Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Hiệp định TPP đã được ký tại New Zealand

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Hiệp định TPP đã được ký tại New Zealand

T.Thu

Hiệp định TPP đã được ký tại New Zealand
Doanh nghiệp dệt may được xem là một trong những đối tượng được hưởng nhiều lợi ích từ TPP. Ảnh minh hoạ: Thu Nguyệt

(TBKTSG Online) – Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), một trong những hiệp định thương mại đa phương lớn nhất từ trước đến nay, được bộ trưởng 12 nước thành viên chính thức ký kết hôm nay, 4-2, tại New Zealand. Bộ Công Thương cùng ngày cũng đã công bố toàn văn hiệp định TPP bằng tiếng Anh, Pháp, Tây Ban Nha và bản dịch tiếng Việt.

Theo Bộ Công Thương Việt Nam, bộ trưởng phụ trách thương mại của 12 nước tham gia TPP gồm Úc, Brunei, Canada, Chi Lê, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Hoa Kỳ và Việt Nam hôm 4-2 đã tham dự Lễ ký kết để xác thực lời văn hiệp định TPP tại Auckland (New Zealand).

Sau khi ký chính thức, các nước thành viên TPP sẽ tiến hành thủ tục phê chuẩn hiệp định này theo quy định của pháp luật mỗi nước (tức các nước thành viên TPP giờ đây có hai năm để phê chuẩn hoặc phản đối hiệp định này – PV). Hiệp định sẽ có hiệu lực sau 60 ngày kể từ ngày nhận được thông báo sau cùng bằng văn bản về việc các bên đã hoàn thành thủ tục pháp lý nội bộ.

Theo cổng thông tin Bộ Công Thương, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng đã thay mặt Chính phủ Việt Nam ký xác thực lời văn hiệp định TPP và 35 thỏa thuận song phương trong các lĩnh vực liên quan đến dịch vụ tài chính, dệt may, nông nghiệp, sở hữu trí tuệ… mà Việt Nam đã thống nhất với một số nước TPP. Các thỏa thuận song phương này sẽ có hiệu lực cùng thời điểm với Hiệp định TPP.  

Bộ Công Thương hôm 4-2 cũng công bố toàn văn hiệp định TPP bằng ba thứ tiếng gồm tiếng Anh, Pháp và Tây Ban Nha đã được các nước ký xác thực lời văn và có giá trị pháp lý như nhau cùng các thư trao đổi song phương giữa Việt Nam với một số nước TPP tại trang web http://tpp.moit.gov.vn/.

Theo những thông tin trước đó, dệt may, da giày được xem là những ngành sẽ được hưởng nhiều lợi ích từ TPP, nông nghiệp sẽ là ngành gặp nhiều thách thức nhất. Trước đó, để chuẩn bị đón đầu TPP, nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và cả doanh nghiệp trong nước đã đầu tư mới hoặc mở rộng sản xuất tại Việt Nam, đặc biệt trong ngành dệt may.

Trước đó, trong một cuộc gặp gỡ báo chí vào khoảng cuối tháng 1-2016, ông Bill Watson, Tổng giám đốc công ty Coats Phong Phú (chuyên cung cấp chỉ may cho thị trường Việt Nam, trong đó có các công ty sản xuất hàng may mặc), cho biết doanh số của công ty đã tăng trưởng tốt trong 5 năm qua và sẽ tăng trưởng mạnh hơn nhờ TPP. Hiệp định này đem lại cơ hội cho công ty nhưng cũng có nghĩa là doanh nghiệp phải chuẩn bị nhiều hơn. Ngoài ra, với TPP, cạnh tranh cũng tăng lên.

“Làm gì khi cạnh tranh tăng lên với TPP? Chúng tôi phải tốt hơn đối thủ cạnh tranh, nhưng quan trọng hơn là làm thế nào để tốt hơn. Hiện chúng tôi cũng đã có những đối thủ cạnh tranh tại thị trường trong nước, nhưng ngày càng có nhiều đối thủ cạnh tranh trên thế giới sẽ đến, điều mà chắc chắn chúng tôi sẽ gặp trong vòng 3 năm tới”, ông Bill Watson cho biết.

“Làm thế nào để tốt hơn? chúng tôi phải hiểu khách hàng muốn gì và làm sao cung ứng được nhu cầu đó. Trong TPP có yêu cầu quy tắc xuất xứ từ sợi trở đi (đối với hàng may mặc – PV). Đó là điểm mấu chốt cho thành công trong những năm đến. Hiện giờ không chỉ Coats – Phong Phú mà nhiều công ty khác phải lấy nguồn hàng từ Trung Quốc nên phải tìm các nguồn khác thay thế. Hiện 30% nguyên liệu thô của chúng tôi đến từ Tổng công ty CP Phong Phú, và chúng tôi đang có chương trình để nâng tỷ lệ này trong tương lai để đáp ứng nguyên tắc từ sợi trở đi. Nhìn chung, hiện nguồn sợi của ngành được cung cấp từ những nước ngoài TPP nên ngành phải tìm nguồn thay thế”, ông này cho biết thêm.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới