Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Hiệp hội mía đường: giá đường cao là hợp lý

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Hiệp hội mía đường: giá đường cao là hợp lý

Thái Hằng thực hiện

Ông Nguyễn Thành Long. Ảnh: Báo Diễn đàn Doanh nghiệp.

(TBKTSG Online) – Giá đường bán lẻ trên thị trường đã đạt 22.000 đồng/kg, sau một thời gian tăng giá liên tục và gây “sốt” ở các điểm bán đường bình ổn giá, trong khi các nhà máy đường ở ĐBSCL đã chính thức bước vào vụ ép từ giữa tháng 9.

Thời báo Kinh tế Sài gòn Online đã trao đổi với ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội mía đường Việt Nam về khả năng sẽ xảy ra cơn sốt đường ngay trong vụ ép 2010-2011.

TBKTSG Online: Giá đường trên thị trường TPHCM đã lên đến 22.000 đồng/kg tại các điểm bán lẻ, vì sao lại có mức giá này trong khi các nhà máy đường đã vào vụ ép từ cuối tháng 9, thưa ông?

– Ông Nguyễn Thành Long: Có thể giải thích giá đường lên cao như vậy vì hiện tại lượng đường cung cấp cho thị trường từ các nhà máy tuy đã có nhưng chưa đáng kể. Ở nhiều khu vực mía chưa chín nên nhà máy cũng chưa hoạt động hết công suất, nhưng tôi đã khuyến cáo các nhà máy vẫn phải chờ mía tiếp tục chín cho đủ chữ đường.

Trong khi đó, giá đường trên thế giới hiện nay ở mức rất cao, 600 đô la Mỹ/tấn, Thái Lan vốn là nước xuất khẩu đường lớn, nay cũng đã phải cho nhập đường. Giá đường nhập lậu qua biên giới cũng trên 19.000 đồng.

Vừa qua Bộ Công Thương cho nhập bổ sung 150.000 tấn đường nhưng các đơn vị được cấp phép ngần ngại bởi giá còn cao nên mới nhập khoảng 50.000 tấn. Theo tôi biết thì đường tồn kho của các công ty thương mại của TPHCM hiện nay như Thành Thành Công, Thực phẩm công nghệ… cũng không còn nhiều, phải chờ đường ở khu vực miền Trung, miền Bắc đưa vào, hoặc các nhà máy đường miền Tây, miền Đông Nam bộ sắp tới sẽ cung ứng thêm.

Trong nước, đường trắng tính theo giá bán buôn tại các nhà máy đang là 19.000 đồng/kg, thông qua hệ thống đại lý, mạng lưới phân phối, bán lẻ đến 4,5 cấp trước khi đến tay người tiêu dùng ở mức giá 21.000 đến 22.000 đồng/kg.

Trong ảnh là một siêu thị trưng biển bán đường mỗi người được mua một lần 3 kg – Ành : Đình Nghĩa

Tôi nghĩ mức giá này chấp nhận được ở một chừng mực nào đó vì thật sự mặt hàng này đang khan hiếm, chưa kể tâm lý của người mua cũng góp phần vào diễn biến giá cả hiện nay nhưng tình hình sẽ cân bằng trở lại theo quy luật cung cầu sau khi các nhà máy đường có đủ mía để hoạt động hết công suất.

Liệu sẽ xảy ra tình trạng các công ty lợi dụng thời cơ này ém hàng, tạo khan hiếm giả để đẩy giá lên?

-Theo tôi sẽ rất khó có tình trạng ém hàng, tạo khan hiếm giả và chỉ chừng nửa tháng nữa thôi thì các nhà máy đường đã có đủ mía để chạy hết công suất và cung ứng đủ đường cho toàn thị trường, khi đó giá đường sẽ có thể bình ổn trở lại.

Nếu khu vực miền Nam xảy ra khan hiếm, thì khu vực miền Trung và miền Bắc vẫn còn khoảng 300.000 tấn, có thể đưa vào khi cần. Chưa kể ém hàng, đẩy giá đường ở thời điểm này lên sẽ gây tình trạng chạy đua ép mía non, mà như thế sẽ lại dẫn đến thiếu hụt ngay trong vụ ép, bài học đó đã từng xảy ra trong quá khứ và đó là điều các nhà máy đường không hề muốn.

Xin cảm ơn ông !

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới