Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Hậu Giang chủ động, quyết liệt cho mục tiêu phát triển 2021-2030

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Hậu Giang chủ động, quyết liệt cho mục tiêu phát triển 2021-2030

Hoài Nhân

(TBKSG Online) – Trong khi thách thức của đại dịch Covid-19 và tình trạng hạn, mặn còn phức tạp, người dân và doanh nghiệp ở Hậu Giang vẫn chủ động “dấn bước” vào năm mới 2021 ngay từ ngày đầu năm.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Tiến Châu, Bí thư tỉnh ủy Hậu Giang, nói: “Là năm đầu triển khai nghị quyết nhiệm kỳ mới của Đại hội Đảng bộ tỉnh, chúng tôi sẽ vào cuộc với khí thế tích cực, chủ động và quyết liệt. Ngay sau đại hội, chúng tôi kiện toàn, sắp xếp đội ngũ cán bộ theo tinh thần phát huy năng lực sở trường, kiện toàn bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu quả hơn. Tỉnh đang xây dựng quy hoạch kinh tế xã hội giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050; nhanh chóng xây dựng các đề án để triển khai thực hiện nghị quyết, ví dụ như đề án nông nghiệp bền vững, Hậu Giang xanh, đề án logistics, đề án nhân lực”.

Hậu Giang chủ động, quyết liệt cho mục tiêu phát triển 2021-2030
Đón chuyến hàng đầu tiên tại Cảng Hậu Giang sáng ngày 1-1-2021. Ảnh: Hoài Nhân

Hợp tác xã đi tiên phong trong nông nghiệp xanh

Hợp tác xã (HTX) Trái cây sinh học OCOP ở hai huyện Phụng Hiệp và Châu Thành là đơn vị đầu tiên của Hậu Giang xuất khẩu bưởi, chanh không hạt sang châu Âu không qua khâu trung gian với hơn 600 tấn trong năm 2020. Hiện HTX đang mở rộng vùng nguyên liệu lên 250 héc-ta, hướng dẫn người dân sản xuất đạt chuẩn VietGAP để đón hợp đồng trong năm mới.

Theo ông Trần Bá Sơn, Giám đốc HTX Trái cây sinh học OCOP, năm nay, tỉnh đề ra mục tiêu GRDP khu vực I tăng 2,25%; phát triển 9 sản phẩm chủ lực là lúa, mít, chanh không hạt, bưởi, khóm, mãng cầu, heo, lươn, cá thát lát theo chuỗi liên kết, đáp ứng nhu cầu về sản phẩm an toàn cho tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Trong đó, HTX phải đóng vai trò dẫn dắt cho sự phát triển của các sản phẩm này.

Về giải pháp, ông Ngô Minh Long, Chủ tịch Liên minh HTX Hậu Giang, nói: “Chúng tôi kết hợp với doanh nghiệp, đầu tư vào thế mạnh, ngành hàng chiến lược để phát triển; ở mỗi ngành hàng như lúa gạo, cây ăn trái, thủy sản, xây dựng từ 3-5 HTX điểm để sản xuất, truy xuất nguồn gốc thủy sản và đầu tư cho các giám đốc HTX về kỹ năng, kiến thức để phát triển”.

Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hậu Giang, chia sẻ về tầm nhìn của tỉnh khi xác định HTX là chủ thể trong phát triển nông nghiệp hiện nay. “Tỉnh sẽ thí điểm 15 HTX và 3 liên hiệp HTX, đầu tư toàn bộ từ con người, nhân sự, hạ tầng giao thông, truy xuất nguồn gốc để liên kết với doanh nghiệp và thành lập 3 trung tâm sơ chế nông sản để mời gọi doanh nghiệp đến đầu tư”.

“Tỉnh cũng sẽ xây dựng 3-5 mô hình kinh tế tuần hoàn, mỗi mô hình một hecta. Về sản phẩm OCOP, chúng tôi sẽ nâng chất và mở rộng quảng bá, trong đó sẽ xây dựng thành câu chuyện cho mỗi sản phẩm OCOP để tham gia phát triển du lịch từ chương trình này”, ông Tuyên cho biết.

Một điểm sáng để ngành nông nghiệp Hậu Giang bứt phá trong năm mới này là Trung tâm Logistics nông sản xuất khẩu Hậu Giang ở huyện Châu Thành đã đi vào hoạt động với chuỗi dịch vụ như kho lạnh, cảng và các thủ tục xuất khẩu nông sản. Trung tâm này kỳ vọng giải quyết bài toán tiêu thụ, bảo quản nông sản của các HTX trong tỉnh, xuất khẩu đạt các mục tiêu đề ra.

Công nghiệp làm trụ cột phát triển

Ngày 1-1-2021, Cảng Vinalines Hậu Giang đã đón chuyến hàng đầu năm. Chuyến tàu có tải trọng 20 tấn của Công ty cổ phần Tiếp vận Phước Tạo ở TPHCM, cung cấp container cho các doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa.

Sau 4 năm hoạt động, cảng Vinalines Hậu Giang đã phục vụ tốt hoạt động vận  chuyển hàng hóa của các doanh nghiệp. Năm ngoái, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động vận chuyển hàng hóa đạt gần 750.000 tấn, doanh thu hơn 45 tỉ đồng. Năm 2021 này, cảng phấn đấu đạt sản lượng 963.000 tấn.

Ông Trần Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Dịch vụ Hàng hải Hậu Giang, nói: “Định hướng Cảng Hậu Giang sẽ phát triển các dịch vụ phục vụ cho các ngành hàng giá trị cao. Sẽ thành lập một trung tâm logictics của tỉnh để thu hút các nguồn hàng từ khu vực Nam sông Hậu đến các tỉnh phía dưới như Sóc Trăng, Cà Mau góp phần giải quyết bài toán chi phí của các nhà sản xuất”.

Hiện Hậu Giang có 2 khu công nghiệp và 8 cụm công nghiệp tập trung, tập trung nhiều ở huyện Châu Thành, là địa phương được tỉnh chọn phát triển công nghiệp. Để khai thác tốt lợi thế này, năm nay huyện xác định sẽ hỗ trợ doanh nghiệp và đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án được quy hoạch để mời gọi đầu tư.

Ông Nguyễn Thanh Phong, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành, cho biết: “Nghị quyết của tỉnh sẽ xây dựng huyện Châu Thành trở thành trung tâm đô thị công nghiệp của tỉnh. Trên cơ sở này, huyện tập trung đẩy mạnh cải cách hành chánh, kêu gọi các nhà đầu tư phát triển nhanh về hạ tầng, trong đó có hạ tầng khu công nghiệp và hạ tầng đô thị”.

Năm nay, Hậu Giang đề ra tốc độ tăng trưởng GRDP ngành công nghiệp đạt 13,07% với Chương trình phát triển công nghiệp và logistics 5 năm giai đoạn 2021–2025.  Riêng năm 2021 này, tỉnh đặt mục tiêu số doanh nghiệp được thành lập mới có hoạt động và kê khai thuế là 200 doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Phong Minh, Trưởng Ban Quản lí các khu công nghiệp Hậu Giang, nói: “Tỉnh chủ trương thu hút các nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp có năng lực, các dự án sản xuất công nghiệp chế biến nhằm phát huy lợi thế địa phương, tạo chuỗi liên kết giữa sản xuất, bảo quản và tiêu thụ nông sản để tạo động lực cho nông nghiệp phát triển. Đồng thời quan tâm, phát triển công nghiệp chế tạo, phục vụ cho ngành công nghiệp và cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, thu hút phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, phấn đấu phát triển các khu, cụm công nghiệp mới, sản xuất các mặt hàng chế biến từ nông sản chủ lực của tỉnh”.

Cải cách hành chính bằng ứng dụng công nghệ mới

Từ 2021 đến 2025, Hậu Giang triển khai Chương trình đô thị thông minh; xây dựng, hoàn thiện khung kiến trúc chính quyền điện tử 2.0; triển khai dự án xây dựng Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh; thí điểm Trung tâm Giám sát an toàn an ninh mạng Hậu Giang; hệ thống thanh toán trực tuyến; tích hợp kết nối các hệ thống phần mềm vào LGSP.

Kế hoạch riêng năm nay,100% sở, ban, ngành sử dụng nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh LGSP; 100% cơ quan nhà nước công khai mức độ hài lòng của người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến; phấn đấu đạt tỷ lệ 100% dịch vụ hành chính công trực tuyến mức độ 3 và 4.

Ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy – Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, nói: “Lãnh đạo tỉnh luôn có những chủ trương để xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Trong đó, đẩy mạnh cải cách hành chính làm sao giảm tối đa chi phí và thời gian cho nhà đầu tư. Tỉnh luôn xem những công việc của doanh nghiệp là công việc của chính mình. Với sự quyết tâm này, tôi cam kết sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất để khi các nhà đầu tư, các tổ chức, các doanh nghiệp đến Hậu Giang sẽ được hưởng các điều kiện tốt nhất”.

Ngoài ra, theo ông Đồng Văn Thanh, Hậu Giang cũng tập trung thực hiện tốt công tác quy hoạch, kiến trúc; đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch xây dựng và đô thị; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các đồ án quy hoạch đã được phê duyệt; củng cố, nâng chất các tiêu chí của các đô thị nhằm xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ theo hướng phát triển đô thị tăng trưởng xanh, thông minh, hiện đại. Tỉnh sẽ tập trung xây dựng thành phố Vị Thanh, thành phố Ngã Bảy và thị xã Long Mỹ trở thành 3 cực phát triển, tạo sức lan tỏa cho các địa phương xung quanh phát triển thương mại và du lịch.

Đón chuyến hàng đầu tiên tại Cảng Hậu Giang sáng ngày 1-1-2021. Ảnh: Hoài Nhân

Liên kết làm du lịch cộng đồng

2021 là năm đầu tiên Hậu Giang triển khai thực hiện Thỏa thuận Liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa TPHCM với 13 tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và Cụm liên kết hợp tác phát triển du lịch phía Tây ĐBSCL, góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 09 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch Hậu Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, nói: “Trong năm 2021 này, Hậu Giang ta sẽ phát triển du lịch cộng đồng, homestay, chọn các huyện có tiềm năng khai thác các điểm này. Đồng thời mở rộng nguồn đầu tư của các nhà đầu tư trong tỉnh như ở khu du lịch rừng tràm Việt – Úc, hay nâng cấp nông trường Mùa Xuân kết nối với Khu du lịch Võ Trường Toản”.

Gắn với du lịch, năm nay Hậu Giang đưa quy mô giải Marathon Hậu Giang thành “Ngày chạy vì sức khỏe cộng đồng”, dự kiến tổ chức vào tháng 7, gắn với “Tuần lễ văn hóa, thể thao du lịch tỉnh Hậu Giang lần thứ 1”.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới