Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Hậu cách ly, học cách ứng phó với khủng hoảng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Hậu cách ly, học cách ứng phó với khủng hoảng

Chí Thịnh

(TBKTSG Online) – Để duy trì sự tồn tại và tái khởi động hoạt động kinh doanh sau dịch Covid-19, doanh nghiệp nên tích cực đào tạo, giúp nhân viên làm quen với cách làm việc mới, thiết lập quỹ dự phòng… và cần có những kịch bản ứng phó khủng hoảng như đại dịch Covid-19.

Hậu cách ly, học cách ứng phó với khủng hoảng
Các chuyên gia, doanh nghiệp tham gia buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Đi làm hậu cách ly – tiếp lửa cho nhân sự” do ACheckin tổ chức. Ảnh chụp màn hình.

Phép thử trong mùa Covid-19

Tại buổi toạ đàm trực tuyến “Đi làm hậu cách ly – tiếp lửa cho nhân viên” do ACheckin, thuộc Appota Group tổ chức vào sáng 5-5, ông Trần Quốc Toản, Giám đốc điều hành Công ty Adsota (nền tảng quảng cáo trực tuyến) ví von rằng, việc triển khai làm việc từ xa trong mùa dịch Covid-19 vừa qua giống như một phép thử đối với các doanh nghiệp. Bên cạnh khó khăn chồng chất, các doanh nghiệp cũng có thời gian để “nhìn lại mình”, mở ra cơ hội chuyển đổi số đối với doanh nghiệp.

Ông Phan Sơn, Chuyên gia trưởng Học viện quản trị HRD (nguyên quản lý nhân sự Tập đoàn VinGroup, Tecomen, Vĩnh Tường…) cho rằng, mùa dịch vừa rồi cũng là một cơ hội để các doanh nghiệp làm quen với phương thức làm việc tại nhà (Work From Home), đẩy mạnh hoạt động làm việc online. Đây cũng là cơ hội quý giá để các doanh nghiệp hoàn thiện quy trình làm việc online, kiểm tra lại những thủ tục cần bổ sung, chỉnh sửa.

Còn ông Nguyễn Thành Nam, nhà sáng lập FUNiX (tổ chức giáo dục thuộc Tập đoàn FPT), chia sẻ: FUNiX đã triển khai phương thức làm việc trực tuyến (online) từ sớm và tôi mong muốn rằng các tổ chức, doanh nghiệp nên tham gia ngay vào hoạt động chuyển đổi số, làm quen với cách thức làm việc trên môi trường online.

Các chuyên gia cho rằng, dịch Covid-19 cũng đặt ra sự thử thách cho nhà lãnh đạo doanh nghiệp trong quản trị nhân sự khi doanh nghiệp lâm vào tình trạng không sản xuất hoặc chỉ hoạt động cầm chừng, chỉ có chi mà không có nguồn thu. Tuy nhiên, theo ông Phan Sơn, doanh nghiệp chỉ nên đặt ra vấn đề cắt giảm lương thưởng nhân viên sau khi đã cắt giảm hết các khoản chi phí, tìm mọi cách tối ưu nguồn lực doanh nghiệp… Và việc cắt giảm lương thưởng nên áp dụng trước hết ở cấp nhà lãnh đạo, nhà quản lý trong doanh nghiệp.

Mùa dịch Covid-19, các doanh nghiệp công nghệ thông tin cũng phải tối ưu hóa nguồn lực như một cách đi qua thời khó khăn chung. Ảnh minh hoạ: FPT Software.

Có thể chọn cách trả 70% lương, không sa thải nhân viên

Trong mùa dịch Covid-19, các doanh nghiệp đã trải qua những khó khăn, thử thách khi nguồn thu giảm sút, phải cắt giảm lương, sa thải nhân viên… Đối với những doanh nghiệp không có sự chuẩn bị thì cực kỳ khó khăn khi đứng trước việc sa thải nhân viên để tồn tại hay bỏ thêm tiền đầu tư để duy trì hoạt động kinh doanh.

Nói về giải pháp ứng phó, ông Nguyễn Đình Thành, nhà đồng sáng lập, Giám đốc điều hành Elite PR School (trung tâm đào tạo truyền thông, tiếp thị…), cho biết, nếu doanh nghiệp có thiết lập khoản tài chính dự phòng, chuẩn bị trước những tình huống xấu thì vẫn có cách đối phó được trong mùa dịch. Thật ra, điều quan trọng là tối ưu hóa nguồn lực, chi phí hoạt động… chứ không phải lập tức nghĩ tới việc cắt giảm lương thưởng, nhân sự.

Ông Thành cho biết thêm, nhân sự cốt lõi của doanh nghiệp thông thường cũng quanh quẩn ở mức 10-20%; do đó, khi cắt giảm cũng phải “cắt tỉa” hợp lý, cần duy trì đội ngũ nhân sự cốt lõi, có thể chấp nhận cắt giảm lượng nhân sự không quan trọng để doanh nghiệp có thể tồn tại. Đã có trường hợp doanh nghiệp triển khai 80% nhân sự không nhận lương ở nhà, chỉ có 20% nhân sự đi làm để duy trì hoạt động.

Ông Phan Sơn cho biết thêm, sắp tới có thể khi phỏng vấn tuyển người, nhà tuyển dụng sẽ đặt ra câu hỏi: Nếu gặp phải thời điểm mùa dịch như Covid-19, người lao động sẽ làm gì để tồn tại?

Đồng thời, thông qua việc sử dụng quỹ dự phòng, doanh nghiệp cũng có thể chọn phương án trả lương 70% cho nhân viên và duy trì hoạt động kinh doanh, không áp dụng phương thức sa thải nhân viên. Đây cũng là cách thức giúp doanh nghiệp có thể tái khởi động hệ thống kinh doanh ngay sau khi kết thúc giai đoạn cách ly xã hội.

Ngoài ra, các chuyên gia nhân sự cũng cho rằng, tuyển dụng nhân sự cần được làm thường xuyên, phải xem là chiến lược, chứ không phải đợi khủng hoảng dịch bệnh như Covid-19 mới tính đến kế hoạch tuyển dụng. Doanh nghiệp cần đánh giá lại hoạt động tuyển dụng, cân nhắc làm việc online tiếp tục ở mức độ nào… sau khi dịch bệnh đi qua, không cần phải giãn cách xã hội.

Còn ông Thành lại cho rằng, thông thường các doanh nghiệp lớn đều có sự đánh giá thường xuyên về năng lực nhân viên nên khi cần phải tối ưu nguồn lực, cắt giảm nhân sự (ví dụ như mùa dịch vừa qua) doanh nghiệp có thể thực hiện ngay (không cắt giảm nhân sự một cách không kiểm soát).

Cuối cùng, theo ông Nam thì các doanh nghiệp cũng khoan vội triển khai tuyển dụng người ồ ạt để ngay lập tức “tấn công” thị trường mà nên chậm lại một chút để ổn định bộ máy; đồng thời cũng nhân cơ hội này để toàn bộ nhân viên tập dượt cách làm việc mới (làm việc tại nhà, giao tiếp nhóm từ xa…).

Mời đọc thêm

Năng suất nhân viên bị ảnh hưởng tiêu cực trong mùa Covid

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới