Hậu quả của chính sách “lộ thiên”
(TBKTSG) – Nói với báo giới hôm 28-4 tại trụ sở tập đoàn Công nghiệp than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) tại Hà Nội, nơi cách điểm nóng về khai thác và xuất khẩu than trái phép Quảng Ninh hơn 300 ki lô mét, Chủ tịch Hội đồng quản trị TKV Đoàn Văn Kiển thể hiện sự quyết tâm đấu tranh: “Không khoan nhượng, dù biết là quyết liệt và gian khổ”.
Có thể đã không cần đến những tuyên bố mạnh như thế nếu trong 14 năm qua, TKV chuẩn bị lộ trình bảo vệ nguồn tài nguyên một cách nghiêm túc và không dễ dãi với những chính sách tận thu, tiểu ngạch.
Tổng trữ lượng than toàn vùng Đông Bắc (tính đến độ sâu dưới 300 mét) là 3,5 tỉ tấn, trong đó 30% có thể khai thác lộ thiên và 70% phải khai thác qua con đường hầm lò gian khổ hơn. Những con số đó nói lên rằng nguồn tài nguyên than ở khu vực này (tập trung lớn nhất ở Quảng Ninh) có thể tính toán được và không phải là vô tận.
Cách đối xử tốt nhất với nguồn tài nguyên có giới hạn không đồng nghĩa với việc khai thác bằng mọi cách, trong đó có cách tận thu qua nhiều hình thức trao quyền cho các công ty con đóng trên địa bàn Quảng Ninh như TKV đã áp dụng trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu khai thác, hình thức khai thác lộ thiên dễ dàng, ít phải đầu tư, nhanh chóng thu lợi nhanh hơn được sử dụng.
Biết được căn bệnh xuất phát từ đâu, nhưng các nhà quản lý lại đưa ra hình thức cho phép xuất khẩu than theo đường tiểu ngạch, không khác gì tiếp tay cho việc khai thác than trái phép có đất hoành hành dữ hơn. |
Chính phủ và TKV đã nhận thức được mức độ nguy hiểm của việc tranh chấp khai thác theo cách này như thừa nhận của Chủ tịch HĐQT TKV Đoàn Văn Kiển hôm 28-4: “Việc lập lại trật tự trong khai thác và xuất khẩu than trái phép là cuộc đấu tranh lâu dài và quyết liệt. Chuyện này không phải lần đầu xảy ra với mức độ nghiêm trọng. Năm 1994, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã phải ra Chỉ thị số 381/TTg lập lại trật tự trong khai thác than. Đến đầu năm nay, chuyện này lại rộ lên”.
Cũng theo một văn bản khác của TKV, sau ba năm lập lại trật tự như chỉ thị của Chính phủ, đến cuối năm 1997, cơ bản nạn khai thác than trái phép đã được giải quyết sau khi có quyết định giao ranh giới các mỏ cho TKV và TKV phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh Quảng Ninh bảo vệ, khai thác than một cách có hệ thống. Tất cả những chuyện cũ nói lên rằng, những người trong cuộc, ở đây là TKV, hiểu rõ hơn ai hết các mặt trái trong việc khai thác than và đã từng có “thuốc” trị bệnh lộn xộn trong việc khai thác qua việc quản lý chặt chẽ hơn từng điểm mỏ.
Biết được căn bệnh lộn xộn ấy xuất phát từ đâu, nhưng các nhà quản lý lại đưa ra hình thức cho phép xuất khẩu than theo đường tiểu ngạch, không khác gì tiếp tay cho việc khai thác than trái phép có đất hoành hành dữ hơn. Đơn giản vì các công ty, tổ chức khai thác nhìn thấy “đầu ra” xuất khẩu dễ dàng. Món lợi lớn này còn được chia theo nhiều cấp hơn khi công ty đầu tư thương mại và dịch vụ của TKV và 15 đơn vị khác được sử dụng hình thức tận thu khai thác lộ thiên đã kéo theo 52 tổ chức, đơn vị khác trong và ngoài ngành được thành lập để chia nhau vào khai thác các mỏ.
Mười bốn năm lẽ ra là quãng thời gian để TKV chuẩn bị lộ trình nghiêm túc trong việc quản lý nguồn tài nguyên đất nước sau cuộc lập lại trật tự năm 1994. Nhưng quãng thời gian đó đã được “tận thu” theo hướng ngược lại, với những hậu quả nghiêm trọng hơn trên bề mặt xã hội và trong lòng đất.
Theo tính toán của chính Bộ Công thương trong văn bản hôm 14-3 gửi Chính phủ thì đến năm 2015, có thể phải dừng việc xuất khẩu than do nhu cầu trong nước không đáp ứng đủ nếu căn cứ theo quy hoạch ngành than đến năm 2025, trên cơ sở dự tính quy hoạch phát triển (có điều chỉnh) của hai ngành điện và xi măng.
Tạm tính than chỉ có thể xuất khẩu trong vòng hai năm nữa, nếu tổng nhu cầu trong nước năm 2010 là 37 triệu tấn và tổng sản xuất là 47 triệu tấn. Từ các năm tiếp theo, cứ theo tính toán cộng với nhu cầu ngành điện, năm 2015 sẽ chỉ sản xuất được 64% nhu cầu (cần 94 triệu tấn, sản xuất được 60 triệu tấn). Năm 2020 chỉ còn sản xuất được 38% nhu cầu (184 triệu tấn nhu cầu nhưng sản xuất 70 triệu tấn) và năm 2025, chỉ còn khả năng đáp ứng 26% nhu cầu (cần 308 triệu tấn so với 80 triệu tấn sản xuất).
Đó là cái giá đắt nhất của những chính sách tận thu lộ thiên ảnh hưởng đến tương lai an ninh năng lượng, phát triển sản xuất công nghiệp và đời sống. Nó đòi hỏi trách nhiệm lớn hơn những cuộc đình chỉ khai thác bề nổi ở TKV.
NGỌC LAN