Thứ Ba, 16/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Hệ thống quá tải và những hệ lụy có quá đà?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Hệ thống quá tải và những hệ lụy có quá đà?

Tuệ Nhiên

(TBKTSG Online) – Trước tình trạng quá tải lệnh với hệ thống giao dịch của HoSE vào phiên buổi chiều khi thanh khoản tăng mạnh diễn ra ngày càng thường xuyên, niềm tin của các nhà đầu tư cũng có thể bị suy yếu. Những sự cố như vậy cũng làm mất uy tín và ảnh hưởng đến mục tiêu nâng hạng thị trường trong tương lai, khiến các nhà đầu tư nước ngoài thận trọng hơn với các quyết định giao dịch. Đó là những thiệt hại lâu dài không dễ gì đo đếm được.

Hệ thống quá tải và những hệ lụy có quá đà?
Thanh khoản tăng vọt từ nửa cuối tháng 12 đến nay đang đặt ra những thách thức cho hệ thống xử lý giao dịch trên sàn HoSE. Ảnh minh họa: TTXVN

Lỗi sàn thành chuyện cơm bữa?

Hệ thống giao dịch của HoSE lại một lần nữa bị lỗi trong phiên giao dịch đầu tuần này (28-12), khi trong phiên giao dịch buổi chiều tình trạng ùn ứ lệnh lại diễn ra. Nhiều lệnh của nhà đầu tư đẩy vào hệ thống nhưng bị chặn không vào được hệ thống của HOSE. Đây là lần thứ 4 hiện tượng này diễn ra trong 8 phiên giao dịch gần nhất, với 3 phiên bị lỗi trước đó diễn ra vào các ngày 17, 22 và 23-12.

Đặc điểm chung 4 phiên giao dịch này là đều chứng kiến giá trị giao dịch vượt mốc 14.500 tỉ đồng, trong đó cao nhất là ngày 23-12 giá trị khớp lệnh lên đến 14.949 tỉ đồng. Điều này đặt ra nghi vấn phải chăng hệ thống giao dịch của sàn HOSE đã bị thiết kế với mức chặn trên ở một con số nhất định, do đó khi phiên giao dịch nào có khối lượng khớp khủng sàn HOSE sẽ chủ động chặn lệnh, bóp thanh khoản không  để vượt qua mức này. Như phiên ngày 28-12 vừa qua, 15 phút khớp lệnh đóng cửa (ATC) chỉ chứng kiến giá trị giao dịch đạt vỏn vẹn 54 tỉđồng trên tổng giá trị giao dịch của cả phiên là gần 14.579 tỉ đồng.

Dù lãnh đạo sàn HoSE là ông Lê Hải Trà khẳng định rằng đây không phải là lỗi của hệ thống đồng thời cho biết hệ thống vẫn bình thường, không có hiện tượng không chuyển sang được phiên khớp lệnh định kỳ hay lỗi giao dịch giữa Sở với các công ty chứng khoán. Tuy nhiên ông cũng chia sẻ rằng “Thời gian qua nhiều công ty chứng khoán cũng sử dụng thuật toán, robot để giao dịch. Nó được lập trình khiến lệnh tăng như sóng thần nên chúng tôi không thể kiểm soát" (?).

Trong khi đó, các công ty chứng khoán lớn như SSI, BSC, VNDirect, VCBS, MBS,… phải liên tiếp thông tin nội bộ hoặc gửi thư xin lỗi khách hàng vì quá trình đặt lệnh gặp sự cố, khi các lệnh đặt trên sàn HOSE của khách hàng (nếu có) trong khoảng thời gian này có thể không được cập nhật đúng trạng thái lệnh hoặc đã được gửi vào sàn nhưng công ty chưa nhận được xác nhận từ Sở.

Đáng lưu ý là ngoài việc giá trị giao dịch tăng vọt khi dòng tiền luân chuyển ồ ạt trong thị trường và động thái chốt lời, cộng thêm việc hàng loạt doanh nghiệp lớn, ngân hàng chuyển sàn sang HOSE hoặc niêm yết mới, thì việc hệ thống trên sàn HoSE bi treo gần đây cũng trùng hợp với đề xuất nâng lô giao dịch từ 10 cổ phiếu lên 100 cổ phiếu để giảm tải cho hệ thống. Không loại trừ khả năng quy định dự kiến sắp được áp dụng này đã thúc đẩy nhà đầu tư tăng cường xử lý các cổ phiếu lô lẻ trước hạn định, càng đẩy số lượng lệnh giao dịch tăng mạnh trong những ngày gần đây và gây quá tải cho hệ thống.

Hệ lụy tiêu cực

Để xử lý vấn đề nêu trên, người đứng đầu HoSE cũng nhắc lại Sở có dự án thay thế toàn bộ hệ thống giao dịch chứng khoán hiện tại. Ngoài ra, việc tăng lô giao dịch từ 10 lên 100 cổ phiếu đã được chấp thuận và có thể triển khai từ đầu năm 2021 cũng hy vọng  giảm tải cho hệ thống vận hành trơn tru hơn, theo đó giúp giảm đến 18% lệnh giao dịch trên thị trường trong quá trình chờ hệ thống mới.

Thanh khoản tăng vọt từ nửa cuối tháng 12 đến nay đang đặt ra những thách thức cho hệ thống xử lý giao dịch trên sàn HoSE.

Dù vậy, những hệ lụy tiêu cực trước mắt là khó tránh khỏi. Thứ nhất việc khối lượng giao dịch của các phiên bị lỗi không phản ánh đúng cung cầu thực tại sẽ khiến thị trường trở nên bị méo mó, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến những nhận định của các nhà đầu tư, nhất là giữa lúc thị trường đang tăng mạnh và ở giai đoạn nhạy cảm như hiện nay.

Còn nhớ phiên giao dịch ngày 9-6-2020, bảng giá các công ty chứng khoán không thể xác định giá đóng cửa của cổ phiếu trên HoSE, khi toàn bộ lệnh giao dịch trong phiên ATC được đẩy vào hệ thống nhưng không khớp đối ứng, ảnh hưởng đến tất cả mã chứng khoán niêm yết. Sự cố trên dường như đã báo trước điềm xấu, khi chỉ số VN Index trong ngày 11-6 đã lao dốc 33 điểm, mở đầu cho chuỗi điều chỉnh kéo dài đến cuối tháng 7.

Trước tình trạng HoSE bị treo lệnh vào phiên buổi chiều khi thanh khoản tăng mạnh ngày càng thường xuyên, niềm tin của các nhà đầu tư cũng có thể bị suy yếu, khi lo ngại quyết định mua vào trong thời điểm này liệu có bán ra được khi cần chốt lời hay cắt lỗ. Hệ quả là hầu hết các nhà đầu tư tập trung giao dịch vào phiên buổi sáng, theo đó càng có thể đẩy giá trị giao dịch tăng mạnh ngay từ đầu ngày và tăng nguy cơ thị trường lại bị lỗi vào cuối ngày.

Những sự cố như vậy cũng làm mất uy tín và ảnh hưởng đến mục tiêu nâng hạng thị trường trong tương lai, khiến các nhà đầu tư nước ngoài thận trọng hơn với các quyết định giao dịch. Đó là những thiệt hại lâu dài không dễ gì đo đếm được. Rõ ràng chỉ với giá trị giao dịch như trên đã khiến hệ thống bị quá tải, thì liệu khi Việt Nam chính thức được nâng hạng có đón nhận nổi dòng vốn ồ ạt đổ vào từ các quỹ đầu tư quốc tế?

Trên thực tế, khối ngoại đã có 5 phiên bán ròng liên tiếp tính đến đầu tuần này, với tổng giá trị tính riêng trên sàn HoSE là hơn 911 tỉ đồng. Trước đó khối này cũng có 4 phiên bán ròng liên tiếp từ ngày 14 đến 17-12 với tổng giá trị khủng lên đến 2.294 tỉ đồng, đánh dấu chuỗi bán ròng trở lại mạnh nhất từ giữa tháng 11 đến nay.

Trước những hệ lụy tiêu cực này, ngày càng nhiều nhà đầu tư đã quyết định chốt lời và tạm thời rút khỏi thị trường.

Với những nhà đầu tư lạc quan hơn thì tin rằng các sự cố của sàn HoSE sẽ thúc đẩy dòng tiền chạy sang sàn HNX và UpCom để tìm kiếm cơ hội, nhất là khi biên độ giao dịch trên 2 sàn nay cũng cao hơn tương ứng là 10% và 15% do đó khả năng sinh lời trong thời gian ngắn cũng hấp dẫn hơn. Tuy nhiên một thực tế không thể phủ nhận là chất lượng và sự đa dạng của hàng hóa trên 2 sàn này không thể nào so bì được với sàn HoSE, đặc biệt dòng tiền của các tổ chức, quỹ đầu tư cũng khó có thể dịch chuyển, khi sàn HoSE vẫn là mảnh đất màu mỡ với những cổ phiếu lớn phù hợp với tiêu chí lựa chọn đầu tư của các tổ chức.

Với mục tiêu xã hội hóa chứng khoán và đưa kênh này trở thành kênh huy động vốn chính của các doanh nghiệp, giảm bớt sự phụ thuộc vốn vào dòng chảy tín dụng của hệ thống ngân hàng, đưa tỷ lệ dân số có tài khoản chứng khoán lên 3% trong năm 2020 và 5% đến năm 2025, rõ ràng câu chuyện cải thiện và nâng cấp năng lực hệ thống cần phải được ưu tiên xử lý triệt để, nhất là khi muốn thành công trong việc nâng hạng thị trường trong vòng 2-3 năm tới.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng vừa ban hành quyết định số 37/2020/QĐ-TTg thành lập Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam (Vietnam Exchange), theo mô hình công ty mẹ – con trên cơ sở sắp xếp lại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE), có hiệu lực thi hành từ ngày 20-2-2021.

Theo đó, HNX sẽ có nhiệm vụ tổ chức, vận hành thị trường chứng khoán phái sinh, thị trường giao dịch trái phiếu còn HoSE chủ yếu có nhiệm vụ tổ chức, vận hành thị trường giao dịch cổ phiếu. Với quyết định này hy vọng thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ được đầu tư đúng mức, triển khai phát triển hệ thống công nghệ, phát triển sản phẩm mới để không còn những lỗi không thể hiểu được như vừa qua.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới