Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Hãy chia sẻ với nông dân

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Hãy chia sẻ với nông dân

Ảnh: Hồ Hùng.

(TBKTSG) – Nhân đọc bài của nông dân Lê Ngọc Bích “Rủi may hạt lúa, cơ cực nông dân!” đăng trên TBKTSG ngày 8-1, tôi xin trao đổi thêm với ông Bích và bạn đọc TBKTSG về đề tài nóng hiện nay: cuộc sống nông dân.

Ông Bích đã xoay quanh câu hỏi, nên trồng giống lúa gì để bán có giá trên thị trường trong thời gian tới? Câu hỏi tưởng chừng đơn giản nhưng lại rất phức tạp.

Vì ông Bích đã hỏi tiếp, nhà khoa học nên lai tạo và chọn ra giống lúa gì để nông dân trồng có lợi?

Ông lại hỏi Nhà nước, nếu nông dân mua giống lúa mới để trồng thì chi phí cao hơn nhưng không biết lúa kỳ này bán có được giá không? Và ông Bích đã không hỏi doanh nghiệp là liệu họ sẽ mua giống lúa mới ấy với giá bao nhiêu?

Nhưng nếu ông Bích có hỏi đủ cả “ba nhà” thì chúng ta thường thấy, nhà doanh nghiệp sẽ hỏi lại ông Bích và Nhà nước như sau: (i) Vùng trồng lúa của ông Bích có đồng nhất về chất lượng không? (ii) Số lượng là bao nhiêu? (iii) Thời điểm nào thì doanh nghiệp mua được với khối lượng lớn như đã ký hợp đồng xuất khẩu? (iv) Giá bao nhiêu thì doanh nghiệp có lời để phát triển kinh doanh?

Vẫn chưa ai có câu trả lời thỏa đáng, thì lúc này chắc chắn ông Bích và rất nhiều nông dân sẽ hỏi lại Nhà nước, nhà doanh nghiệp và nhà khoa học rằng: Tại sao nông dân chúng tôi, cả một đời cơ cực làm ra hạt lúa bảo đảm an ninh lương thực cho xã hội, nhưng tới giờ đời sống vẫn chưa được bù đắp tương xứng?

Điều này, ông Lam, nông dân ở Đồng Tháp cũng đã gửi thư hỏi Thủ tướng Chính phủ và cũng đã từng đặt ra trên TBKTSG mới đây.

Những nhà khoa học chúng tôi luôn rất bức xúc với những câu hỏi này. Chúng tôi đã, đang và sẽ tiếp tục lo phần việc của mình về giống lúa. Nhưng hiện nay, theo điều tra của chúng tôi, có khoảng hơn 50% nông dân trồng lúa vùng ĐBSCL, đặc biệt là nông dân sống trong vùng bị ngập lũ hàng năm, tới cuối năm chỉ dư ra khoảng một triệu đồng. Là do họ phải trang trải cho “4 nhà vây quanh mình”: con cái học hành, chi tiêu gia đình hàng ngày; đám tiệc và quan hệ láng giềng, hàng xóm; trả tiền phân bón và thuốc sâu bệnh cho nhà vật tư và vay trước trả sau cho nhà ngân hàng.

Trong hoàn cảnh đó, nếu để xảy ra biến động về giá vật tư, lãi suất ngân hàng, chỉ số giá tiêu dùng và thiếu chính sách hỗ trợ giáo dục cho con em nông dân thì sẽ có tác động xấu rất lớn đến đời sống của họ. Ngoài ra, nếu có biến động về thị trường đầu ra, thời tiết bất thường và dịch bệnh thì cuộc sống của bà con nông dân sẽ càng khổ ải hơn.

Từ những đặc điểm ấy, trong mối quan hệ “bốn nhà” lâu nay, nông dân mình là đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong xã hội với tính nhạy cảm về chính sách phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Ngoài ra, mặc dù đa phần bà con nông dân mình có cuộc sống đơn giản, thật thà, chất phác, chịu khó và dễ thông cảm với xã hội, nhưng nông nghiệp – nông dân – nông thôn lại là chủ đề rất phức tạp để thảo luận và đầu tư phát triển, nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới hiện nay.

Do vậy, không riêng Việt Nam mà kể cả ở các nước giàu trên thế giới, khi thảo luận về phát triển nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống nông dân thì có nhiều tầng lớp xã hội khác nhau tham gia (thí dụ, khi đàm phán nông nghiệp trong WTO thì luôn phải mất nhiều thời gian và khó tìm sự đồng thuận giữa các nước).

Tuy khó khăn vậy, nhưng nếu bà con nông dân chúng ta biết cách hợp tác với nhau để sản xuất theo kiểu “4 đúng” (đúng chất lượng – đúng số lượng – đúng thời điểm thị trường cần – đúng kỹ thuật để hạ giá thành sản xuất) thì chắc chắn bà con nông dân sẽ có nhiều cơ hội bán được sản phẩm mà mình làm ra với giá cao nhất có thể được.

Để giải quyết vấn đề này, không thể tự thân bà con nông dân làm được mà cần sự hỗ trợ rất lớn của “ba nhà” còn lại: Nhà nước, nhà doanh nghiệp và nhà khoa học, trong đó vai trò của Nhà nước là cực kỳ quan trọng.

Chỉ khi nào Nhà nước tháo gỡ được những vướng mắc lâu nay chính trong việc “liên kết 4 nhà” như đã phân tích ở trên và đề ra được những chính sách phù hợp nhất trong chiến lược liên kết này, thì những câu hỏi của ông Bích, ông Lam và bao nhiêu bà con nông dân khác, mới có thể có câu trả lời và họ mới tìm ra con đường hợp tác với nhau.

Đây cũng là lý do vì sao mà đúng vào ngày TBKTSG đăng bài của ông nông dân Lê Ngọc Bích (8-1-2009), Ban chỉ đạo Tây Nam bộ đã cùng với trường Đại học Cần Thơ, Viện Lúa ĐBSCL và Viện Cây ăn quả miền Nam đã đồng thuận trong một cuộc họp tìm giải pháp “liên kết vùng và tham gia 4 nhà” để trình Chính phủ đưa vào chương trình hành động về nông nghiệp, nông dân và nông thôn vùng ĐBSCL từ năm 2009.

TS. NGUYỄN VĂN SÁNH – Đại học Cần Thơ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới