Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Hành trang Covid-19 và kinh tế học bản ngã

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Hành trang Covid-19 và kinh tế học bản ngã

Lê Hữu Huy (*)

(TBKTSG Xuân) – Trong cuốn tự truyện mang tựa đề Life After Death kể lại cuộc sống trong tù trong gần hai mươi năm do bị kết án oan, tác giả người Mỹ Damien Echols đã chia sẻ những chi tiết không thể diễn tả được trong phòng biệt giam hằng ngày suốt hai mươi ba tiếng đồng hồ. Tuy nhiên, ông đã tìm cách biến sự nghiệt ngã này thành trải nghiệm tích cực.

Hành trang Covid-19 và kinh tế học bản ngã

 

Bị giam cầm lúc 19 tuổi, chàng thanh niên Damien quyết định xem nhà tù là nơi ẩn cư cho tu sĩ và cơ hội để tự học. Trong tù, anh được xuất gia theo truyền thống Rinzai của Phật giáo Nhật Bản và tọa thiền mỗi ngày. Anh cũng nghiên cứu một trật tự tâm linh cổ xưa, bao gồm Ki tô giáo ngộ đạo, cách vận hành năng lượng của Lão giáo và Do Thái giáo bí truyền.

Trong thời gian cận kề với ngày xử án, Damien càng học nhiều hơn và các nghi lễ tâm linh đã giúp tâm trí và các giác quan của anh luôn tỉnh thức. Anh cố gắng đạt được một ý thức sống hoàn toàn trong hiện tại, không sống trong quá khứ hay tương lai. Những thực hành này trở thành cốt lõi cuộc sống khiến anh quên rằng mình đang ở tù và cảm thấy hào hứng khi mỗi sáng thức dậy bắt đầu một ngày mới.

May mắn được tự do sau 18 năm tù ngục, Damien cay đắng khi nhớ lại quãng thời gian kinh hoàng nói trên nhưng không xem đó là mất mát. Anh nhận ra rằng một khi tiếp cận được phần sâu thẳm nhất của bản thân thì con người có thể thót ra khỏi sự sợ hãi và tuyệt vọng. Theo Damien, con người chúng ta có thể sống trên một trong hai bước sóng năng lượng, một bên là tình yêu và bên kia là sự sợ hãi. Hãy khám phá những khát vọng của bản thân và cống hiến hết mình vì những điều đó, biến cuộc sống thành một trải nghiệm biến đổi…

Câu chuyện trên đây là một trong những nguồn cảm hứng và động viên tôi trong những thời điểm và phút giây căng thẳng nhất của cơn đại dịch Covid-19. Đã có lúc tôi cảm thấy như bị cầm tù trong hai tuần bị cách ly ở nhà sau chuyến công tác ở Việt Nam rồi ngay sau đó là hai tháng giãn cách toàn xã hội trên hòn đảo Singapore bé nhỏ – không được đi đâu ra khỏi nhà trừ lý do cần thiết.

Quả thật, dù đã lăn lóc nơi đất khách quê người và trải qua nhiều cuộc khủng hoảng ở Singapore trong đó có dịch SARS trong hơn hai thập niên qua nhưng lắm khi tôi không dám tự tin về khả năng chịu đựng của mình.

Tôi suy nghĩ nhiều hơn về ý nghĩa của sự tồn tại và cả cái chết. Tôi tin rằng đại dịch đã đến nhưng rồi sẽ qua đi, rằng thế giới sẽ sớm có vaccine, rằng cuộc sống sẽ trở lại bình thường.

Cố gắng luôn bận bịu bằng cách xử lý công việc qua mạng nhưng tôi vẫn đối diện với thực tế khi ngày nào cũng có ca nhiễm mới, có lúc lên đến hàng ngàn. Tôi dành nhiều thời gian hơn để tự tập vật lý trị liệu ở nhà khi không còn được đi bơi để xử lý chứng đau xương khớp phát sinh từ mười mấy năm nay.

Giờ đây, một ngày của tôi không thể thiếu những khoảng lặng tĩnh tâm. Và tôi cảm thấy như vừa bước vào một hành trình sống mới để khám phá và thấu hiểu bản thân mình.

Sự vận hành của “Ego”

Hành trình khám phá bản thân đã giúp tôi tiếp cận một thuật ngữ tiếng Anh mới là Egonomics, tạm dịch “Kinh tế học bản ngã”.

Thuật ngữ này lần đầu tiên được đưa ra bởi giáo sư kinh tế người Mỹ Thomas Schelling, người từng đoạt giải Nobel Kinh tế năm 2005.

Trong bài báo Egonomics, hay Nghệ thuật quản lý bản thân, Schelling cho rằng một người có thể mắc phải một loại rối loạn phân chia nhân cách (split-personality disorder), theo đó bản ngã của hiện tại muốn một thứ cụ thể (như ăn một cái bánh) nhưng bản ngã của tương lai hoặc quá khứ lại muốn một thứ khác (như giảm cân). Cả hai bản ngã này đều tồn tại, nhưng không tồn tại đồng thời, liên tục mâu thuẫn và dẫn đến một loại bất đồng nhận thức. Nói cách khác, con người luôn có những xung đột giữa mong muốn trước mắt và lâu dài gọi là “khao khát”. Egonomics là việc theo đuổi của nhận thức về khao khát đó.

Ego là một từ Latinh mà tiếng Việt hiểu nôm na là “cái tôi” hay “bản ngã”. Nhưng với Egonomics, Ego không chỉ đơn thuần là cái tôi thụ động mà là sự tự tin, tự trọng, cởi mở hay tham vọng. Theo hai tác giả người Anh David Marcum và Steven Smith, Ego vừa là tài sản có (asset) vừa là tài sản nợ (liability) của một cá nhân. Để diễn giải về sự vận hành của Ego, hai tác giả liên hệ với hệ thống miễn dịch của con người có thể tạo ra các phân tử được gọi là gốc tự do (free radical). Tuy nhiên, khi các yếu tố môi trường như ô nhiễm và hóa chất độc hại làm cho việc sản xuất gốc tự do trở nên quá mức, những phân tử này không chỉ tấn công virus và vi khuẩn mà còn cả các tế bào tốt và các mô quan trọng, gây ra bệnh tật, lão hóa sớm, ung thư và nhiều bệnh khác.

Càng biết nhiều thì con người càng tự tin hơn nhưng khi sự tự tin vào những gì chúng ta biết tăng lên đến mức chúng ta nghĩ rằng không còn nhiều thứ để học, chúng ta sẽ ít cởi mở hơn. Nguy cơ xuất hiện khi nắp hộp kiến thức của chúng ta bắt đầu đóng lại.

Theo hai tác giả, Ego chính là cái gốc tự do nói trên. Ở mức độ phù hợp, Ego là thành phần tích cực, cung cấp một mức độ tự tin và tham vọng lành mạnh như loại bỏ sự bất an, sự sợ hãi hay thờ ơ. Nhưng nếu không được kiểm soát, nó sẽ đi theo hướng tiêu cực.

“Tế bào” đầu tiên mà Ego tấn công sẽ là tài năng và năng lực của chúng ta – thông qua sự tự tin quá mức và tạo ra ảo tưởng sai lầm rằng chúng ta tốt hơn mình tưởng, hoặc bằng cách làm mòn sự tự tin khiến chúng ta mất tin tưởng vào khả năng sử dụng tài năng để phát huy năng lực.

Để giữ cân bằng số lượng gốc tự do, cơ thể con người sẽ sản xuất chất chống oxy hóa (antioxidants). Những chất chống oxy hóa này hoạt động như những thợ săn theo dõi các gốc tự do phát triển quá mức và trung hòa chúng, duy trì hệ thống miễn dịch và giúp chúng ta khỏe mạnh. Cơ thể không tự sản xuất đủ chất chống oxy hóa, nhưng một chế độ ăn uống giàu vitamin A, C và E sẽ giúp chúng ta tự bảo vệ, chống lại tác động phá hủy của các gốc tự do. Đối với sự phát triển của một cá nhân, nguyên tắc tương tự của chế độ ăn uống cân bằng cũng được áp dụng. Văn hóa doanh nghiệp lành mạnh, những quan hệ và sự nghiệp của con người phụ thuộc rất nhiều vào những chất chống oxy hóa nói trên, cho phép duy trì tài năng của cá nhân để giúp doanh nghiệp phát triển vững mạnh.

Để giúp Ego vận hành hiệu quả như một tài sản có chứ không phải thành tài sản nợ, hai tác giả đưa ra ba nguyên tắc cho Egonomics là tính khiêm tốn, sự tò mò và hành động vì chân lý (xem sơ đồ hình tháp). Nguyên tắc đầu tiên có vẻ như không có gì bàn cãi nhưng điều cần nhấn mạnh ở đây là đức tính khiêm tốn phải được hiểu một cách năng động, không có nghĩa là im lặng hay đồng ý mà có thể thể hiện sự bất mãn nhưng trên tinh thần xây dựng (constructive discontent). Tò mò không đơn thuần là quan sát rồi để đó (state curiosity) mà chúng ta phải có hành vi, động thái để tạo ra những hiệu ứng tích cực cụ thể cho bản thân hay doanh nghiệp (trait curiosity). Nguyên tắc cuối cùng liên quan đến tầm nhìn, chiến lược và những giá trị sống căn bản.

Nhận diện “chiếc hộp mở”

Nhưng nội dung thú vị nhất của Egonomics là hình ảnh đường cong học tập (learning curve) và chiếc hộp mở. Đường cong là quá trình học hỏi của một cá nhân để thích ứng với yêu cầu nghề nghiệp và người này mất một khoảng thời gian để đạt đến đỉnh cao của sự phù hợp (xem đồ thị Đường cong học tập).

Chiếc hộp tượng trưng cho kiến thức, kinh nghiệm và năng lực của người này. Kích cỡ hộp tùy thuộc vào từng cá nhân nhưng dù thế nào đi nữa, đường cong đại diện cho sự phù hợp  của những gì đựng trong hộp. Vị trí trên đường cong càng cao thì tầm quan trọng của cá nhân với doanh nghiệp càng lớn và nhu cầu sử dụng dịch vụ của người này trong thị trường lao động ngày càng nhiều.

Yêu cầu đặt ra là con người phải luôn ở vị trí cao và chiếc hộp phải luôn mở để học hỏi và tiếp thu cái mới. Theo hai tác giả Marcum và Smith, khi Ego mất cân bằng, có một mối quan hệ nghịch đảo giữa việc tích lũy kiến thức và học tập. Càng biết nhiều thì con người càng tự tin hơn nhưng khi sự tự tin vào những gì chúng ta biết tăng lên đến mức chúng ta nghĩ rằng không còn nhiều thứ để học, chúng ta sẽ ít cởi mở hơn. Nguy cơ xuất hiện khi nắp hộp kiến thức của chúng ta bắt đầu đóng lại. Khi hộp bị đóng kín, những ý tưởng mới không thể vào được và những ý tưởng lỗi thời không thể thoát ra và chúng ta trượt xuống phía bên kia của đường cong. Nắp hộp đóng càng nhanh, chúng ta đi xuống càng nhanh.

Hóa ra đại dịch Covid-19 cũng là điều cần thiết cho quá trình tiến hóa của nhân loại và giúp nhiều người trong chúng ta hiểu bản thân mình đang đứng ở vị trí nào của đường cong nói trên. Không còn sự lựa chọn nào khác, mọi người trong chúng ta đều phải cởi mở, sẵn sàng tiếp thu kiến thức và rèn luyện kỹ năng phù hợp với bối cảnh mới.

Theo giáo huấn của nhiều triết gia, con người chúng ta có thể không thay đổi hiện trạng hay thực tế khách quan nhưng có thể vượt qua thử thách để thay đổi chính bản thân mình. Cuộc sống về bản chất là một hành trình nội tại và những phản ứng mà chúng ta chọn trước thử thách sẽ quyết định phong cách và chất lượng cuộc sống của riêng mình.

Với tôi, những thử thách trong đại dịch Covid-19 đã giúp tôi trưởng thành hơn về nghề nghiệp và cuộc sống với những chiều sâu mới trong bản thân, về cái nhìn sâu sắc về tình yêu, hạnh phúc và đau khổ, hướng tới một phiên bản tốt hơn của chính mình.

(*) Ông Lê Hữu Huy là Giám đốc Công ty Tư vấn Vietnam Global Network, Singapore.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới