Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) tắc vào phút 89

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) tắc vào phút 89

Thái Bình

Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) tắc vào phút 89
Các trưởng đoàn thương thảo TPP họp báo về diễn biến cuộc đàm phán vào sáng nay 1-8 tại Hawaii. Ảnh Reuters

(TBKTSG Online) – Tiến trình đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) kéo dài 5 năm qua và dự kiến kết thúc vào ngày 31-7-2015 (giờ Hoa Kỳ, tức sáng nay 1-8 giờ Việt Nam) đã gặp trở ngại vào phút cuối cùng; bộ trưởng thương mại 12 quốc gia thành viên tạm ngừng thương thảo về những bất đồng còn tồn tại và trở về nước để tham vấn với lãnh đạo cấp cao hơn.

Vài giờ trước đây, một cuộc họp báo chính thức dự kiến được tổ chức lúc 1g30 chiều thứ Sáu 31-7, tức 6g30 sáng thứ Bảy 1-8 giờ Việt Nam để công bố hoàn tất tiến trình đàm phán TPP; nhưng do đàm phán kéo dài hơn dự tính nên cuộc họp báo được hoãn lại tới 4 giờ chiều, tức 9 giờ sáng nay thứ Bảy 1-8. Tuy nhiên, chỉ vài phút trước giờ họp báo, ba nguồn tin ẩn danh từ bàn đàm phán cho hãng tin Reuters biết rằng, một số vấn đề gai góc nhất vẫn chưa đạt được đồng thuận, đàm phán chưa thể kết thúc và các đoàn sẽ về nước tham khảo quyết định của cấp cao hơn.

Thời điểm diễn ra vòng đàm phán kế tiếp chưa được công bố.

Theo nguồn tin này, những vướng mắc còn lại là bất đồng giữa Mỹ và Nhật Bản liên quan tới nguyên tắc xuất xứ của sản phẩm xe hơi, bất đồng giữa Mỹ và một số nước như Úc, Chile về thời hạn bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ các dược phẩm mới, bất đồng giữa New Zealand và Canada về mở cửa thị trường sữa và các sản phẩm sữa và bế tắc trong cái quy định về dược phẩm chế tạo từ tế bào gốc (biologic drug).

Trong kỳ họp cấp bộ trưởng cuối cùng, diễn ra suốt bốn ngày qua tại Hawaii, Mỹ, các đoàn đàm phán, với khoảng 650 quan chức và chuyên gia, đại diện 12 nước thành viên, đã nỗ lực hết mức để thảo luận những vấn đề gai góc nói trên nhưng cuối cùng vẫn không vượt qua được khoảng cách còn lại.

Ngoài các phiên họp toàn thể, các đoàn thương thuyết cũng tổ chức nhiều cuộc thảo luận song phương để tháo gỡ những vướng mắc về một số ngành hàng, mặt hàng. Hoa Kỳ và Nhật Bản – chiếm khoảng 80% khối lượng thương mại của 12 nước thành viên TPP – đã có nhiều cuộc đàm phán song phương có kết quả liên quan tới việc mở cửa thị trường nông sản được bảo hộ chặt chẽ của Nhật Bản, nhưng không đồng thuận được về mặt hàng xe hơi.

Trong hai ngày đầu của kỳ họp cấp bộ trưởng cuối cùng này, 12 đoàn đàm phán đã hoàn tất được chương hiệp định về bảo vệ môi trường trong khuôn khổ TPP, gồm các điều khoản quy định ngăn ngừa hoạt động buôn bán trái phép động vật hoang dã, quản lý rừng bền vững, bảo vệ tài nguyên biển và chống khai thác hải sản quá mức.

Chương hiệp định (hiệp định có 27 chương) "áp dụng cho những khu vực nhạy cảm về môi trường sống, từ hệ sinh thái các đài nguyên (tundra) tới các đảo Thái Bình Dương, từ những rạn san hô lớn nhất thế giới cho tới những cánh rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới, từ nạn phá rừng lấy gỗ ở Chile đến đa dạng sinh học của Đồng bằng sông Cửu Long", hiệp định viết. Theo các quy định này, việc khai thác, buôn bán các loại động vật hoang dã sẽ bị cấm triệt để, các nước thành viên cũng bị cấm trợ cấp cho các hoạt động khai thác hải sản quá mức, kể cả việc trợ cấp chi phí nhiên liệu, đóng tàu biển… cho ngư dân

(theo The New York Times)

“Ai đã từng tham gia đàm phán thương mại đều biết, những quyết định cuối cùng bao giờ cũng là những quyết định khó khăn nhất”, Đại diện thương mại Mỹ Michael Froman nói. “Chỉ còn vài vấn đề nhưng hết sức gay cấn”, Bộ trưởng Thương mại Mexico Ildefonso Guajardo nói với Reuters.Bộ trưởng Thương mại Úc Andrew Robb buồn bã: "Đáng buồn là, đàm phán đã hoàn tất được 98%, vấn đề còn lại phụ thuộc vào 4 'ông lớn' Mỹ, Canada, Nhật và Mexico".

Các nhà thương thuyết nhấn mạnh rằng họ đang nỗ lực tối đa để hoàn tất đàm phán trong tuần này nhưng cũng cảnh báo rằng không phải tất cả các ngành kinh tế đều sẽ đạt được những gì họ muốn vì khó có thể tìm ra một công thức chung cho mọi nước thành viên.

Trong ngành dược phẩm chẳng hạn, Hoa Kỳ – nơi có nhiều tập đoàn dược phẩm lớn nhất thế giới – muốn đặt thời hạn bảo hộ quyền sáng chế các loại thuốc mới là 12 năm, song Úc và một số nước khác chỉ đề nghị thời hạn 5 năm vì lo ngại việc kéo dài thời gian bảo hộ bản quyền sẽ tác động tiêu cực tới chi phí điều trị bệnh của người dân. Theo Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Amari, quyền sở hữu trí tuệ nói chung, bản quyền dược phẩm mói riêng, cần được thảo luận thấu đáo hơn và cần có thêm thời gian đàm phán.

Hoa Kỳ – nơi có các tiểu bang trồng thuốc lá và các hãng sản xuất thuốc lá hàng đầu thế giới – kiên quyết chống lại việc đặt mặt hàng thuốc lá ra ngoài các quy định cho phép doanh nghiệp khởi kiện các chính phủ, coi đó là một “ngoại lệ” mà theo đó công ty thuốc lá vẫn được phép kiện tụng chính sách của các chính phủ. Tuy nhiên chính phủ Úc – đang bị tập đoàn thuốc lá Philip Morris, nhà sản xuất thuốc Marlboro, kiện vì Úc buộc xóa bỏ mọi nhãn hiệu trên vỏ bao thuốc lá – cho rằng, các doanh nghiệp không được phép kiện tụng chính phủ về những chính sách bảo vệ sức khỏe và môi trường sống của người dân nước mình. Bộ trưởng Thương mại Úc Andrew Robb cho rằng, các nước đàm phán vẫn kiên trì với việc bảo đảm không bị kiện tụng khi ban hành chính sách môi trường và sức khỏe cộng đồng.

Yêu cầu của Úc muốn Mỹ mở rộng thị trường cho mặt hàng đường ăn nhập khẩu từ Úc được hiệp hội các nhà sản xuất thức uống, kẹo bánh của Mỹ ủng hộ, song lại vấp phải sự phản đối của các hiệp hội nông dân trồng mía, và Mexico cũng không muốn chia sẻ thị trường đường béo bở của Mỹ cho các nhà xuất khẩu Úc.

Mặt hàng sữa và sản phẩm từ sữa lại chứng kiến sự bất đồng giữa Úc, New Zealand và Mỹ với Canada – nơi sản phẩm sữa nhập khẩu đang phải chịu thuế suất tới 245% – đến mức Canada bị cáo buộc là cản trở đàm phán, một cáo buộc mà Canada cực lực bác bỏ. New Zealand và Úc muốn Mỹ và Nhật nhập khẩu thêm nhiều sản phẩm sữa của họ, song các bên nhượng bộ rất ít và đến tối thứ Năm, đàm phán về sữa vẫn diễn tiến rất chậm.

Hiệp định TPP sẽ cắt giảm hoặc dỡ bỏ rào cản thương mại, đặt ra những tiêu chuẩn chung cho khoảng 40% hoạt động kinh tế thế giới. TPP có 12 nước tham gia, gồm Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Hoa Kỳ và Việt Nam nhưng không có Trung Quốc – nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Việc không hoàn tất được đàm phán TPP vào ngày 31-7 đặt ra rủi ro cho Mỹ là hiệp định sẽ không được trình ra Quốc hội Hoa Kỳ phê chuẩn trước khi nước Mỹ lao vào cuộc bầu cử tổng thống năm 2016, khi chuyện tranh cử sẽ che phủ hết tất cả những quyết định đối ngoại quan trọng nhất của đất nước.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới