Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Hiệp định hòa bình là “phần thưởng” kinh tế Triều Tiên lẫn Hàn Quốc

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Hiệp định hòa bình là “phần thưởng” kinh tế Triều Tiên lẫn Hàn Quốc

Chánh Tài

(TBKTSG Online) – Hàn Quốc và Triều Tiên sẽ hưởng nhiều lợi ích kinh tế nếu ký kết hiệp đình hòa bình nhưng “phần thưởng” dành Bình Nhưỡng sẽ lớn hơn nhiều, theo các nhà phân tích kinh tế.

Cuộc gặp lịch sử

Hiệp định hòa bình là
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ký kết tuyên bố chung ở làng Bàn Môn Điếm thuộc khu vực phi quân sự liên Triều vào hôm 27-4. Ảnh: AP

Hôm 27- 4, tại hội nghị thượng đỉnh ở khu vực phi quân sự liên Triều, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ra tuyên bố chung với cam kết sẽ ký hiệp định hòa bình vào cuối năm nay, chính thức kết thúc cuộc chiến tranh Triều Tiên sau 68 năm.

Hiện nay, về mặt lý thuyết, hai nước vẫn chưa kết thúc chiến tranh vì xung đột giữa hai nước chỉ tạm thời chấm dứt bằng một hiệp định đình chiến năm 1953 do ba bên ký bao gồm Triều Tiên, Quân đội Tình nguyện Nhân dân Trung Quốc và Bộ chỉ huy Liên Hợp Quốc (đại diện cho lực lượng quân sự đa quốc gia do Mỹ đứng đầu để hỗ trợ Hàn Quốc trong cuộc chiến tranh với Triều Tiên).

Trong tuyên bố chung, cả hai nhà lãnh đạo cũng nhấn mạnh Hàn Quốc và Triều Tiên nhất trí tích cực thực hiện các dự án hợp tác kinh tế đã được ký kết vào năm 2007 để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và sự thịnh vượng chung của hai bên. Trước hết, hai bên nhất trí thực hiện các biện pháp hướng đến sự kết nối và hiện đại hóa các tuyến đường sắt và đường bộ ở hành lang phía đông bán đảo Triều Tiên cũng như giữa Seoul và thành phố Sinuiju (Triều Tiên).

Lợi ích to lớn đối với Triều Tiên

Một hiệp định hòa bình liên Triều sẽ mở ra cánh cửa cho Tổng thống Moon Jae-in thực hiện kế hoạch phát triển ba vành đai kinh tế kết nối hai miền Triều Tiên và tạo ra các cơ hội kinh doanh và đầu tư cho các doanh nghiệp Hàn Quốc.

Tuy nhiên, với nền kinh tế nhỏ bé hơn nhiều so với Hàn Quốc, Triều Tiên sẽ là bên thắng lớn hơn, trong khi đó, các lợi ích kinh tế dành cho Hàn Quốc chỉ ở mức hạn chế. Chênh lệch kinh tế giữa Hàn Quốc và Triều Tiên là rất lớn. Hàn Quốc là nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á và lớn thứ 11 thế giới, là nhà sản xuất hàng đầu về các sản phẩm công nghệ cao. Trái lại, quy mô nền kinh tế Triều Tiên nhỏ hơn nước láng giềng phía Nam hàng chục lần.

Ngân hàng trung ương Hàn Quốc ước tính GDP của Triều Tiên trong năm 2016 khoảng 28,5 tỉ đô la Mỹ, kém rất nhiều so với GDP 1.340 tỉ đô la của Hàn Quốc. Triều Tiên phải thuộc vào Trung Quốc về nguồn cung thực phẩm và nhiên liệu.

“Phần thưởng hòa bình sẽ tạo ra những lợi ích mạnh mẽ và ngay lập tức đối với Triều Tiên hơn chứ không phải Hàn Quốc. Và đó là lý do Kim Jong-un đang thúc đẩy điều này”, Thomas Byrne, Chủ tịch Hiệp hội Hàn Quốc ở thành phố New York bình luận.

Các nhà phân tích ở công ty chứng khoán Meritz ở Seoul nói rằng, đã đến lúc hình dung đến tương lai thống nhất hai miền Triều Tiên và tập trung vào các cơ hội kinh doanh ở Triều Tiên. Nếu Triều Tiên mở cửa nền kinh tế, điều này có thể tạo ra cơn bùng nổ đầu tư trong các lĩnh vực vận tải, cơ sở hạ tầng và điện lực. Việc thống nhất hai miền Triều Tiên sẽ mang lại nguồn cung khoáng sản ổn định từ miền Bắc. Cổ phiếu của một số công ty Hàn Quốc tăng vọt trong những tuần vừa qua nhờ các kỳ vọng rằng một hiệp định hòa bình sẽ mang lại những cơ hội đầu tư đó.

Cơ hội đầu tư cho các tập đoàn Hàn Quốc

Các tập đoàn Hàn Quốc đang gấp rút đánh giá các cơ hội làm ăn ở Triều Tiên khi mối quan hệ băng giá giữa Hàn Quốc – Triều Tiên nồng ấm lên trong những thời gian gần đây.

“Khi hai miền Triều Tiên phát ra tia hy vọng về việc cải thiện quan hệ song phương vào đầu năm nay, các tập đoàn Hàn Quốc bắt đầu tái sắp xếp các lực lượng chuyên trách để chuẩn bị cho sự phát triển trong tương lai”, theo lời Jung Seong-jang, Giám đốc ban nghiên cứu chính sách thống nhất của Viện Sejong (Hàn Quốc).

Tuy ông này không nêu tên bất kỳ công ty nào nhưng những tập đoàn có các công ty hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, viễn thông và vận tải như SK, Hyundai và Samsung đang tích cực tìm kiếm các cơ hội đầu tư có thể được tạo ra sau hội nghị thượng đỉnh liên Triều.

Tập đoàn Hyundai, trước đây có những dự án hợp tác kinh tế liên Triều, thường xuyên công bố những nghiên cứu về phương hướng cải thiện quan hệ kinh tế giữa hai miền Triều Tiên. Tập đoàn Samsung được cho là nghiên cứu kế hoạch phát động các dự án kinh tế liên quan đến Triều Tiên.

“Một hiệp định hòa bình giữa hai miền Triều Tiên hoặc một mối quan hệ kinh tế được thiết lập giữa Triều Tiên và Mỹ có thể tạo ra sự thay đổi cơ bản và một cú đột phá kinh tế đối với các tập đoàn Hàn Quốc, nền kinh tế tổng thể của Hàn Quốc cũng như nền kinh tế toàn cầu”, Lee Byeong-soo, người đứng đầu nhóm luật sư nghiên cứu hợp tác kinh tế liên Triều ở công ty luật Yoon & Yang nhận định.

Ở một khía cạnh khác, mối quan hệ liên Triều được cải thiện cũng mang lại sức sống mới cho nền kinh tế Hàn Quốc vốn đang mất động lực trong những năm gần đây do năng suất dư thừa trong một loạt ngành công nghiệp, triển vọng tăng trưởng kinh tế yếu và dân số suy giảm. Nguồn lao động giá rẻ và các trữ lượng khoáng sản dồi dào ở Triều Tiên là yếu tố hấp dẫn đối với giới đầu tư Hàn Quốc và nước ngoài.

Yang Un-chul, Phó chủ tịch Viện Sejong cho biết, các nhà đầu tư nước ngoài mà ông tiếp xúc nhìn thấy cơ hội đầu tư lớn ở Triều Tiên. Họ dự báo Triều Tiên sẽ là quốc gia tiếp theo ở Đông Á hưởng tốc độ kinh tế vững mạnh.
Lương tháng trung bình của công nhân Triều Tiên được cho là khoảng 3 đô la Mỹ. Theo một báo cáo của Viện nghiên cứu tài nguyên Triều Tiên ở Seoul, Triều Tiên đang nắm giữ 200 loại khoáng sản bao gồm vàng, thiếc, sắt và nhiều loại đất hiếm có giá trị lên đến 10.000 tỉ đô la.

Tuy nhiên, giáo sư kinh tế Zang Hyoungsoo từ Đại học Hanyang ở Seoul cảnh báo đừng ngây thơ tin rằng Triều Tiên sẽ dành tất cả cơ hội cho Hàn Quốc.

“Nếu Tiều Tiên được Hàn Quốc thừa nhận như là một quốc gia bình thường và thiết lập các mối quan hệ ngoại giao chính thức, các công ty Hàn Quốc sẽ phải cạnh tranh với các công ty Trung Quốc và các nước khác để giành cơ hội phát triển cơ sở hạ tầng tại Triều Tiên”, giáo sư Zang Hyoungsoo nói.

Một lợi ích cho Hàn Quốc nếu ký kết hiệp định hòa bình với Triều Tiên là nước này sẽ dỡ bỏ được áp lực đè nặng đối với các đánh giá tín nhiệm nợ quốc gia. Bấy lâu này, các công ty xếp hạng tín dụng quốc tế viễn dẫn các rủi ro địa chính trị như là các yếu tiêu cực để đánh giá thấp tín nhiệm nợ quốc gia của Hàn Quốc.

Mời xem thêm

Tin tốt từ bán đảo Triều Tiên giúp chứng khoán châu Á tăng điểm

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới