Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Hành vi uống rượu lái xe nên coi là tội phạm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Hành vi uống rượu lái xe nên coi là tội phạm

Bùi Tiến Đạt (*)

Hành vi uống rượu lái xe nên coi là tội phạm
Đề xuất tịch thu xe của người uống rượu, bia có nồng độ cồn trên 80 mg đang có nhiều ý kiến trái chiều. Trong ảnh kiểm tra nồng độ cồn ở TPHCM – Ảnh: Phạm Thanh

(TBKTSG Online) – Ủy ban An toàn giao thông quốc gia vừa kiến nghị Chính phủ cho phép tịch thu phương tiện khi người điều khiển có nồng độ cồn trên 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,4mg/1ml khí thở. Bài viết này phân tích một số điểm về tính hợp pháp và tính hợp lý mà các nhà làm luật cần tính tới khi xem xét đề nghị này.

Thế nào là vi phạm hành chính nghiêm trọng?

Trước hết, cần phải khẳng định rằng tịch thu phương tiện vi phạm hành chính là hình thức xử phạt chính/bổ sung được pháp luật cho phép. Pháp luật đặt ra ba điều kiện để có thể áp dụng hình thức tịch thu phương tiện: (i) vi phạm hành chính mang tính nghiêm trọng; (ii) lỗi cố ý; (iii) phương tiện là tang vật trực tiếp của vi phạm hành chính hoặc được trực tiếp sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm hành chính mà nếu không có phương tiện này, thì không thể thực hiện được hành vi vi phạm (1). 

Trong ba điều kiện trên, điều kiện thứ nhất có thể gây tranh cãi nhất vì pháp luật hiện nay chưa giải thích rõ thế nào là vi phạm hành chính nghiêm trọng. Thông thường, mức độ nghiêm trọng của tội phạm và vi phạm hành chính được xác định thông qua mức độ của hình phạt. Chẳng hạn, tội phạm nghiêm trọng được định nghĩa là tội phạm gây nguy hại lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là từ trên ba năm đến bảy năm tù (2). Tiếc rằng, khái niệm vi phạm hành chính nghiêm trọng, mặc dù đã được nêu ra tại Luật Xử lý vi phạm hành chính, chưa được giải thích rõ nên có thể bị áp dụng tùy tiện.

Tính minh bạch, công bằng, chính đáng của biện pháp tịch thu phương tiện

Giả dụ có đủ bằng chứng và lý lẽ thuyết phục để coi việc điều khiển phương tiện có nồng độ cồn trên 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,4mg/1ml khí thở là vi phạm hành chính nghiêm trọng. Nếu muốn áp dụng biện pháp tịch thu phương tiện, chúng ta cần tính đến tính minh bạch, công bằng và chính đáng. Tính minh bạch thể hiện ở chỗ hình phạt cần rõ ràng và tương xứng với mức độ nghiêm trọng của vi phạm.

Thiết nghĩ, biện pháp tịch thu, tưởng rằng rõ ràng, nhưng lại không đảm bảo tính cân xứng giữa hình phạt và vi phạm. Nếu như mức phạt tiền, phạt tù luôn nằm trong khung hình phạt xác định và do đó dễ liên hệ đến mức độ nghiêm trọng của vi phạm, hậu quả bất lợi đối với người bị tịch thu phương tiện lại không được xác định rõ ràng vì tùy thuộc vào giá trị thực tế của phương tiện (từ chục triệu đồng đối với xe gắn máy bình dân, đến vài chục triệu đồng đối với xe sang hơn và thậm chí vài trăm triệu, hàng tỉ đồng đối với ô tô).

Tính công bằng của biện pháp tịch thu phương tiện cũng khó được đảm bảo. Như vừa phân tích, cùng một hành vi vi phạm, hậu quả bất lợi đối với mỗi người khác nhau, thậm chí khác xa nhau. Ngoài ra, sẽ không chính đáng khi tịch thu phương tiện trong một số trường hợp như xe mượn, xe thuê, xe công.

Giải pháp thay thế

Không phải chỉ riêng Việt Nam mà rất nhiều quốc gia coi uống rượu lái xe là hành vi nguy hiểm cao cho xã hội và xứng đáng với hình phạt nghiêm khắc để ngăn ngừa. Tuy nhiên, tác giả bài viết chưa thấy việc áp dụng biện pháp tịch thu phương tiện đối với loại vi phạm này. Chẳng hạn ở bang New South Wales, Australia, uống rượu lái xe (drink driving) bị coi là tội phạm (crime) chứ không chỉ là vi phạm hành chính (administrative violation) như Việt Nam.

Ba loại hình phạt có thể được áp dụng là: phạt tiền, phạt tù và tước giấy phép. Tùy theo nồng độ cồn, mức phạt từ 1.100 đô la Úc và ba tháng tước giấy phép, mức phạt tối đa là 3.300 đô la Úc và ba năm tước giấy phép. Nếu tái phạm trong vòng năm năm, mức phạt có thể lên tới 5.500 đô la, phạt tù hai năm và năm năm tước giấy phép(3). Như vậy, Australia loại trừ tịch thu phương tiện là hình phạt đối với người uống rượu lái xe mà áp dụng các hình phạt rõ ràng mà vẫn nghiêm khắc.

Trong lĩnh vực này ở nhiều nước, sự khác biệt cơ bản nhất so với luật của Việt Nam là hình phạt tù được áp dụng. Có thể nói đây là hình phạt có tính răn đe rất cao, còn hơn cả tịch thu phương tiện. Sở dĩ Việt Nam chưa thể áp dụng hình phạt tù cho uống rượu lái xe vì hành vi này chỉ được coi là vi phạm hành chính mà không phải là tội phạm, theo đó không áp dụng phạt tù.

Thiết nghĩ, thay vì đề xuất tịch thu phương tiện, chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện một giải pháp căn cơ hơn bằng cách coi hành vi uống rượu lái xe là tội phạm và đưa nó vào Bộ luật Hình sự. Có lẽ biện pháp tịch thu chỉ phù hợp với những tang vật, phương tiện mà việc sử dụng chúng vốn đã bất hợp pháp (ma túy, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, vật có giá trị lịch sử, giá trị văn hóa, bảo vật quốc gia, cổ vật, hàng lâm sản quý hiếm, vật thuộc loại cấm lưu hành)(4).


(*) Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội

(1) Điều 25, 26 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012; điều 3 Nghị định 81/2013 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính.

(2)  Khoản 3, điều 8 Bộ luật Hình sự 1999.

(3) http://www.armstronglegal.com.au/traffic-law/drink-driving/penalties

(4) Điều 3 Nghị định 81/2013 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Mời xem thêm

Đề xuất tịch thu xe của người uống rượu, bia có khả thi?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới