Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Hậu đắng của ngày nhà giáo

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Hậu đắng của ngày nhà giáo

Thiên Di

(TBKTSG) – Nếu không tính những năm tháng gián đoạn vì lý do thời cuộc, thì tôi đã đi dạy đúng 45 năm. Nơi tôi đi dạy đầu tiên là một trường dòng trên đường Trần Cao Vân ở quận 1, TPHCM… và lần đứng lớp gần đây nhất là tại Trung tâm Đào tạo báo chí ở Hà Nội vào năm ngoái. Dông dài như thế để giải thích bản thân đã kinh qua cái nghề gọi đùa là gõ đầu trẻ trong nhiều góc cạnh của nó nên đủ để nhìn và thấy đôi điều “trái khoáy”…

Còn nhớ khi công việc dạy học hết bị gián đoạn, tôi có diễm phúc được theo khóa “đào tạo trí thức chuyển ngành” của Sở giáo dục, sau đó được bổ nhiệm về một trường trung học lớn ở thành phố này. Có lần tôi buột miệng nói với mấy chị trong ban giám hiệu của trường: “Không biết tới năm 2000, thế hệ trẻ sẽ ra sao?”, thì được một chị hiệu phó trả lời: “Sao anh lo xa tới năm 2000 chi dữ vậy?”.

Thú thiệt, hồi đó tôi vô cùng ái ngại với cách điều hành chào cờ hàng tuần hay các sự kiện trong trường do “thanh niên” phụ trách. Chỉ xin nói tới hình thức, dường như các cô cậu ấy không hiểu rằng nhà trường muốn bảo ban gì học sinh cũng phải “đóng cửa” để dạy chớ không ai dùng cái ampli và cặp loa sắt to tổ chảng, vặn volume hết cỡ để mà dạy dỗ, bất kể nhà trường đang nằm trong khu dân cư!

Trong số những học sinh của năm 1980 đó, kéo qua năm 2000 ắt hẳn có người theo nghề sư phạm, có cơ hội cầm micro hàng tuần và cứ thế mà vặn volume… như hồi nhỏ đã quen nghe.

Nay đã là năm 2017, sáng nay lại nghe âm thanh “chí chóe” từ một ngôi trường tư có cái tên nghe vĩ đại không kém gì cái khuôn viên của nó trong khu dân cư vốn được quy hoạch là yên tĩnh chỉ để ở, không buôn bán. Từ tuần trước, đã nghe tiếng thầy trò diễn tập ca hát, nhảy múa rầm rầm. Sáng nay 20-11, chương trình kết thúc sau 9 giờ 30, xem chừng cũng còn may!

Té ra nỗi ái ngại hồi đầu những năm 1980 “không biết tới năm 2000 sẽ như thế nào?” nay vẫn còn đó, không suy suyển! Do lẽ chẳng ai nhắc nhở ai việc sử dụng âm thanh như thế nào là chừng mực. Y hệt như chạy xe, ăn uống, nói năng… như thế nào là chừng mực. Còn nhớ hồi đi học sau đại học ở một nước kia, đi đâu cũng thấy mấy chữ “sachez consommer avec modération!” (hãy biết uống một cách chừng mực) đi kèm trong tấm hình mấy chai rượu – thời đó họ còn cho quảng cáo rượu chè.

Những xã hội như thế, đầy dẫy trên thế giới, họ dạy các công dân tương lai làm gì cũng “có chừng mực”, đừng bao giờ “phá làng, phá xóm” bằng cách bật ti vi coi đá banh giữa khuya với âm thanh hết cỡ, hò hét vang trời; đừng hát karaoke theo kiểu “miễn can”; và lên xe thì xin đừng bóp kèn inh ỏi “tránh đường cho ông chạy!”…

Cũng vì không được dạy dỗ, hướng dẫn cặn kẽ nên ra sân bay, lên xe đi du lịch ở xứ người, ta cứ như một đám người từ sao Hỏa ghé thăm trái đất! Cái sự “thiếu chừng mực” đó thể hiện rõ nhất ở chuyện ăn buffet, không ít người lấy thức ăn vào dĩa theo kiểu vừa ăn vừa bỏ, vừa rình rình gói mang về. Mở rộng ra, trong chuyện “ăn vặt” (petty corruption) cũng “không chừng mực” vì họ tin rằng “quyền” tức là “hành”.

Từ đầu thiên niên kỷ mới đến nay đã được 17 năm rồi mà sao vẫn còn ái ngại khôn nguôi! 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới