Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Hệ thống phân phối ở nông thôn: còn nhiều cái khó

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Hệ thống phân phối ở nông thôn: còn nhiều cái khó

Vĩnh An

(TBKTSG) – Khu vực nông thôn đang có hơn 70% dân số sinh sống. Theo Công ty Nghiên cứu thị trường TNS, có 95% hộ gia đình nông thôn sẵn sàng mua ti vi, 92% có thể mua bếp điện, bếp gas, 33% có thể mua máy cassette/radio, 30% muốn mua tủ lạnh… Phóng viên TBKTSG đã ghé thăm một số chợ nông thôn và nhận thấy, thật sự các doanh nghiệp trong nước còn “thờ ơ” với “thượng đế” ở nông thôn.

>> Ở xa, chịu thiệt

>> Mạng lưới phân phối từ chính nông dân

>> Nên kích cầu nông thôn từ… “gốc”

Doanh nghiệp “hiếm”, hàng hóa “khan”

Hàng hóa ở nông thôn khá ít và thưa thớt. Hệ thống phân phối của các doanh nghiệp vẫn chưa đến được với người dân. Theo quan sát của phóng viên TBKTSG, dù là giờ cao điểm, khoảng 10 giờ sáng, tại khu chợ Bình Hòa, ở ấp Bình Hòa, xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai, chỉ có vài ba gian hàng bán rau, thực phẩm tươi sống, nông sản do người dân tự sản xuất, tự tiêu thụ. Tại chợ này, không có bóng dáng một sản phẩm thực phẩm nào qua chế biến của doanh nghiệp.

Theo ông Vũ Văn Vương, chủ nhiệm Hợp tác xã Trường An, ở ấp Bình Hòa, xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai, doanh nghiệp không mặn mà với thị trường heo hút này, vì nhu cầu mua sắm của người dân không cao. Những hàng nhựa gia dụng, quần áo bày bán ở đây khá thưa thớt, hầu như không có tên tuổi nào của các doanh nghiệp nhựa và may của Việt Nam.

Ông Vương cho hay, để mua một chiếc xe đạp, xe gắn máy hay ti vi, người dân ở đây phải lên đến tận thị xã Long Khánh để mua. Ở huyện không có cửa hàng chuyên bán đồ điện tử. Nếu có, người dân cũng không mua, vì họ không tin tưởng chất lượng của hàng hóa.

Tiêu dùng của người dân nông thôn chủ yếu là mua vật tư nông nghiệp. Nông dân mua phân bón, giống, thuốc trừ sâu tại xã, huyện. Mặt hàng đắt tiền hơn như máy móc nông nghiệp, họ mua ở thị xã Long Khánh. Còn lại là những mặt hàng thiết yếu cho tiêu dùng như: gạo, thịt, cá và các sản phẩm tẩy rửa.

Theo ông Vương, chi phí cho vật tư nông nghiệp đã chiếm hơn 30% tổng chi tiêu mỗi năm của gia đình ông, 65% chi tiêu còn lại là cho các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu. Và 5% trong tổng chi còn lại cho những mặt hàng cao cấp như xe gắn máy, ti vi…

“Không phải người dân không có tiền, nhưng nhiều lúc muốn mua một mặt hàng tốt, cũng không có mà mua”.(Một bà nội trợ ở Bình Dương)

Đây cũng là tỷ lệ chi tiêu của những bà nội trợ ở nông thôn như bà Nguyễn Thị Lan, ở xã Phú An, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương – một trong những xã còn “thuần nông” ở huyện Bến Cát. Bà Lan cho hay, hàng hóa ở đây vừa ít, vừa thiếu, do xa trung tâm huyện, cộng với sức mua của người dân ở đây thấp.

“Tôi chỉ mua sắm đồ đạc trong nhà vào ngày lễ, Tết. Nhưng mỗi lần mua hàng phải lên trung tâm huyện. Chi tiêu nhiều nhất của gia đình tôi vẫn là vật tư nông nghiệp khi vào vụ làm lúa mới”, bà Lan nói.

Giải pháp nào?

Quy mô của thị trường nông thôn nhỏ, bị phân tán bởi khoảng cách địa lý gây khó khăn cho người tiêu dùng nông thôn lẫn doanh nghiệp. Bà Trần Thị Lương, tiểu thương bán tạp hóa ở xã Phú An, huyện Bến Cát, Bình Dương, cho biết để có hàng đưa về xã bán, mỗi tuần bà phải đi mua ở chợ huyện Bến Cát.

“Mua hàng cao cấp thì không ai dùng, mua hàng thường, chi phí cũng đội lên. Những đại lý lớn ở huyện mới có xe công ty đưa hàng đến, những cửa hàng nhỏ như tôi, thì tự lo tìm hàng mà bán”, bà Lương nói.

Nhiều chuyên gia thương mại cho rằng, để xây dựng hệ thống phân phối hàng hóa về nông thôn, cần phải có sự liên kết giữa các doanh nghiệp tư nhân, các công ty TNHH chuyên về thương mại với các hợp tác xã. Lực lượng này phải hiện diện ở những trung tâm của huyện, các thị trấn, dọc các trục quốc lộ vừa thực hiện chức năng bán lẻ hàng hóa vừa thực hiện chức năng bán buôn cung cấp hàng hóa kịp thời cho mạng lưới thương mại bán lẻ tại các làng xã, thôn bản và các chợ nông thôn.

Những doanh nghiệp này có thể mua hàng hóa trực tiếp từ các nhà sản xuất, các doanh nghiệp thương mại lớn và làm đại lý cho các nhà sản xuất, các nhà phân phối khác, để hàng hóa trực tiếp đến thị trường nông thôn với chi phí thấp nhất.

Mạng lưới này phải cung cấp được đầy đủ các mặt hàng cho thị trường nông thôn từ các loại hàng hóa thiết yếu đến hàng hóa sử dụng dài ngày có giá trị, không những đáp ứng được nhu cầu mà còn có tác dụng hướng dẫn kích thích nhu cầu cho thị trường nông thôn.

Các doanh nghiệp này có thể đặt các chi nhánh tại các trung tâm của thị trường nông thôn đặc biệt sử dụng các hợp tác xã, các doanh nghiệp tư nhân, các công ty TNHH… làm đại lý bán hàng cho mình. Làm tốt điều này, sẽ tránh được tình trạng hàng giả, hàng nhái đưa vào tiêu thụ tại thị trường nông thôn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới