân là không biết tự lượng sức mình. Cái này bên Tây bên Mỹ cũng như bên mình.  

TBKTSG: Sức là sức gì? Sức tiền bạc, sức tài năng hay sức gì?

– Vốn liếng, khả năng chuyên môn và nội lực. Thêm một cái mà người ta hay đánh giá sai là cơ may của mình trong một thị trường đầy sự cạnh tranh. Nhiều khi cơ may rất thấp mà cứ tưởng là cao. Tại châu Âu có những khóa học huấn luyện cho những ai sắp sửa mở công ty riêng. Trong đó, người ta khuyên phải biết đánh giá cơ may của mình một cách khách quan bằng nhiều nguồn thông tin khác nhau.  

TBKTSG: Con người hay nhầm tưởng giữa ước mơ và thực tế!

– Đúng thế. Câu nói này cũng có một chiều sâu về triết học và nhận thức luận.  

TBKTSG: Ngoài những điều vừa kể, theo anh, doanh nhân còn cần gì nữa?

– Còn cần một điều mà ta hay gọi là “đạo lý kinh doanh”.  

TBKTSG: Điều này thì nhiều người cũng đã nói tới. Theo anh thì giữa quyền lợi riêng và quyền lợi chung, chỗ nào tương đồng, chỗ nào mâu thuẫn?

– Thiên hạ mênh mông, nếu ta biết cống hiến sức làm việc thì sẽ có vị trí và tài sản cho ta, thực ra không có mâu thuẫn. Không sống bằng sự lừa dối, không buôn bán chất độc hại, thu hoạch lợi nhuận có chừng mực, để cho người khác được sống, đó là đạo lý kinh doanh.  

TBKTSG: Nhưng khi tất cả mọi người đều cố ních đầy túi tham, liệu cái chủ trương này còn khả dĩ?

– Thị trường sẽ sụp đổ nếu thiếu đạo lý, hãy xem hệ thống tài chánh thế giới hiện nay. Lý do chính là nhiều nhà đầu tư tài chính đã quá tham lợi nhuận. Nay nhiều chính phủ đã nhập cuộc để phần nào điều tiết giữa lợi nhuận của họ và lợi ích của xã hội. Cái bong bóng nhà đất tại Việt Nam bị xì hơi cũng vì ai cũng muốn vơ vét thật nhanh.  

TBKTSG: Có một thí dụ khác, tích cực hơn về “đạo lý kinh doanh” không?

– Các công ty lâu đời trên thế giới, nhất là các công ty công nghệ, tồn tại hàng trăm năm thường là nhờ sáng lập viên của họ đều là những con người xuất thân rất nghèo nàn và muốn cống hiến khả năng và niềm say mê kỹ thuật của mình cho sự phát triển xã hội. Bạn có thể thấy điều này ở châu Âu, ở Mỹ, ở Nhật, Hàn Quốc.

TBKTSG: Ở Việt Nam thì sao?

– Tôi ít thông tin nên không dám nói gì về Việt Nam. Nhưng tôi nghĩ rằng những ai đi vào kinh doanh nhằm chụp giựt lợi nhuận, không chóng thì chầy sẽ thất bại. Phải có một tầm nhìn xây dựng, thân thiện với con người, cộng đồng và môi trường, kết hợp với ích lợi chính đáng riêng thì Việt Nam cũng là một bầu trời mênh mông, ai cũng có chỗ cho mình cả.  

TBKTSG: Anh cũng là doanh nhân, xin hỏi anh có tìm một chỗ cho anh không?

– Thời kỳ doanh nhân của tôi đã qua…  

TBKTSG: …Còn bây giờ?

– Bây giờ tôi đi dạy học.  

TBKTSG: Hy vọng đó là điều “thâm tâm anh muốn làm”. Xin cảm ơn anh về buổi trò chuyện này.

MINH PHƯƠNG thực hiện

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới