Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Hiệp hội Thép đề nghị cho tăng giá

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Hiệp hội Thép đề nghị cho tăng giá

VSA đề nghị cho phép tăng dần giá bán thép xây dựng – Ảnh: Lê Toàn

(TBKTSG Online) – Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) là đơn vị đầu tiên trong số các ngành hàng thiết yếu đã chính thức có văn bản gửi Thủ tướng, đề nghị cho tăng dần giá bán thép xây dựng, mặc dù mặt hàng này được chỉ đạo giữ nguyên giá bán đến hết 30-6.

Chủ tịch của VSA, ông Phạm Chí Cường cho Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online biết đề nghị này được trình lên hôm 19-6. Theo ông Cường, các thành viên của VSA đã không thể chịu được những khó khăn trong suốt thời gian qua nên đã thống nhất kiến nghị qua hiệp hội, gửi văn bản tới Thủ tướng Chính phủ, đề nghị cho phép tăng dần giá bán thép xây dựng và đảm bảo tín dụng, cung cấp đủ ngoại tệ cho các nhà sản xuất mua nguyên liệu đúng tỷ giá đã công bố.

Do Chính phủ yêu cầu giữ giá bán đến hết tháng 6 với mục tiêu kiềm chế lạm phát nên các doanh nghiệp sản xuất thép hầu hết chấp hành việc giữ giá bán từ cuối tháng 3 đến nay.

Tuy nhiên, thực tế chỉ có hai doanh nghiệp nhà nước là Công ty Gang thép Thái Nguyên và Tổng công ty Thép Việt Nam giữ nguyên giá bán kể từ tháng 4 đến nay, ở mức 14,6 đến 15,2 triệu đồng/tấn.

Các doanh nghệp cổ phần, doanh nghiệp tư nhân và liên doanh sản xuất thép đã phải tăng thêm từ 200 ngàn đồng đến 300 ngàn đồng/tấn kể từ hôm 16-6. Mức giá cao nhất hiện nay là sản phẩm thép Vina Kyoei khoảng 17,3 triệu đồng đến 17,43 triệu đồng/tấn (đối với thép cuộn và thép cây)..

Điều đáng ngại nhất với các doanh nghiệp sản xuất thép hiện tại chưa hẳn chỉ là chuyện đợi tăng giá. Cũng vì mục tiêu kiềm giá bán (giá phôi thép hiện đã vượt mức 1.150 đô la Mỹ/tấn nhưng doanh nghiệp vẫn phải bán thép thành phẩm theo mức giá nhập phôi khoảng 850 đô la Mỹ/tấn), doanh nghiệp đã sản xuất và nhập khẩu ở mức cầm chừng để cắt lỗ.

Đáng kể nhất là hiện tượng xuất khẩu ngược phôi thép, nguồn nguyên liệu mà Việt Nam phải nhập khẩu khoảng 60% cho sản xuất. Con số xuất khẩu phôi được Bộ Công Thương thống kê là hơn 100 ngàn tấn kể từ đầu năm đến nay, chủ yếu tái xuất qua các thị trường Hàn Quốc, Malaysia và Thái Lan. Cụ thể hơn, riêng 10 ngày đầu tháng 6 đã có 37.000 tấn phôi tái xuất, tháng 5 là 67.000 tấn và tháng 4 là hơn 4.000 tấn.

Lượng phôi dự trữ theo thống kê của VSA chỉ là 55.000 tấn, đủ sản xuất đến hết tháng 8 nhưng các doanh nghiệp không ký thêm hợp đồng nhập khẩu ngay từ tháng 3 do giá phôi trên thị trường đã lên đến 1.180 đô la Mỹ/tấn.

Hơn nữa, các doanh nghiệp thép không chịu nổi mức chênh lệch của tỷ giá đô la Mỹ trên thị trường tự do với tỷ giá mà Ngân hàng Nhà nước công bố. Các thành viên VSA hiện tại phải giao dịch ngoại tệ thực tế là 18.900 đồng/đô la Mỹ, cao hơn tỷ giá mà Ngân hàng nhà nước công bố là 16.600 đồng/đô la Mỹ. Mức chênh lệch này là những gánh nặng quá lớn khi doanh nghiệp phải mua đô la Mỹ trên thị trường để thanh toán các chi phí xuất-nhập khẩu bằng ngoại tệ.

Bộ Công Thương chỉ khuyến cáo các doanh nghiệp tạm dừng xuất khẩu phôi thép chứ chưa dùng đến các mệnh lệnh hành chính mạnh vì hiểu những khó khăn đó của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Quang Dương khẳng định là nếu không cho tăng giá hoặc có các hỗ trợ cần thiết khác cho doanh nghiệp đảm bảo sản xuất, để cho doanh nghiệp tái xuất phôi thép liên tục như thời gian qua thì sản xuất trong nước sẽ bị đình đốn. Ngược lại, khi cần sản xuất, doanh nghiệp lại phải nhập khẩu phôi giá cao thì con số nhập siêu những tháng cuối năm sẽ bị tác động tăng rất lớn.

NGỌC LAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới