Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Hãy hành động đi!

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Hãy hành động đi!

(TBKTSG) – Khán phòng đầy kín người. Phần lớn cử tọa là doanh nhân, các nhà nghiên cứu kinh tế “có tiếng”. Còn diễn giả không hổ danh là một trong số ít những nhà tư duy chiến lược xuất sắc thế giới: GS. Michael Porter – uyên bác, hùng biện, lịch lãm, tự tin.

Đưa tay chấm một điểm lơ lửng trong không khí, vị giáo sư từ đại học danh tiếng Harvard nói xây dựng chiến lược chính là xác định vị trí trên bản đồ cạnh tranh. Nhưng ông làm nhiều người ngạc nhiên khi nói ngay rằng đừng nhầm tưởng chỉ cần một câu khẩu hiệu cho công ty đại loại như “tôi sẽ trở thành người dẫn đầu” là đã có thể định vị doanh nghiệp trên bản đồ cạnh tranh.

Trở thành người dẫn đầu không phải là chiến lược, mà là tham vọng của bạn. Để có thể tìm được một vị thế chiến lược độc đáo trên bản đồ cạnh tranh, chúng ta phải trải qua cả một quá trình tư duy phức tạp trong việc tạo dựng chiến lược.

Porter cho rằng các doanh nghiệp cần khởi đầu từ việc đặt mục tiêu đúng đắn, phân tích đối thủ, sản phẩm thay thế, nhà cung cấp, khách hàng, chiến lược giá… Bước tiếp theo là chọn lựa và đưa ra những giá trị tiêu biểu phục vụ cho nhóm khách hàng của mình một cách độc đáo nhất.

Đó là phần thu hoạch bằng trí nhớ của cử tọa sau khi nghe GS. Porter nói về các biện pháp xây dựng chiến lược cho công ty – phần thứ nhất trong chương trình diễn thuyết “Cạnh tranh toàn cầu và lợi thế Việt Nam” của ông ở TPHCM hôm đầu tuần.

Nhưng có lẽ phần đinh của chương trình nằm ở buổi chiều khi ông trình bày về năng lực cạnh tranh của Việt Nam. Một cách có hệ thống, người chủ trì “Bảng xếp hạng thường niên về năng lực cạnh tranh” của 120 quốc gia trên toàn thế giới chỉ cho cử tọa thấy vị trí của Việt Nam so với các nước khác xét về các chỉ số như mức độ thịnh vượng, năng suất lao động, thu hút đầu tư nước ngoài, năng lực xuất khẩu…

Vẫn những lời khuyên hãy tiếp tục chống tham nhũng, cải thiện cơ sở hạ tầng, cải cách thị trường tài chính mạnh hơn, cải cách hành chính, chú ý nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển nguồn nhân lực, tái cấu trúc các doanh nghiệp nhà nước…

Không ai có thể bắt bẻ được Porter bởi vì những điều ông nêu rất chính xác. Các luận điểm của ông đúng nhưng không hoàn toàn mới. Phần lớn trong đó là những điều mà cử tọa trong khán phòng đã biết. Họ trở nên trầm ngâm khi nhận ra rằng năng lực cạnh tranh của Việt Nam hôm nay cũng chẳng khác mấy khi so sánh với bộ tài liệu của ông đưa ra cách đây ba năm trong cuộc gặp với nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải ở Mỹ. Cái thiếu là một chiến lược và quyết tâm hành động để có thể thay đổi cục diện, nên kết quả cũng chẳng được là bao và lời tư vấn cũng không mới.

Thêm nữa, những gì đã làm lại không liên tục và nhất quán. Trong khi đó, tính liên tục của chiến lược chính là nền tảng để có được lợi thế cạnh tranh bền vững. Theo đuổi chiến lược cũng có nghĩa là phải lựa chọn và đánh đổi, là dám vượt qua những rào cản để có được lợi thế cạnh tranh bền vững, nhất là trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang bất định như bây giờ.

THỤC ĐOAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới