Hãy tin các nhà khoa học
Phi Tuấn
![]() |
Ông Phan Minh Tân. |
TBKTSG phỏng vấn PGS.TS. Phan Minh Tân, Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ TPHCM, về những bất cập trong cơ chế tài chính đối với lĩnh vực khoa học công nghệ.
TBKTSG: Ông nhận xét như thế nào về cơ chế tài chính hiện nay?
– Ông Phan Minh Tân: Phải nói thật là còn rất nhiều sự bất cập. Hiện nay, việc quản lý khoa học công nghệ đang được đánh đồng với quản lý hành chính nhà nước. Ngành tài chính “soi” rất kỹ: định mức này bao nhiêu, chuyên đề kia bao nhiêu trong việc cấp xét duyệt kinh phí cho đề tài nghiên cứu khoa học.
Tất nhiên các đề tài cần phải hình dung ra một khoản kinh phí, nhưng phải hiểu đó là ước tính. Điều này khác hẳn với việc ước tính kinh phí để xây một ngôi nhà. Đằng này, người ta lại đem câu chuyện xây nhà đó ra áp vào một đề tài khoa học. Đó là bất cập lớn nhất, tức là quản lý mang tính hành chính, bao cấp, nặng về đầu vào. Nói cách khác người ta không tin, không tôn trọng nhà khoa học.
TBKTSG: Vậy chúng ta phải có cách nào để vượt ra khỏi điều đó chứ, thưa ông?
– Cơ chế là do mình đặt ra, vì thế phải thay đổi cơ chế bằng cách giao quyền chủ động cho nhà khoa học trong chi tiêu tài chính. Hơn nữa phải đặt niềm tin vào nhà khoa học. Tất nhiên sẽ có người lợi dụng điều đó, nhưng tôi tin đó là số ít. Thứ hai là nên thay đổi theo hướng đừng quan tâm nhiều đến đầu vào mà hãy quan tâm đến đầu ra, tức là chất lượng của công trình. Nhiều nhà khoa học gặp tôi và rất bức xúc, nhất là chuyện phải bắt họ nói dối để hoàn tất thủ tục tài chính.
TBKTSG: Vì sao họ phải nói dối, thưa ông?
– Cơ chế bắt buộc phải khai ra đầy đủ mới thanh toán được. Chẳng hạn, nếu bây giờ thuê một người đi làm công tác nghiên cứu với mức giá 50.000 đồng/ngày, thì chẳng ai làm cả. Vì thế, người ta phải đối phó bằng cách khai tăng số ngày lên. Đến cả nguyên Bộ trưởng Khoa học Công nghệ Đặng Hữu trước đây cũng đã phải lên tiếng than phiền là ông đi họp chỉ có một buổi, nhưng phải ký vào ba bản khác nhau để thành ra ba ngày, thì mới thanh toán được.
TBKTSG: Theo ông, chúng ta nên giải quyết vấn đề này như thế nào?
– Chúng tôi và các nhà khoa học đã đề xuất nhiều giải pháp tháo gỡ. TPHCM cũng đang nghiên cứu cơ chế là mua sản phẩm khoa học bằng cách ký hợp đồng, rồi hai bên thỏa thuận với nhau về giá cả. Phần việc làm như thế nào là chuyện của nhà khoa học, miễn là ra được kết quả đáp ứng các chỉ tiêu đề ra. Tôi nghĩ chúng ta nên theo cái đó.
TBKTSG: Phải chăng đó là cơ chế khoán mà người ta thường nói?
– Đúng vậy. Thực ra, trong Thông tư liên tịch 93/2006 đã có nói về khoán rồi. Nhưng đó là khoán theo định mức, tức vẫn nửa vời. Chúng tôi đề xuất bỏ định mức, vì trong khoa học làm gì có định mức. Sắp tới sẽ theo hướng khoán gọn, và mua sản phẩm khoa học.
TBKTSG: Vậy còn chuyện đặt hàng thì sao?
– Cơ chế đặt hàng thực ra đã được thực hiện ở TPHCM chừng 7-8 năm nay rồi. Mới đây, chúng tôi đã trình cho UBND TPHCM một quy chế quản lý đề tài khoa học công nghệ, trong đó có riêng một chương về đặt hàng.
TBKTSG: Ai đặt hàng, thưa ông?
– Trước hết là các cơ quan quản lý như lãnh đạo thành phố, các sở ban, ngành đặt hàng để giải quyết các vấn đề phát sinh ở thành phố. Các quận huyện cũng tham gia và thêm một kênh nữa là các doanh nghiệp.
Hiện cả doanh nghiệp nhà nước lẫn doanh nghiệp tư nhân đều tìm đến chúng tôi. Ở đây, chúng tôi có một cơ chế hỗ trợ khi các doanh nghiệp đến đặt hàng. Khi họ gặp khó khăn, chúng tôi hỗ trợ 30% kinh phí, 70% còn lại là doanh nghiệp góp.
TBKTSG: Vậy đã có nhiều doanh nghiệp đặt hàng chưa?
– Hiện nay, chính thức thông qua sở thì chưa nhiều, trong khi đó một số doanh nghiệp đang đặt hàng từ chính các nhà khoa học. Thí dụ như khi nhà khoa học đăng ký đề tài, chúng tôi yêu cầu đề tài đó nếu là nghiên cứu ứng dụng thì phải có địa chỉ ứng dụng cụ thể.
TBKTSG: Ông đánh giá hiệu quả của việc đặt hàng này như thế nào?
– Rõ ràng là rất tốt, vì khi đặt hàng đã có địa chỉ ứng dụng cụ thể. Đối với các sở ban ngành, sau khi kết thúc, chúng tôi bàn giao kết quả đó cho đơn vị thụ hưởng. Sau đó nhà khoa học thực hiện đề tài tiếp tục phối hợp với các đơn vị đặt hàng để triển khai đề tài.
TBKTSG: Có ý kiến cho rằng doanh nghiệp thường chọn mua công nghệ nước ngoài vì họ không tin vào các nghiên cứu trong nước, vì vậy mà khoa học công nghệ không thể phát triển được?
– Đúng là có chuyện đó, nhưng theo tôi đó không phải là nguyên nhân chính. Vấn đề trước hết là nhận thức của doanh nghiệp chưa đúng mức, sau đó là do môi trường cạnh tranh chưa lành mạnh. Nạn hàng nhái, hàng gian, hàng giả vẫn chưa được giải quyết đến nơi đến chốn. Bài toán này phải được giải một cách đồng bộ, từ phía quản lý nhà nước đến việc huy động nguồn lực xã hội.