Hiểm họa cúm gia cầm lơ lửng trên đầu
![]() |
Gia cầm bày bán lẻ tẻ một cách trái phép ở đường Phạm Thế Hiển, quận 8, TPHCM – Ảnh: XUÂN THẢO >> Xem thêm hình ảnh “Thờ ơ với hiểm họa“ |
(TBKTSG Online) Hiểm hoạ cúm gia cầm đang treo lơ lửng trên đầu TPHCM, thành phố đông dân nhất và cũng là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước.
Đồng thời, nguy cơ tái bùng phát cúm A H5N1 ở gia cầm và ở người có thể bùng nổ bất kỳ lúc nào ở ĐBSCL và Đông Nam bộ.
Đây là nhận định của hầu hết các đại biểu tham dự hội nghị giao ban phòng chống cúm gia cầm do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức vào chiều 27-2 tại TPHCM, dưới sự chủ trì của Thứ trướng Bùi Bá Bổng.Dịch bệnh có nguy cơ tái bùng phát
Thứ trưởng Bùi Bá Bổng nhận định, dịch cúm gia cầm đang có xu hướng bộc phát quy mô rộng. Ông nói: “hôm qua (tức 26-2) dịch cúm nổ ra ở Vĩnh Long, báo hiệu cả vùng miền Tây có khả năng xảy ra dịch cúm trong tháng 3 tới và cũng không loại trừ nhiễm bệnh cho người và gây tử vong như đã xảy ra ở phái bắc trong 2 tháng đầu năm nay”.
Nhận định của ông Bổng có cơ sở khi mà theo Cục Thú y, trong 2 tháng đầu năm nay, cả nước có 15 ổ dịch cúm gia cầm ở 13 huyện của 10 tỉnh với tổng số gia cầm bị chết và tiêu huỷ là 21.863 con, trong đó phân nửa là vịt. Hiện nay tuy cả nước còn 8 tỉnh (2 tỉnh đã khống chế dịch qua 21 ngày theo Pháp lệnh Thú y), trong đó phía nam có Vĩnh Long, Long An và Trà Vinh. 6 người dân đã mắc bệnh theo ghi nhận của Bộ Y tế, trong đó 5 người đã tử vong, một tỷ lệ tử vong quá cao so với các đợt dịch mấy năm trước.
Còn trên thế giới, trong 2 tháng đầu năm nay, dịch cúm gia cầm diễn biến phức tạp và hàng chục ngàn gia cầm bị chết, bị tiêu huỷ ở 16 quốc gia và vùng lãnh thổ. Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), dịch cúm gia cầm lây nhiễm cho 18 người đã xảy ra ở 3 nước là Trung Quốc, Indonesia và Việt Nam, làm chết 15 người. Tính tới nay, toàn thế giới có 366 người bị nhiễm cúm gia cầm và 232 người đã tử vong ở 14 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Ông Mai Văn Hiệp, Cục phó Cục Thú y, cho rằng do ảnh hưởng nặng nề của thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài ở phía bắc, nên sức đề kháng của gia cầm giảm sút nghiêm trọng, đồng thời rét là cơ hội cho các mầm bệnh phát triển nhanh, trong đó có virus H5N1. Bên cạnh đó, việc quản lý buôn bán, vận chuyển nội địa và vận chuyển gia cầm qua biên giới khá phức tạp, các địa phương thì triển khai tiêm phòng không triệt để và chủ quan trong giám sát, khiến dịch cúm gia cầm nổ ra dai dẳng.
Ông Bổng đặt câu hỏi: tại sao tổ chức tiêm vaccine, rồi tiêu độc khử trùng mà gia cầm vẫn mắc bệnh? Ông Hiệp cho biết, Trung tâm Chẩn đoán Thú y trung ương đã phối hợp với chuyên gia của Mỹ và Trung Quốc để kiểm định vaccine, kết quả cho thấy tỷ lệ bảo hộ của vaccine cúm hiện nay đạt 90-100%, chứng minh tính ổn định và hiệu quả của vaccine nhập khẩu từ Trung Quốc.
Hiệu lực vaccine quá thấp
![]() |
Nhân viên thú y TPHCM lấy mẫu gia cầm từ các tỉnh đưa về để xét nghiệm giám sát cúm gia cầm-Ảnh: XUÂN THẢO |
Trong đợt tiêm phòng lần thứ 2 cuối năm 2007, cả nước đã tiêm phòng 157 triệu liều vaccine nhưng có trường hợp như ở Thái Nguyên. Mặc dù đàn gia cầm giống của tỉnh được lấy mẫu xét nghiệm sau tiêm phòng đều cho hiệu giá kháng thể (khả năng phòng chống virus gây bệnh) cao nhưng dịch bệnh vẫn xảy ra ở đàn gia cầm này, chứng tỏ là tiêm phòng bị sót.
Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó giám đốc Trung tâm thú y vùng VI, phụ trách phòng chống dịch cho 9 tỉnh xung quanh TPHCM, đưa ra kết quả giám sát sau tiêm phòng ở 9 tỉnh trong khu vực làm mọi người không khỏi giật mình. Giám sát huyết thanh sau tiêm phòng đợt 1/2007, tỷ lê bảo hộ trên gà chỉ đạt 61,1%, trên vịt chỉ 41,7% và trên ngan chỉ 5,67%. Giám sát đợt 2 thì tỷ lệ bảo hộ của vaccine trên gà chỉ có 77,6%, trên vịt chỉ có 50,6%. Trong khi theo quy định, tỷ lệ bảo hộ đạt 80% trở lên mới an toàn.
Giám sát virus H5N1 tại các chợ và các lò mổ tập trung trong vùng thì có 11,5% số mẫu dương tính với cúm A H5 không N1 và đang tăng dần, chứng tỏ có nhiều chủng loại virus H5 không phải N1 đang lưu hành, dù không phải độc lực cao nhưng sẽ gây khó khăn cho công tác phòng chống dịch.
Một điều lạ lùng nữa, theo ông Bình, trước đây khi nổ ra dịch trên đàn vịt thì vịt chết rất nhanh, đến 80-90% cả đàn chỉ trong 1-2 ngày đêm, nay thì tỷ lệ chết rất chậm và rất thấp so tổng đàn. Cụ thể 700 con vịt ở Long An bị cúm gia cầm nhưng 4 ngày sau đàn này mới chỉ chết có 150 con. “Cần hết sức giám sát chặt chẽ độc lực của virus đang biến đổi khác thường”, ông lo lắng.
Ông Nguyễn Bá Thành, Giám đốc Trung tâm Thú y vùng VII tại Cần Thơ, cơ quan phụ trách phòng chống dịch 10 tỉnh xung quanh Cần Thơ, cũng đưa ra những con số giám sát đàn gia cầm sau tiêm phòng rất đáng lo ngại. Toàn vùng ĐBSCL có khoảng 600 lò ấp nở vịt nhưng chỉ hơn 200 lò đạt các tiêu chuẩn quy định của ngành thú y. Việc cấp sổ đăng ký cho người chăn nuôi vịt chạy đồng cũng mang tính hình thức mà thực chất cơ quan thú y và chính quyền địa phương không quản lý được.
“Virus đang lưu hành rất nhiều”, ông Thành khẳng định và than phiền cách quản lý chăn nuôi gia cầm, nhất là vịt đang rất lỏng lẻo, khi nổ ra dịch, không phân định được trách nhiệm thuộc về người chủ trại chăn nuôi hay cơ quan thú y.
Virus đang “rình rập” thành phố
Ông Phan Xuân Thảo, Chi cục phó Chi cục Thú y TPHCM, than phiền cho tới nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vẫn chưa xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật cho động vật nhập khẩu, cụ thể ở đây là gia cầm. Điều này có nghĩa Việt Nam vẫn chưa có hàng rào kỹ thuật cho động vật và sản phẩm động vật nhập khẩu, nên không khéo thị trường Việt Nam trở thành “túi rác” cho gia cầm các nước và tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh từ gia cầm nhập khẩu. |
“Gia cầm đưa về TPHCM thì nơi xuất phát ở các tỉnh bảo là đã kiểm dịch, đã tiêm phòng, tỷ lệ bảo hộ của vaccine đạt yêu cầu nhưng chúng tôi lấy mẫu xét nghiệm thì không phải vậy, có thể họ đã đánh tráo”, ông Phan Xuân Thảo, Chi cục phó Chi cục Thú y TPHCM, cho hay.
Qua kiểm tra gia cầm từ 6 tỉnh đưa vào TPHCM tiêu thụ thì chỉ có 46,06% số mẫu có tỷ lệ vaccine đủ sức bảo hộ sau khi tiêm lần 1, còn sau khi tiêm lần 2 thì tỷ lệ bảo hộ thấp hơn, chỉ có 38,15%. Đó là gà, còn vịt thì tỷ lệ này còn thấp hơn rất nhiều.
Trong năm 2007, Chi cục Thú y TPHCM đã lấy mẫu gia cầm các tỉnh đưa về để xét nghiệm, đạt tỷ lệ bảo hộ 19,07%, còn hai tháng đầu năm nay, con số này là 28,61%. Dù tỷ lệ này chỉ mang ý nghĩa giám sát nhưng cũng báo động khả năng virus H5N1 trên gia cầm từ các tỉnh đưa vào thành phố.
Hiện nay, mỗi ngày các cơ sở giết mổ trong thành phố giết mổ 49.080 con gia cầm, nhập 20.700 con gia cầm đã giết mổ từ các tỉnh đưa về và tiêu thụ khoảng 78.909 kg thịt gia cầm nhập khẩu (tương đương 52.646 con gia cầm). Như vậy, lượng gia cầm nhập khẩu đang chiếm khoảng 40% thị trường gia cầm thành phố.
“Nếu các tỉnh không kiểm soát tốt cúm gia cầm, gia cầm nhập khẩu có điều kiện chiếm lĩnh thị trường mạnh hơn và lúc đó, thiệt hại sẽ tác động trực tiếp tới người chăn nuôi ở các tỉnh”, ông Thảo nói.
Trong khi chính quyền thành phố đang áp dụng nhiều biện pháp cứng rắn trong phòng chống cúm gia cầm như tạm giữ phương tiện chuyên chở gia cầm trái phép, cấm xe khách của thành phố chở gia cầm lẫn với người, còn các tỉnh có vẻ lơ là. Ông Nguyễn Phước Trung, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM, cho biết xe khách các tỉnh về thành phố vẫn còn cảnh chở gia cầm xem lẫn với hành khách, cực kỳ nguy hiểm.
“Tới mức chúng tôi phải cử “trinh sát” về bến xe các tỉnh mật phục và báo về thành phố những xe khách nào chuyên chở gia cầm”, ông Trung tiết lộ. Cung cấp gia cầm cho thành phố nhiều nhất là Long An, Tiền Giang, Đồng Nai… và thú y thành phố phải “phòng chống từ xa”, bằng cách hợp tác với thú y các tỉnh để giám sát cúm gia cầm, giám sát các đàn gia cầm đưa về TPHCM tiêu thụ.
Tuy nhiên, gia cầm không qua kiểm soát vẫn tràn vào TPHCM bằng nhiều đường, nhiều hình thức khá tinh vi, từ chở bằng xe khách, xe máy, giấu trong giỏ lác, túi xách để qua mắt nhân viên thú y.
Cảnh gia cầm sống bày bán lẻ tẻ như bán mớ rau, mớ cá ở đường Hà Huy Giáp, Tô Ký của quận 12, Phạm Hùng, Phạm Thế Hiển của quận 8, Vĩnh Lộc A ở Bình Chánh hay Linh Trung ở Thủ Đức… mà Chi cục Thú y TPHCM chiếu trên slide khiến mọi người có thể cảm nhận virus cúm gia cầm đang treo lơ lửng trên đầu hàng triệu người dân của TPHCM.
HỒNG VĂN – Video: VTV