Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Hành trình vào hoàng hôn của đô la Mỹ! (tiếp theo)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Hành trình vào hoàng hôn của đô la Mỹ! (tiếp theo)

Nguyễn Phán

(KTSG) – “Đồng đô la là tiền của tôi, nhưng là vấn đề của ông” -John Connolly, 1971 –

Hành trình vào hoàng hôn của đô la Mỹ!

“Áp dụng cho Mỹ, thì vấn đề Triffin sẽ xảy ra như sau: khi các nước trên thế giới phải thu mua đô la Mỹ để dùng làm tiền dự trữ, thì Mỹ phải là nước xuất siêu. Vì tổng nhu cầu tiền dự trữ tăng theo GDP thế giới và GDP thế giới tăng nhanh hơn GDP của Mỹ, sự tăng trưởng của tổng giá trị tiền dự trữ ngoài Mỹ sẽ kéo theo tổng giá trị nợ của Mỹ lên ngưỡng không thể kiểm soát. Trong trường hợp đó, Mỹ sẽ phải lựa chọn giữa ngưng nhập siêu, dẫn tới khủng hoảng nguồn cung đô la, hoặc tiếp tục gia tăng nợ và làm cho đồng đô la yếu đi, kéo theo giá trị tín dụng của trái phiếu Mỹ”. -“Triffin: dilemma or myth”, Bank of International Settlement, 2017-

Hành trình vào hoàng hôn của đô la Mỹ! (tiếp theo)
Nếu không phải đô la Mỹ thì tiếp theo là gì? Ảnh minh họa: TTXVN

Tìm cách thoát khỏi đô la Mỹ

Nếu những gì mà Ngân hàng Giao dịch thế giới (BIS) nói là đúng, thì vẫn chưa có quốc gia nào muốn đồng tiền bản địa của mình thay thế đô la Mỹ. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với chưa quốc gia nào thử nghiệm một hệ thống khác ngoài đô la để né tránh các hình thức cấm vận của Mỹ. Động lực để một số quốc gia từng tuyên bố sẽ bán dầu bằng euro hay một loại tiền khác là ở chỗ kinh tế Mỹ không còn chiếm phần lớn GDP thế giới nữa. Từ 40% sau Thế chiến thứ hai, Mỹ hiện nay chỉ còn chiếm 20-25% tổng GDP thế giới.

Nga là nước xuất khẩu khí đốt và dầu cho châu Âu và nhận lại euro thay vì đô la Mỹ. Vị thế của Nga nằm ở khoảng cách và giá trị kinh tế của tài nguyên rẻ mà quốc gia này mang lại. Bản thân Ngân hàng trung ương Nga từ lâu đã loại bỏ trái phiếu Mỹ ra khỏi tài sản dự trữ của mình và mua vàng, làm tăng khả năng thanh khoản của đồng rúp. Từ chỗ xuất khẩu cho Trung Quốc và giao dịch gần 100% bằng đô la Mỹ, Nga hiện nay chỉ giao dịch bằng đô la 33%, còn 50% là đồng euro và 17% là bằng chính đồng rúp (hình 1). Hai quốc gia này từ lâu đã muốn thoát khỏi hệ thống SWIFT của Mỹ và xây dựng một hệ thống thanh khoản riêng biệt. Đó là lý do tại sao Trung Quốc tiến hành dự án Một vành đai một con đường và cho ra mắt hệ thống tiền điện tử của mình.

Bộ Quốc phòng Mỹ gần đây đã phải lên tiếng trước Tổng thống Mỹ Joe Biden rằng hệ thống Eurodollar là một con dao hai lưỡi và hải quân Mỹ đang chịu hậu quả gián tiếp từ hệ thống này. Trong trường hợp để cấm vận một chính thể, không có gì nhanh bằng cắt chính phủ của chính thể đó khỏi hệ thống SWIFT cộng với áp lực quân sự. Nhưng điều này dễ đẩy các nước này vào vòng tay của các quốc gia đối trọng với Mỹ như Nga và Trung Quốc. Chưa hết, Trung Quốc đang lợi dụng hệ thống Eurodollar để gây áp lực lên các quốc gia đói vốn (hình 2). Bằng chứng là dự án Một vành đai một con đường, ngoài mục tiêu đẩy nhân công ra nước ngoài để tạo việc làm, thì Trung Quốc còn cho các nước này vay nợ bằng đô la Mỹ để đổi lấy quyền khai thác khoáng sản và quặng kim loại quý. Các đường vận chuyển hàng hải của các sản phẩm khai thác từ các quặng này đều được bảo vệ bởi hải quân Mỹ. Trớ trêu thay Mỹ đang bỏ tiền để giúp cho chính đối thủ của mình.

Về tài chính, Mỹ đang phải đối mặt với việc phải tự in tiền cho chi tiêu công của mình. Khi các nước không còn muốn mua trái phiếu Mỹ thì Ngân hàng Trung ương Mỹ (Fed) phải đứng ra mua lại chính trái phiếu của Bộ Tài chính ấn hành. Đây là hành động không có gì mới, nhưng nội trong năm 2020, Fed đã phải gánh toàn bộ trái phiếu được ấn hành và vượt qua các ngân hàng nước ngoài để trở thành “khách hàng” lớn nhất (hình 3). Như vậy, khối nước ngoài đã không còn muốn “tài trợ” cho Chính phủ Mỹ trong chính sách tài khóa của mình.

Đây là một vòng tuần hoàn bất lợi cho Mỹ: tiếp tục nhập siêu, đẩy việc làm ra nước ngoài và xuất khẩu đô la Mỹ, trong khi các khối nước ngoài không muốn mua trái phiếu Mỹ mà đổ tiền vào cho Trung Quốc. Bắc Kinh từng bước “vũ khí hóa ngược” đô la Mỹ, ép các nước phải chia sẻ tài nguyên và quyền truy cập quặng kim loại quý, trong khi được chính hải quân Mỹ bảo vệ. Tất cả chứng minh một điều: nền kinh tế Mỹ đã không còn đủ lớn trên bàn cân GDP để tiếp tục xuất khẩu đô la, trong khi bản thân phải tự in tiền để phục vụ mục đích tài khóa, còn các quốc gia khác thì cứ tiếp tục thao túng tiền của mình để “rút lõi” Mỹ.

Nếu không phải đô la Mỹ thì tiếp theo là gì?

Nhưng để thay thế được vị thế của đô la Mỹ thì phải mất một thời gian khá dài, thậm chí có thể là không bao giờ. Nhìn vào dự trữ tiền tệ thế giới, đô la Mỹ vẫn chiếm hơn 50% số tài sản dự trữ, hơn euro (20%) ở vị trí thứ hai và vàng (10-12%) ở vị trí thứ ba (hình 4). Từ năm 2000 trở đi, các nước đã không còn muốn tiếp tục gia tăng dự trữ đô la nữa, và năm 2020 đánh dấu năm mà vàng bắt đầu được mua vào để làm tài sản dự trữ.

Có nhiều ý kiến cho rằng để thay thế đô la Mỹ trong giao dịch, cần phải có một rổ tập hợp các đồng tiền có tính thanh khoản cao hoặc một tài khoản dự trữ độc lập giữa các quốc gia. Có ba loại tài sản được nhắc đến ở đây:

– IMF Bancor: một tập hợp của các loại tiền tệ mà IMF (Quỹ Tiền tệ quốc tế) đã từng cho ra mắt cách đây… gần 80 năm. Vì Mỹ lúc đó muốn giữ vị thế độc tôn, nên hệ thống này bị thất thế trước hệ thống petrodollar sau đó. Trong hệ thống Bancor, vị thế của đô la Mỹ sẽ yếu đi, nhưng đổi lại các nước khác sẽ không phải chịu ảnh hưởng từ biến động của đô la Mỹ. Tuy nhiên, các nước thuộc hệ thống này phải sẵn sàng để cho tiền tệ của mình thả nổi với giá thị trường và không thể can thiệp trực tiếp mà không thông qua sự đồng ý của các bên còn lại. Điều kiện này cần có một ý chí chính trị rất lớn đến từ các nền kinh tế lớn.

– Bitcoin và Blockchain: các ngân hàng nhà nước có thể sử dụng Bitcoin hoặc một loại tiền ảo tương ứng có khả năng thanh khoản với nhau trên hệ thống blockchain. Bản thân các blockchain có thể tạo các loại tiền ảo có giá trị gắn với vàng để giao dịch. Trong trường hợp của bitcoin, giá trị của nó gần giống với tiền fiat: giá trị nằm ở sự chấp thuận của các bên liên quan. Bitcoin gần như đã phá bỏ mọi định kiến để vượt qua nhiều ngưỡng giá. Bitcoin có phải là bong bóng hay không, sẽ là đề tài muôn thuở. Nhưng nó có một số điểm yếu mà chắc chắn không ngân hàng trung ương nào muốn có: tính minh bạch của nó. Không một quốc gia nào sẵn sàng để lộ các khoản chi tiêu của mình trên hệ thống blockchain cho toàn thế giới.

– Vàng: thế giới quay lại tiêu chuẩn vàng có lẽ là điều khó xảy ra. Dù cho hệ thống vàng có tự điều chỉnh, nó hạn chế khả năng kích cầu của một quốc gia. Và nếu quay lại hệ thống vàng, thì đô la vẫn sẽ là đồng tiền mạnh nhất do Mỹ có dự trữ vàng lớn nhất. Điều này là tốt hay xấu cho Mỹ thì cũng rất khó đoán, vì nó tùy thuộc vào nhiều yếu tố ngoại cảnh.

Theo ý kiến chủ quan của tác giả, thì thời gian tới, giá năng lượng và hàng hóa sẽ được định giá bằng nhiều loại tiền tệ khác nhau, không chỉ có đô la Mỹ. Điều này sẽ phản ảnh tầm ảnh hưởng ngày càng lớn của các nước như Trung Quốc, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, hay Nhật Bản. Các nước sẽ cho ra mắt tiền điện tử của riêng mình, và có khả năng sẽ có một hội nghị bàn luận về cách các đồng tiền này giao dịch với nhau. Một phiên bản IMF Bancor điện tử sẽ lên ngôi với một tài sản dự trữ dễ truy cập. Dù cho nó có thể là Bitcoin hay vàng, thì hệ thống đô la có lẽ đã đến lúc chuyển mình theo dòng lịch sử.

***Trước khi đầu tư, mong mọi người hãy tự tìm hiểu trước đi đưa ra quyết định. Những ý kiến trên là chủ quan của tác giả và không có ý định đưa ra lời khuyên đầu tư. Ý kiến của tác giả cũng có thể thay đổi mà không báo trước. Tác giả và các bên liên quan có thể đã có các khoản đầu tư vào những ý kiến nói trên. Tất cả các thông tin được tích hợp từ các nguồn mà tác giả cho là đáng tin cậy, nhưng không thể bảo đảm tính toàn diện và chính xác. Tác giả cũng không loại trừ phần nào của thông tin để tránh sự sai lệch về ý nghĩa của thông tin.***

Mọi câu hỏi xin gửi về: slumdogmarket@outlook.com

Facebook QTMacro: @SlumdogMarket

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới