Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Hậu thuẫn cho tiền đồng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Hậu thuẫn cho tiền đồng

Hải Lý

Tiền đồng đang được hậu thuẫn để trở nên mạnh hơn trong thời gian sắp tới. Ảnh: Lê Toàn.

(TBKTSG) – Chuyện cũ năm năm trước. Hàng năm Bộ Tài chính quản lý nguồn thu ngoại tệ hàng tỉ đô la Mỹ từ xuất khẩu dầu thô. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thường đề nghị Bộ Tài chính bán cho nguồn ngoại tệ này.

Không phải thời điểm nào Bộ Tài chính cũng đồng ý ngay bởi bộ có những khoản nợ nước ngoài của Chính phủ phải trả. Đành rằng bán cho NHNN, khi cần NHNN sẽ bán lại ngoại tệ cho bộ, nhưng bán một tỷ giá, mua một tỷ giá khác, cân đối ngân sách nhà nước thế nào. Chỉ cần giá mỗi đô la Mỹ so với tiền đồng khi mua và bán chênh lệch 100 đồng, ngân sách đã phải chịu thiệt 100 tỉ đồng/1 tỉ đô la Mỹ. Con số không nhỏ. Khi đó NHNN cam kết: “Mua theo tỷ giá nào, bán theo tỷ giá đó”.

Trong trường hợp cần thiết, để đảm bảo cam kết, NHNN lấy dự trữ ngoại hối bán cho Bộ Tài chính. Một quan chức cấp cao của NHNN nhớ lại: “Chúng tôi cam kết mua bán cùng một tỷ giá vì suy cho cùng, lợi nhuận NHNN, nếu có được, cũng nộp trở lại vào ngân sách”. Cơ quan quản lý ngân khố quốc gia mà còn thế, thì doanh nghiệp hoàn toàn có đủ vị thế đề nghị NHNN cam kết bán lại ngoại tệ cho họ khi cần trong tương lai, một khi hiện tại họ bán ngoại tệ cho các ngân hàng.

Chuyện bây giờ. Theo NHNN, khoảng 25% tổng vốn huy động của hệ thống ngân hàng là bằng ngoại tệ. Tổng vốn huy động, lấy số liệu của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia là 2,3 triệu tỉ đồng, thì con số tuyệt đối vốn huy động ngoại tệ ước 27 tỉ đô la Mỹ. Năm ngoái, tốc độ tăng trưởng tín dụng bằng ngoại tệ cao, tổng dư nợ ngoại tệ lớn hơn tổng vốn huy động ngoại tệ và có thời điểm, mức lớn hơn lên tới 2 tỉ đô la Mỹ. Mặt khác, tại một thời điểm nhất định trên tài khoản ngân hàng, có doanh nghiệp có tiền gửi ngoại tệ và có doanh nghiệp vay ngoại tệ (người dân chỉ được gửi, chưa được vay ngoại tệ của ngân hàng).

Một trong những giải pháp quyết liệt của NHNN để tái lập cân bằng cung cầu ngoại tệ vừa được ban hành là “các tập đoàn, tổng công ty quốc doanh bán ngoại tệ cho ngân hàng khi có nguồn thu và được mua khi có nhu cầu hợp lý”. Từ đây doanh nghiệp có ngoại tệ sẽ không được gửi ngân hàng mà phải bán và doanh nghiệp không vay ngoại tệ mà phải mua. Trên thực tế doanh nghiệp găm giữ ngoại tệ có thể không phải vì họ không có nhu cầu, mà là chưa có nhu cầu ngay nhưng sẽ cần trong tương lai. Để đáp ứng nhu cầu đó họ giữ lại. Mấu chốt để giải quyết tận cùng vấn đề là cam kết của ngân hàng và NHNN: anh có ngoại tệ khi tôi cần mua không? Muốn thế anh phải làm chủ được nguồn ngoại tệ.

Nói cách khác NHNN phải cam kết cung ứng kịp thời cho các tổ chức tín dụng. Đến lượt mình, các ngân hàng cam kết cung ứng kịp thời cho doanh nghiệp. Đây là sự cam kết mang tính hệ thống và thông suốt để đảm bảo dòng ngoại tệ không bị nghẽn mạch.

Chưa hết. Doanh nghiệp bán ngoại tệ băn khoăn: tôi bán cho ngân hàng theo tỷ giá hiện tại, nhưng mua lại khi cần với tỷ giá nào. Nếu mua theo tỷ giá mới sự chênh lệch tháo gỡ ra sao? Các công cụ phái sinh như mua bán kỳ hạn, quyền chọn, tương lai phải được sử dụng để khỏa lấp sự chênh lệch. Đây là điểm mới thứ hai trong chính sách ngoại hối mà NHNN chuẩn bị ban hành, theo đó các công cụ phái sinh sẽ được thực thi. Nguồn tin có thẩm quyền nói với TBKTSG hạn chót để các ngân hàng báo cáo đầy đủ với NHNN về số dư tiền gửi ngoại tệ của doanh nghiệp trên tài khoản là ngày 4-3-2011 và việc bán ngoại tệ cho ngân hàng của các tổng công ty, tập đoàn nhà nước sẽ diễn ra từ giữa tháng 3-2011. Hiện tiền gửi ngoại tệ của dân cư rất lớn và chiếm đa số trong 27 tỉ đô la Mỹ tổng vốn huy động của ngân hàng. Số tiền gửi ngoại tệ của doanh nghiệp ít hơn, nhưng cũng có thể tới cả chục tỉ đô la Mỹ.

Bắt buộc các doanh nghiệp nhà nước bán ngoại tệ là giải pháp mạnh, song cân bằng cung cầu ngoại tệ không thể chỉ nhìn vào giải pháp này dù nó dứt khoát đến đâu. Sự cân bằng đòi hỏi các giải pháp đồng bộ đi kèm và thời gian để ngấm. Trong lúc nước sôi lửa bỏng, biện pháp hành chính ngắn hạn có chỗ đứng của nó. NHNN chuẩn bị yêu cầu các ngân hàng báo cáo kế hoạch tăng trưởng tín dụng cho năm nay dựa trên tổng tài sản có. Có thể hiểu đây là sự rà soát xem chủ trương tăng trưởng tín dụng dưới 20% của nền kinh tế và dự kiến tăng trưởng bình quân của các ngân hàng có khớp nhau. Đồng thời NHNN muốn nắm rõ hơn hệ số an toàn vốn của các ngân hàng trước khi “phê duyệt” hạn mức tín dụng cho từng đơn vị nếu thấy cần thiết. Cơ chế hạn ngạch tín dụng tạm thời có thể được thiết lập.

Ảnh hưởng trước mắt là lãi suất tiền đồng sẽ tăng lên. Liều thuốc chống lạm phát sẽ có nồng độ đắng cao hơn. Nhìn lại hai tuần qua, “vòng vay lãi suất” đang được cơ quan điều hành tiền tệ siết lại: lãi suất tái cấp vốn, lãi suất thị trường mở tăng lên. Không những thế, lượng tiền bơm ra qua kênh thị trường mở giảm hẳn sau khi Bộ Tài chính phát hành thành công gần 10.600 tỉ đồng trái phiếu chính phủ. Tiền đồng sẽ đắt giá, nhưng ngay cả giá đắt cũng có thể không có hàng nếu NHNN không mở định kỳ các phiên thị trường mở hoặc giảm khối lượng giấy tờ có giá mua vào.

Như vậy, cầu tăng trong khi cung tiền đồng không những không tăng mà còn giảm, tiền đồng sẽ trở nên có giá. Những doanh nghiệp đang găm giữ ngoại tệ, để tránh vay tiền đồng lãi suất cao (mà có thể lãi suất cao cũng không vay được) sẽ phải bán đô la Mỹ lấy tiền đồng. Cung ngoại tệ, do đó, sẽ dồi dào. Đó là một trong những nguyên nhân đẩy tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng những ngày qua giảm và tác động khiến tỷ giá thị trường tự do mất mốc 22.000 đồng/đô la Mỹ.

Một cơ chế hậu thuẫn cho sự trỗi dậy của đồng nội tệ đang hình thành. Phần cốt lõi còn lại để cơ chế ấy thành công là sự kết nối giữa nói và làm, giữa cam kết và thực thi.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới