Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Hệ sinh thái dữ liệu sức khỏe dân cư: Tầm nhìn “trực thăng” của Đài Loan

Nguyễn Ái Nhi (*) - Lưu Minh Sang (**)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Đại dịch Covid-19 đang lấy đi của chúng ta rất nhiều thứ nhưng cũng cho chúng ta thấy rằng không thể chần chừ thêm được nữa trong việc phải xác định tầm nhìn chiến lược quốc gia về hệ thống cơ sở dữ liệu, đặc biệt là dữ liệu về sức khỏe và y tế toàn dân.

Cuộc chiến với đại dịch Covid-19 của Việt Nam vẫn đang tiếp diễn với rất nhiều nỗ lực không ngừng nghỉ của chính quyền và người dân, nhưng cũng phải thẳng thắn thừa nhận với nhau rằng đã có nhiều quyết sách được đưa ra rất cảm tính, thiếu cơ sở và không hiệu quả. Một trong những nguyên nhân đó là chúng ta thiếu một cơ sở dữ liệu thống nhất, đáng tin cậy và sâu xa hơn là thiếu một tầm nhìn chiến lược quốc gia về dữ liệu, đặc biệt là dữ liệu y tế và sức khỏe toàn dân.

Chúng tôi đồng ý với nhận định rằng dữ liệu đang là điểm yếu cốt tử trong việc định hình chính sách tại Việt Nam[1].

Khảo cứu kinh nghiệm các quốc gia/vùng lãnh thổ, chúng tôi nhận thấy nhiều quốc gia có tầm nhìn rất xa và rất sớm để đón đầu các thành quả của công nghệ, trong đó rất đáng chú ý là câu chuyện của Đài Loan.

Khởi nguồn từ tầm nhìn “trực trăng”[2]

Nếu điểm qua các mô hình hiệu quả trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19, không thể không nhắc tới Đài Loan. Số liệu về số ca nhiễm và ca tử vong đã minh chứng điều này. Ngay cả khi biến chủng Delta hoành hành, Đài Loan cũng đã có cú lội ngược dòng để giảm thiểu thương tổn. Những “quả ngọt” này đến từ rất nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến những “hạt giống” được gieo từ hàng thập kỷ trước nhờ vào tầm nhìn “trực thăng”, xa rộng của những nhà hoạch định chính sách.

Thời điểm kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai, cùng với vị thế địa lý nằm trong khu vực cận nhiệt đới và bệnh dịch thường xuyên hoành hành, hệ thống chăm sóc sức khỏe dân cư của Đài Loan bị tàn phá và thiệt hại nghiêm trọng. Các nhà lãnh đạo Đài Loan đã sớm xác định được tầm quan trọng và tính cấp thiết trong việc xây dựng một chiến lược quốc gia về y tế và sức khỏe toàn dân.

Từ đó, Đài Loan đã có quyết sách ưu tiên phát triển hệ thống quốc gia về chăm sóc sức khỏe toàn dân. Các chính sách này đã tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ của Đài Loan trong những năm sau này và dấu mốc quan trọng là sự ra đời của Chương trình Bảo hiểm sức khỏe quốc gia – National Health Insurance Program (NHI).

“Kiềng ba chân” trong hệ sinh thái dữ liệu sức khỏe dân cư

Ngày 1-3-1995, Đài Loan chính thức ra mắt NHI, chương trình bảo hiểm bắt buộc toàn dân do Cục Bảo hiểm y tế quốc gia (NHIA) điều hành. Căn cứ theo thông tin chính thức từ trang web của NHI, hiện NHI có hai nền tảng chính là “NHI Medicloud System” và “NHI My Health Bank”[3].

“NHI Medicloud System” được xây dựng từ năm 2013 với ứng dụng “Medicloud” – Đám mây y tế. Đây là nền tảng lưu trữ dữ liệu trên mạng cho phép các bệnh viện và phòng khám ghi nhận hồ sơ y tế, bệnh án của bệnh nhân. Cụ thể, trong trường hợp bệnh nhân thăm khám tại một cơ sở y tế hoặc bệnh viện, các y bác sĩ tại đó có thể dễ dàng truy xuất hồ sơ bệnh án của bệnh nhân từ tất cả các bệnh viện, cơ sở y tế mà bệnh nhân đã từng điều trị trước đó.

Hệ thống NHI Medicloud System nhờ vào cơ chế chia sẻ hồ sơ y tế, bệnh án giữa các cơ sở khám chữa bệnh để góp phần hạn chế việc bệnh nhân phải làm lại các xét nghiệm, giảm tình trạng trùng lặp đơn thuốc và tránh lãng phí nguồn lực khi phải áp dụng các phương án điều trị không cần thiết. Hiện NHI đã ký hợp đồng dịch vụ với khoảng 93% bệnh viện và phòng khám tại Đài Loan, do đó có thể nói NHI Medicloud System là hệ thống dữ liệu tập trung về tình trạng sức khỏe và khám chữa bệnh của toàn bộ dân số.

Trong khi nền tảng Medicloud nhắm vào đối tượng các cơ sở khám chữa bệnh, “NHI My Health Bank” lại hướng đến đối tượng sử dụng là cá nhân. Ứng dụng này bao gồm các công cụ như quản lý dữ liệu thăm khám trực tiếp với bác sỹ, quy trình phẫu thuật, phương pháp điều trị, báo cáo kết quả xét nghiệm trong vòng ba năm trước đó để cá nhân tự quản lý sức khỏe và khuyến khích việc kết nối bác sĩ và người bệnh thông qua việc gửi lại các hồ sơ y tế, bệnh án cho bệnh nhân.

Chưa dừng lại ở các thành tựu hiện tại, Đài Loan đã và đang tiếp tục phát triển chương trình thử nghiệm trí tuệ nhân tạo (AI) phân tích các dữ liệu dựa trên cơ sở dữ liệu của NHI. Cụ thể, từ tháng 6-2019, NHI đã công bố một loạt hồ sơ y tế đã được định danh bao gồm ảnh chụp CT (chụp cắt lớp vi tính) và MRI (chụp cộng hưởng từ), hồ sơ lâm sàng, kết quả khám sức khỏe và báo cáo xét nghiệm.

Thông qua sự cho phép của các cơ quan có thẩm quyền, cơ sở dữ liệu này có thể được các tổ chức nghiên cứu học thuật (bao gồm cả các doanh nghiệp thương mại) và các hiệp hội nghề nghiệp sử dụng để phát triển AI trong lĩnh vực y tế, tạo ra lợi thế cho các ngành công nghệ sinh học và chăm sóc sức khỏe của Đài Loan cũng như nâng cao chất lượng dịch vụ y tế[4].

Sự kết hợp các nền tảng này của NHI đã tạo ra thế “kiềng ba chân” vững chắc trong hệ sinh thái y tế của Đài Loan khi kết nối thông tin giữa các cơ sở khám chữa bệnh với bệnh nhân và giữa các cơ sở này với nhau. Đồng thời, qua đó cung cấp nguồn dữ liệu cho các tổ chức nghiên cứu khoa học để tiếp tục nghiên cứu, phát triển các phương pháp điều trị và ứng dụng kết quả nghiên cứu vào hệ thống chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Công nghệ, dữ liệu và ứng phó đại dịch

Trong bối cảnh đại dịch Covid- 19, các nền tảng dữ liệu của NHI đóng vai trò là công cụ quan trọng để hỗ trợ chính phủ Đài Loan kiểm soát dịch bệnh. Ngoài việc chia sẻ nguồn dữ liệu của NHI để khối tư nhân tham gia cùng chính phủ phòng, chống dịch, NHI còn đưa ra các giải pháp vô cùng thông minh và đột phá để “đi tắt đón đầu” trong công tác phòng, chống dịch.

Trên hệ thống Medicloud, NHIA sẽ phân loại các đối tượng đang bị cách ly tại nhà, các thành viên phi hành đoàn, chuyên gia y tế, các bệnh nhân đang điều trị nội trú dài hạn. Các nhóm đối tượng này nếu đến thăm khám tại các cơ sở y tế, các bác sỹ có thể truy xuất thông tin tại Medicloud để đánh giá về khả năng nhiễm Covid-19.

Đối với việc sàng lọc cộng đồng, NHI giới thiệu chức năng phòng xét nghiệm cộng đồng được chỉ định tại “NHI e-Referral System” (Hệ thống chuyển tuyến điện tử của NHI). Với cơ chế này, các bác sĩ tại phòng khám địa phương có thể nhanh chóng giúp bệnh nhân nghi ngờ mắc Covid-19 tại địa phương được sàng lọc tại cộng đồng và ngăn chặn các trường hợp này chuyển đến phòng cấp cứu của bệnh viện.

Một thành tựu đáng kể khác là việc nghiên cứu áp dụng công nghệ AI được phát triển bởi NHIA và Đại học Quốc Gia Cheng Kung có thể phát hiện viêm phổi từ ảnh chụp X-quang và tính toán nguy cơ mắc Covid-19 ngay lập tức[5].

Ngoài cơ sở dữ liệu NHI, Đài Loan cũng học tập mô hình của Anh quốc trong việc xây dựng ngân hàng dữ liệu sinh học và gen “BioBank” từ năm 2012[6]. Tất cả các nguồn cơ sở dữ liệu này đều nằm trong chiến lược quốc gia của Đài Loan để xây dựng dữ liệu lớn (big data) về hệ thống chăm sóc sức khỏe giai đoạn 2021-2024, trong đó bao gồm việc xây dựng hệ thống big data ngân hàng dữ liệu về gen và bảo hiểm sức khỏe quốc gia.

Tiếp theo đó, hình thành tiêu chuẩn định dạng cơ sở dữ liệu, tích hợp các ngân hàng dữ liệu có sẵn như BioBank, NHI và dữ liệu đăng ký về ung thư vào nền tảng chia sẻ big data về sức khỏe. Có thể thấy, với các thành tựu đã có sau hơn 25 năm hình thành và phát triển từ việc cho ra đời NHI vào năm 1995, các mục tiêu chiến lược quốc gia của Đài Loan hoàn toàn khả thi và có cơ sở.

Câu chuyện của Đài Loan cho thấy chuyển đổi số nói chung, dữ liệu hay công nghệ nói chung không phải là vấn đề mang tính xu hướng ngắn hạn và được nhắc đến như một trào lưu. Để tận dụng được sức mạnh của dữ liệu và công nghệ trong hoạt động quản trị quốc gia, đặc biệt là các giải pháp ứng phó trong tình huống khẩn cấp, bất kỳ quốc gia nào cũng cần phải có được tầm nhìn mang tính chiến lược lâu dài và từng bước tích lũy, xây dựng.

———-

(*) Công ty luật TNHH Thắng & các đồng nghiệp
(**) Trường đại học Kinh tế – Luật, ĐHQG TPHCM
Tài liệu tham khảo
[1] https://thesaigontimes.vn/dai-dich-covid-19-da-lam-lo-diem-yeu-cot-tu-cua-ta-ve-du-lieu/
[2] Thuật ngữ “tầm nhìn trực thăng” được đề cập trong quyển sách “Quảy Gánh Băng Đồng Ra Thế Giới” của tác giả Nguyễn Phi Vân, NXB Trẻ.
[3] https://www.nhi.gov.tw/English/Content_List.aspx?n=4D7051840BF42F52&topn=ED4A30E51A609E49
[4] https://english.ey.gov.tw/News3/9E5540D592A5FECD/92cfaa8c-e224-4110-8d6e-dde134a7fa79
[5] https://covid19.mohw.gov.tw/en/cp-4778-53691-206.html
[6] https://www.twbiobank.org.tw/new_web_en/index.php

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới