Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Hiệp hội ngành nghề và quỹ bảo lãnh đang ở đâu?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Hiệp hội ngành nghề và quỹ bảo lãnh đang ở đâu?

(TBKTSG) – Dự án khả thi, kinh doanh hiệu quả, kế hoạch đã được chuẩn bị, song các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), loại hình doanh nghiệp chiếm đa số trong nền kinh tế, đang có nguy cơ “mất trắng” vì “cơn hạn” vốn do không thể huy động từ các ngân hàng thương mại.

Một cuộc điều tra của Cục Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) năm 2006 (trước thời điểm gia tăng lạm phát) về nhu cầu vay vốn của các DNNVV đã cho thấy một kết quả rất khiêm tốn: chỉ có 32,38% doanh nghiệp có khả năng tiếp cận được nguồn vốn của các ngân hàng; 35,24% khó tiếp cận và 32,38% không tiếp cận được.

Trong khi đó, thời gian qua mô hình DNNVV ở Việt Nam phát triển mạnh cả về số lượng (tính đến năm 2007 cả nước có 250.000 DNNVV) lẫn sự đóng góp vào GDP của cả nước (khoảng 35% GDP năm 2007). Tuy vậy, trên thực tế thành phần kinh tế này lại đang gặp rất nhiều khó khăn, trong đó nhu cầu về vốn là khó khăn lớn nhất, đặc biệt là trong điều kiện thắt chặt tín dụng do lạm phát đang ở mức cao.

Người ta đã bàn nhiều về nguyên nhân gây khó cho các DNNVV trong việc vay vốn từ các tổ chức tín dụng như khả năng thế chấp thấp, uy tín doanh nghiệp hạn chế, sự minh bạch tài chính không cao, sự e ngại từ phía các ngân hàng… Nhưng xem ra đây có lẽ là vấn đề muôn thuở của DNNVV ở hầu hết các nước chứ không riêng gì ở nước ta và bản thân doanh nghiệp không dễ gì khắc phục được. 

Vì vậy, vấn đề đặt ra là cần có sự vào cuộc kịp thời của các hiệp hội ngành nghề và quỹ bảo lãnh tín dụng trong việc hỗ trợ nâng cao sự minh bạch tài chính và hỗ trợ khả năng thế chấp cũng như tín chấp của các DNNNV. 

Sự hỗ trợ của các hiệp hội ngành nghề

Việc bảo đảm về tín chấp cũng như thế chấp của các hiệp hội ngành nghề trong lĩnh vực mà doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh đã được thực hiện khá thành công ở một số nước như Mỹ, các nước EU… Tại các nước này, khi doanh nghiệp gặp khó khăn trong khâu vay vốn để sản xuất kinh doanh, các hiệp hội có thể đứng ra bảo đảm về thế chấp hoặc tín chấp đối với ngân hàng thương mại nhằm hỗ trợ doanh nghiệp có thể huy động được vốn phục vụ kịp thời kế hoạch.

Tuy nhiên, ở nước ta hiện nay các hiệp hội ngành nghề chưa thực hiện được vai trò này đối với các doanh nghiệp bởi các tổ chức này đang hoạt động mang tính “động viên phong trào” là chính. Việc hỗ trợ trực tiếp doanh nghiệp về vốn, kỹ thuật, công nghệ hầu như chưa đáng kể và đặc biệt là hỗ trợ bảo lãnh vay vốn lại còn nhiều khó khăn do bản thân các hiệp hội cũng chưa có nhiều uy tín cũng như vốn để có thể “bảo lãnh bản thân” trước các ngân hàng thương mại.

Sự hỗ trợ từ các quỹ bảo lãnh tín dụng

Việc bảo lãnh tín dụng từ các quỹ bảo lãnh sẽ khắc phục được khó khăn về thế chấp tài sản và tín chấp với vai trò là bên thứ ba bảo lãnh bằng tài sản. Hiện Chính phủ nước ta đã có quy định và có đề án hoạt động của các quỹ bảo lãnh tín dụng ở các địa phương nhưng đến nay, cả nước hiện chỉ có một số ít địa phương (năm địa phương) có quỹ bảo lãnh tín dụng.

Mô hình quỹ bảo lãnh tín dụng đã được nghiên cứu với những đề án cụ thể để triển khai và nhân rộng đã được cụ thể hóa tại các văn bản như: Quyết định 115/2004 của Thủ tướng Chính phủ ngày 25-6-2004, Thông tư số 193/2001 ngày 29-9-2001 và nhiều văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước.

Tuy nhiên, hiện mô hình này đang gặp nhiều khó khăn do các nguyên nhân khác nhau và DNNVV là đối tượng đang chịu nhiều thiệt thòi do việc triển khai chậm sự hỗ trợ này của các quỹ bảo lãnh.

Nâng cao khả năng minh bạch tài chính của doanh nghiệp 

Một thực tế hiện nay là bản thân các doanh nghiệp khi đã có đủ tài sản để thế chấp cho khoản vay thì cũng không dễ gì vay được, bởi theo “truyền thống”, ngân hàng thương mại rất e ngại và có thái độ “coi thường” các doanh nghiệp này. Việc hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc nâng cao trình độ quản lý để họ có thể chứng minh được nguồn tài sản hiện có đúng với giá trị thực của nó là hết sức cần thiết.

Làm được điều này, các doanh nghiệp có thể tự xoay xở và chứng minh được nguồn tài sản của bản thân có thể đáp ứng được khả năng thế chấp để vay vốn. Nhà nước và các tổ chức quản lý cần có sự hỗ trợ doanh nghiệp trong vấn đề này để doanh nghiệp có thể thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn của sự khó khăn và quan trọng nhất là để các ngân hàng thương mại không còn “coi thường” nguồn tài sản mà họ đang sở hữu.

PHAN THANH TỊNH – Bộ Kế hoạch và Đầu tư

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới