Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Heo chết vì dịch tai xanh, lo ngại nguồn cung

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Heo chết vì dịch tai xanh, lo ngại nguồn cung

Tiêu hủy heo bị nhiễm bệnh tai xanh – Ảnh minh họa: baoanhdatmui.vn

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm chiều 8-4, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Bùi Quang Anh cho biết, dịch heo tai xanh đang diễn biến phức tạp ở một số tỉnh miền Trung.

Cụ thể, tại 4 tỉnh xuất hiện dịch là Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Nam đã có số heo chết lên đến gần 70.000 con.

Ông Anh cho biết điều đáng lo ngại là ở Thanh Hoá, dịch tai xanh ở heo mới xuất hiện nhưng tốc độ lây lan rất nhanh.

Theo báo cáo của Chi cục Thú y tỉnh Thanh Hoá, dịch được phát hiện tại địa phương từ ngày 28/3, nhưng đến nay đã lây lan ra 181 xã của 12 huyện, thị trong tỉnh. Ngày 4-4, số heo chết do dịch trên địa bàn tỉnh mới là 4.000 con nhưng đến ngày 7-4 đã tăng lên 56.730 con. Chi cục Thú y tỉnh và các lực lượng chức năng đã tiêu huỷ được 45.729 con heo mắc bệnh tai xanh.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, nguy cơ dịch tai xanh tiếp tục lây lan rộng tại các tỉnh miền Trung và lan ra miền Bắc là rất cao. Điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành chăn nuôi vì đối tượng mắc bệnh tai xanh tập trung nhiều vào heo nái.

Theo tính toán, nếu mất 1 con heo nái tương đương với mất 1-1,5 tấn heo thịt/năm; tình trạng này sẽ gây thiếu hụt lượng thịt cung ứng cho tiêu dùng, ảnh hưởng đến giá cả và cung – cầu thịt heo trên thị trường. Vì vậy, vấn đề quan trọng đối với các địa phương là phải thường xuyên giám sát tình hình chăn nuôi, dịch tễ trên địa bàn, phát hiện nhanh dịch bệnh, khoanh vùng dập dịch ngay từ diện nhỏ.

Ông Sơn cũng kiến nghị các cơ quan chuyên môn cần thảo luận, tham khảo ý kiến các quốc gia và tổ chức quốc tế để thống nhất biện pháp đối phó với dịch tai xanh trong tình hình thực tại.

Năm 2007, đợt dịch tai xanh ở lợn xuất hiện tại 7 tỉnh, thành phố miền Bắc với tổng số trên 70.000 con heo bị chết và tiêu huỷ.

Về dịch cúm gia cầm, Cục Thú y cho biết : Đến nay có 2 tỉnh có dịch là Tiền Giang và Quảng Nam, trong đó Tiền Giang là địa phương mới tái phát dịch từ ngày 4-4.

Như vậy, dịch cúm gia cầm vẫn còn dai dẳng và thực tế dịch có thể tái phát tại bất cứ địa phương nào. Cục Thú y đề nghị các địa phương cần tập trung chuẩn bị tốt cho kế hoạch tiêm phòng đàn gia cầm vào đầu tháng 4-2008, đồng thời tiếp tục giám sát dịch bệnh để có thể tập trung xử lý nhanh, gọn ngay khi mới phát hiện.

Theo TTXVN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới