Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Hậu Giang muốn xóa chữ “sinh khối” trong dự án nhiệt điện Lee&Man

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Hậu Giang muốn xóa chữ “sinh khối” trong dự án nhiệt điện Lee&Man

Trung Chánh

(TBKTSG Online) – UBND tỉnh Hậu Giang có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ xin điều chỉnh tên dự án “Nhà máy Nhiệt điện sinh khối Lee&Man” tại Quyết định số 428 về phê duyệt Quy hoạch điện VII điều chỉnh thành dự án "nhiệt điện Lee&Man Việt Nam", tức xóa bỏ chữ "sinh khối".

Hậu Giang muốn xóa chữ “sinh khối” trong dự án nhiệt điện Lee&Man
Hậu Giang muốn xóa tên "sinh khối" trong dự án nhà máy giấy. Trong ảnh là toàn cảnh dự án nhà máy giấy Lee& Man. Ảnh: Trung Chánh

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang vào hôm nay, 3-4, đã ký văn bản về kiến nghị xin điều chỉnh như nêu trên.

Theo đó, văn bản này cho biết, năm 2014, để đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục và ổn định cho toàn dự án Nhà máy Giấy Lee&Man Việt Nam tại Cụm công nghiệp Phú Hữu A, thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, việc đầu tư dự án Nhà máy nhiệt điện Lee&Man Việt Nam trong khu vực đất dự án nhà máy giấy là rất cần thiết.

Theo đó, ngày 13-11-2014, UBND tỉnh Hậu Giang có Tờ trình số 59/TTr-UBND đề nghị Bộ Công Thương xem xét, phê duyệt bổ sung dự án “Nhà máy nhiệt điện Lee&Man Việt Nam” vào Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia (quy mô công suất là 125MW, bao gồm 2 tổ máy 50 MW và 75MW; sử dụng nguồn nguyên liệu là than nhập khẩu/than nội). 

Văn bản này cho biết, năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương bổ sung dự án “Nhà máy nhiệt điện Lee&Man Việt Nam” vào Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia (Quy hoạch điện VII) để cung cấp điện cho dự án Nhà máy Giấy Lee&Man Việt Nam, trong đó, không đề cập đến việc Nhà máy sử dụng công nghệ “sinh khối”.

Năm 2018, Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Quyết định số 128/QĐ-BTNMT ngày 25-1-2018 phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đối với dự án Nhà máy Giấy Lee&Man Việt Nam. Trong đó, có nêu là Nhà máy nhiệt điện, tổ máy số 1 công suất 50 MW, sử dụng công nghệ đốt than, đã xây dựng hoàn thành và đi vào hoạt động.

“Theo đó, toàn bộ hồ sơ dự án ngay từ lúc xin chủ trương đến khi hoàn thành đưa vào hoạt động, thì nhà máy sử dụng công nghệ đốt than”, văn bản này viết.

Tuy nhiên, ngày 18-3-2016, tức trước thời điểm Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt ĐTM (đồng nghĩa trước khi dự án nhiệt điện của Lee&Man đi vào hoạt động), Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 428/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011- 2020 có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII điều chỉnh).

Tại Quyết định 428, tỉnh Hậu Giang có dự án “Nhà máy Nhiệt điện sinh khối Lee&Man”, công suất 125MW do Công ty TNHH Giấy Lee&Man Việt Nam làm Chủ đầu tư, thời gian công trình vận hành năm 2018.

Như vậy, việc quy hoạch điện VII điều chỉnh được ban hành trước Quyết định 128 về phê duyệt ĐTM của nhà máy Giấy Lee&Man (bao gồm cả dự án nhiệt điện), có nghĩa Quyết định 128 đã thực hiện phê duyệt ĐTM không tuân thủ đúng theo đúng Quyết định của Quy hoạch điện VII điều chỉnh.

Theo văn bản gửi Văn phòng Chính phủ của UBND tỉnh Hậu Giang, để đảm bảo "sự phù hợp" về thủ tục hồ sơ, các văn bản có liên quan và thực tế, địa phương này đề nghị Văn phòng Chính phủ trình Thủ tướng xem xét chấp thuận điều chỉnh tên dự án “Nhà máy Nhiệt điện sinh khối Lee&Man” tại Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18-3-2016 thành dự án “Nhà máy nhiệt điện Lee&Man Việt Nam” hay nói cách khác Hậu Giang muốn xóa chữ “sinh khối” cho dự án điện nằm trong dự án nhà máy giấy này.

Mời xem thêm:

Hậu Giang muốn “hợp thức hóa” cho dự án nhiệt điện Lee & Man?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới