Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Hậu Covid-19, tiền đầu tư nên chảy về đâu?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Hậu Covid-19, tiền đầu tư nên chảy về đâu?

PSG. TS Bùi Thị Minh Hồng(*)

(TBKTSG Online) – Cách đây chừng hai tuần, một nghiên cứu sinh của tôi, phó giám đốc của một trường đại học bên Nam Phi, có gửi cho tôi một bài thơ về đại dịch Covid-19 đã thay đổi thế giới như thế nào. Người gửi cũng không rõ danh tính tác giả.

Việt Nam không còn lựa chọn nào ngoài dấn thân và sẵn sàng thay đổi

Hậu Covid-19, tiền đầu tư nên chảy về đâu?
Covid-19 đã tác động mạnh đến mọi mặt đời sống, kinh tế xã hội của các quốc gia trên toàn cầu. Ảnh minh họa Thành Hoa.

Điều thú vị là ý tưởng của bài thơ trùng hợp lạ thường với bài nghiên cứu tôi đang viết dở cho một tạp chí khoa học lúc đó. Bài thơ có đoạn:

Đột nhiên ôm và hôn trở thành vũ khí
Không viếng thăm cha mẹ và người thân, biểu hiện của yêu thương
Chợt nhận ra tiền, quyền và sắc đẹp đều trở nên vô nghĩa
Vì chúng không thể đổi thành ô xy để thở.

Khi sống ở một thế giới khác liệu các doanh nghiệp, các nhà đầu tư có suy nghĩ khác đi? Kể từ cuộc đại cách mạng công nghiệp ở nước Anh từ đầu thế kỷ 18, và sau đó lan tỏa ra toàn cầu, thế giới bị phá hủy với một tốc độ chóng mặt khi môi trường bị ô nhiễm, bệnh tật, virus, vi khuẩn ngày càng trở nên dữ tợn.

Đây là hệ quả từ phương thức “khai thác – sản xuất – thải loại” của cuộc đại cách mạng công nghiệp khi con người khai thác quá mức từ thiên nhiên để sản xuất phục vụ xã hội tiêu dùng và sau đó xả thải vào thiên nhiên. Thiên tai, dịch bệnh chúng ta đang trải qua vẫn chưa phải ở mức khủng khiếp nhất bởi vì tần suất và tốc độ sẽ lớn hơn nhiều nếu chúng ta không dừng lại.

Vậy hậu Covid-19, các doanh nghiệp và các nhà đầu tư nên đầu tư vào đâu?

Ví dụ, tại Vương quốc Anh theo số liệu truy cập được gần đây, một dặm vuông (tương đương với 2.59 km2) của phố tài chính Luân Đôn đóng góp cho nền kinh tế gần 65 tỉ bảng Anh. Còn toàn bộ ngành tài chính của nước này tạo ra 1,1 triệu việc làm, thặng dư 44 tỉ bảng Anh và đóng góp cho ngân sách 29 tỉ bảng tiền thuế trong năm 2017 và 2018.

Trong đó vốn đầu tư vào các quỹ/các doanh nghiệp có trách nhiệm xã hội là 20 tỉ bảng, chiếm một con số khá khiêm tốn trong dòng đầu tư ở nước có nền kinh tế đứng thứ 6 trên thế giới này. Tuy nhiên dòng vốn đầu tư có trách nhiệm xã hội này có xu hướng tăng lên. Cụ thể là đã tăng 4 tỉ bảng trong vòng một thập kỷ.

Theo nghiên cứu từ tạp chí Tiêu dùng và Sản xuất bền vững (Sustainable Production and Consumption) của thế giới, đầu tư có trách nhiệm xã hội chia làm bốn mảng: xã hội, môi trường, môi trường xã hội và bền vững.

Ở mảng xã hội: Những doanh nghiệp theo dạng này sẽ tránh đầu tư vào các ngành có tác động xấu tới con người như thuốc lá, rượu, bia, sòng bài hay vũ khí. Nhà đầu tư sẽ đặt giá trị và mục tiêu lý tưởng lên trên lợi nhuận.

Họ thường chịu ảnh hưởng từ chính các giá trị và lý tưởng của cá nhân, hay từ động cơ tìm kiếm lợi nhuận (còn được gọi là các nhà đầu tư xã hội cơ hội), hay từ phản vệ tránh rủi ro (các nhà đầu tư khôn ngoan).

Ở mảng môi trường: các đầu tư có trách nhiệm với xã hội sẽ đầu tư vào các mảng như năng lượng tái tạo, tái sử dụng chất thải. Mảng này đang phát triển mạnh trong lĩnh vực khởi nghiệp. Nhà đầu tư thường chịu ảnh hưởng từ các nhà hoạt động môi trường. Họ đầu tư vào sản xuất sạch không chỉ để tránh rủi ro thua lỗ vì bị phạt hay kiện về ô nhiễm môi trường mà còn tìm kiếm lợi nhuận cao.

Ở mảng môi trường xã hội: vốn đầu tư tập trung vào các doanh nghiệp xanh. Các nhà đầu tư được khuyến khích bởi tinh thần hợp tác với xu hướng sử dụng các công cụ tài chính mới mẻ và sáng tạo như gây quỹ cộng đồng.

Ở mảng bền vững: vốn đầu tư tập trung vào sản xuất sạch và tiêu dùng hợp tác có ý thức. Các nhà đầu tư trong mảng này tìm kiếm cơ hội đạt được các mục tiêu môi trường, xã hội và kinh kế cùng một lúc. Gần đây họ còn thu lợi nhuận cao từ sản phẩm sạch của mình khi nhiều người đang hướng về bền vững.

Đầu tư có trách nhiệm xã hội, dù ở mảng nào thì các nhà đầu tư nhìn chung đều đề cao các giá trị xã hội và đạo đức.

Nghiên cứu đăng trên tạp chí Bền vững (Sustainability) chỉ ra rằng các quỹ đầu tư có trách nhiệm xã hội của Nhật Bản có xu hướng ít bị tác động bởi các cú sốc thị thường hơn các quỹ đầu tư thông thường.

Thêm một nghiên cứu quốc tế đăng trên Tạp chí Đầu tư và Tài chính bền vững (Journal of Sustainable Finance & Investment) của các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Kinh tế TPHCM cho biết, việc đầu tư vào các quỹ có trách nhiệm xã hội với nhiều lớp tài sản khác nhau sẽ sinh lợi nhuận tối ưu.

Các doanh nghiệp và các nhà đầu tư Việt Nam: các bạn sẽ đầu tư vốn, trí tuệ và năng lực của mình vào mảng nào? Đầu tư phát triển doanh nghiệp có trách nhiệm xã hội có phải là hướng đi bạn sẽ hướng tới?

(*) Đại học Bath, Vương quốc Anh; Giám đốc mạng lưới giáo dục Edunet, Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới