Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Hết được “nợ” chứng nhận xuất xứ hàng hóa

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Hết được “nợ” chứng nhận xuất xứ hàng hóa

Minh Tâm

Hết được
Từ nay, doanh nghiệp không còn được "nợ" C/O. Ảnh: một góc cảng Vict, TPHCM. Ảnh: M.Tâm

(TBKTSG Online) – Thông báo mới nhất từ Bộ Tài chính khẳng định, từ nay doanh nghiệp không còn được nợ chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mà phải nộp ngay tại thời điểm khai hải quan.

Công văn số 12802/BTC-TCHQ phát hành hôm 14-9 gửi cục hải quan các tỉnh thành yêu cầu công chức hải quan thực hiện việc tiếp nhận C/O của doanh nghiệp xuất nhập khẩu theo các quy định hiện hành.

Cụ thể, đối với tờ khai hải quan giấy, người khai hải quan phải nộp bản chính tại thời điểm đăng ký.

Đối với tờ khai hải quan điện tử, người khai hải quan cũng phải nộp bản chính C/O tại thời điểm nộp hồ sơ hải quan.

Ngoài thời hạn này, cơ quan hải quan chỉ xem xét để doanh nghiệp bổ sung C/O trong một số trường hợp có điều chỉnh về mã hàng hóa (HS), thuế sau khi kiểm tra sau thông quan. 

Thứ nhất, đó là tại thời điểm nhập khẩu, khi làm thủ tục hải quan, doanh nghiệp khai theo thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) (trong khi thuế suất MFN thấp hơn hoặc bằng với thuế suất ưu đãi đặc biệt). Hàng hóa sau khi thông quan được cơ quan hải quan kiểm tra xác định lại mã số HS hoặc doanh nghiệp khai bổ sung mã HS, theo mã HS mới mà thuế suất MFN cao hơn thuế suất ưu đãi đặc biệt thì doanh nghiệp đề nghị được nộp bổ sung C/O.

Thứ hai, tại thời điểm nhập khẩu, hàng hóa thuộc đối tượng miễn thuế nhập khẩu, doanh nghiệp không áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt nhưng sau thông quan, cơ quan hải quan (hoặc doanh nghiệp tự phát hiện) xác định hàng hóa không thuộc đối tượng miễn thuế thì doanh nghiệp đề nghị được nộp bổ sung C/O.

Công văn của Bộ Tài chính cũng quy định, riêng đối với C/O mẫu VK (còn gọi là KV) theo hiệp định thương mại giữa Việt Nam – Hàn Quốc, người khai hải quan được nộp C/O trong vòng 1 năm sau đăng ký tờ khai nếu tại thời điểm khai hải quan chưa có bản chính. Tuy nhiên, trong thời gian này phải khai theo thuế suất MFN.

Như vậy, từ nay, doanh nghiệp không còn được “nợ” C/O như đang được chấp nhận lâu nay. Thời gian qua, trong trường hợp người khai hải quan chưa nộp được C/O tại thời điểm khai hải quan, cơ quan hải quan vẫn chấp nhận C/O nộp bổ sung kể cả trước hay sau thông quan, với điều kiện C/O hợp lệ và còn hiệu lực.

Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã ký kết các hiệp định với các quốc gia để doanh nghiệp được hưởng mức thuế suất ưu đãi đặc biệt.

Đó là Việt Nam – Nhật Bản (C/O mẫu VJ), ASEAN – Nhật Bản (C/O mẫu VJ), ASEAN – Trung Quốc (C/O mẫu E), ASEAN – Ấn Độ (C/O mẫu AI), Việt Nam – Hàn Quốc (C/O mẫu KV), ASEAN – Hàn Quốc (C/O mẫu AK), Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (C/O mẫu D), Việt Nam – Chile (C/O mẫu VC), ASEAN – Úc – New Zealand (C/O mẫu AANZ).

Các Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt để thực hiện các hiệp định trên được ban hành kèm theo Nghị định 122/2016/NĐ-CP ngày 31-8-2016.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới