Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Hiệp hội TMĐT: Yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng định kỳ cho ngành thuế chưa phù hợp

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Hiệp hội TMĐT: Yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng định kỳ cho ngành thuế chưa phù hợp

Vân Ly

(KTSG Online) – Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom) cho rằng việc yêu cầu cung cấp thông tin theo hình thức báo cáo định kỳ hàng tháng theo Thông tư 40/2021/TT-BTC chưa phù hợp với quy định pháp luật.

Đó là một trong những nội dung trong văn bản mà Vecom vừa phúc đáp đến Tổng cục Thuế, (Bộ Tài chính), Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) – phúc đáp công văn số 2664/TCT-DNNCN về lấy ý kiến các bước triển khai lộ trình kết nối thông tin theo Thông tư 40/2021/TT-BTC.

Hiệp hội TMĐT: Yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng định kỳ cho ngành thuế chưa phù hợp
Một sàn thương mại điện tử, phần mềm gọi xe. Ảnh minh họa: DNCC

Vì sao chưa phù hợp quy định pháp luật?

Vecom cho biết hiệp hội này đã nhận được công văn số 2664/TCT-DNNCN ban hành ngày 20-7-2021 về việc lấy ý kiến các bước dự kiến triển khai lộ trình kết nối thông tin theo Thông tư 40/2021/TT-BTC (sau đây gọi là Thông tư 40-PV). Tổng cục Thuế đề nghị Hiệp hội tổ chức lấy ý kiến các sàn giao dịch thương mại điện tử, tổng hợp ý kiến tham gia để gửi Tổng cục này chậm nhất trước ngày 27-7-2021.

Qua thu thập ý kiến một số sàn thương mại điện tử (TMĐT), Vecom đánh giá hiện nay chưa thể đưa ra lộ trình cụ thể để chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử cung cấp các hoạt động kinh doanh của cá nhân thông qua sàn. Vecom cho rằng yêu cầu cung cấp thông tin theo hình thức báo cáo định kỳ hàng tháng chưa phù hợp với quy định pháp luật.

Thứ nhất, Thông tư 40 quy định các sàn giao dịch TMĐT cung cấp thông tin liên quan đến hoạt động kinh doanh của cá nhân thông qua sàn theo yêu cầu của cơ quan thuế theo quy định của pháp luật”. Theo đó, việc cung cấp thông tin “theo yêu cầu của cơ quan thuế” phải phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành và không thể được hiểu là cung cấp thông tin, dữ liệu của khách hàng (người bán) theo hình thức báo cáo hàng tháng hoặc định kỳ.

Thứ hai, công văn 2664 nêu trên đề xuất thông tin của người bán phải được cung cấp theo hình thức dữ liệu điện tử được chuyển định kỳ hàng tháng. Đối chiếu với quy định pháp luật hiện hành, việc yêu cầu các sàn TMĐT cung cấp thông tin của người bán trên cơ sở “định kỳ hàng tháng” trở thành yêu cầu báo cáo hàng tháng của doanh nghiệp cho cơ quan thuế, do đó sẽ tạo ra một thủ tục hành chính mới cho doanh nghiệp. Việc quy định thủ tục hành chính trong Thông tư hay ban hành văn bản không thuộc hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nhưng có chứa quy phạm pháp luật là hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại khoản 2 và khoản 4, Điều 14 Luật ban hành Văn bản Quy phạm Pháp luật. Luật Quản lý Thuế cũng không quy định tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm báo cáo dữ liệu của khách hàng hàng tháng hoặc định kỳ mà chỉ yêu cầu “Cung cấp thông tin liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế theo đề nghị của cơ quan quản lý thuế” (khoản 1, Điều 29).

Thứ ba, Luật An ninh mạng, Luật An toàn thông tin mạng, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử đều yêu cầu doanh nghiệp phải có trách nhiệm bảo mật thông tin của khách hàng và chỉ được phép chia sẻ cho bên thứ ba nếu được sự đồng ý của chủ thể thông tin hoặc có yêu cầu cụ thể từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Nhưng trong bối cảnh quản lý thuế, “yêu cầu cụ thể” xảy ra khi cơ quan quản lý thuế phát hiện cá nhân nhất định kinh doanh trên sàn TMĐT đã có hành vi vi phạm rõ ràng hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật về thuế.

Thứ tư, dữ liệu mà Tổng Cục Thuế muốn các sàn TMĐT cung cấp là tài sản và là bí mật kinh doanh của các sàn và khách hàng của họ. Do vậy, trước khi thu thập dữ liệu, dù ở quy mô nào, Tổng cục Thuế cần công khai các biện pháp bảo vệ thông tin cá nhân và cơ chế giải quyết tranh chấp phát sinh trong trường hợp lộ lọt dữ liệu có thể xảy ra từ phía cơ quan nhà nước, gây tổn thất cho doanh nghiệp và cá nhân kinh doanh trên sàn TMĐT.

Phản hồi và kiến nghị của các sàn TMĐT

Vecom cho biết đối tượng các sàn TMĐT nêu tại Thông tư 40 rất rộng. do thời gian gấp nên Vecom chưa có điều kiện thu thập ý kiến từ đại diện các mô hình kinh doanh sàn khác, đặc biệt là các sàn quy mô nhỏ.

Một số sàn TMĐT cho rằng phương thức chuyển file dữ liệu qua Cổng TTĐT của Tổng cục Thuế có rủi ro lớn về bảo mật dữ liệu nên khuyến nghị không áp dụng phương thức này.

Do đó, một số sàn TMĐT đề xuất giải pháp kết nối trực tiếp. Việc kết nối nếu thực hiện cần phải nghiên cứu hình thức gửi dữ liệu một chiều từ doanh nghiệp đến Tổng cục Thuế nhằm phòng tránh các nguy cơ an ninh mạng không kiểm soát được.

Ngoài ra, để đảm bảo tính công bằng và khả thi trong áp dụng pháp luật, đề nghị Tổng cục Thuế xây dựng phương thức kết nối, cung cấp dữ liệu sao cho tất cả các sàn TMĐT đều có thể đáp ứng, không phân biệt quy mô lớn hay nhỏ mà cần dựa trên khả năng đáp ứng chung của các sàn TMĐT ở tất cả các quy mô và mô hình hoạt động khác nhau, đồng thời đảm bảo tính an toàn, bảo mật dữ liệu cao nhất.

Vecom cho biết một số sàn TMĐT chưa thu thập một số thông tin cá nhân, chẳng hạn số CMND/CCCD do thông tin này không bắt buộc theo pháp luật về TMĐT hiện hành. Việc thu thập đầy đủ thông tin cá nhân như trong Thông tư 40 hay công văn 2664 nêu trên dẫn tới thay đổi nhiều về thiết kế hệ thống do đó cần thời gian chuẩn bị. Đồng thời, các sàn cũng cần thời gian để hướng dẫn, khuyến khích, đôn đốc người bán hàng cung cấp thông tin bổ sung theo yêu cầu của Tổng cục Thuế.

Về lộ trình thực hiện, Vecom cho rằng trước khi các vấn đề nêu trên được giải quyết thoả đáng thì chưa thể đưa ra được lộ trình cung cấp thông tin khả thi.

Vecom hoan nghênh đề xuất khảo sát các sàn TMĐT của Tổng cục Thuế. Tuy nhiên, việc khảo sát sẽ chỉ hiệu quả nếu Tổng cục Thuế xây dựng xong dự thảo và gửi trước cho các sàn TMĐT ít nhất một tháng các yêu cầu kỹ thuật/chuẩn kết nối, để các sàn thu thập thông tin, cử nhân sự phù hợp phụ trách trả lời nhằm có được thông tin đầy đủ, chính xác nhất.

Trong điều kiện dịch Covid-19 căng thẳng hiện nay, đặc biệt là ở TPHCM, nơi phần lớn các sàn TMĐT đặt trụ sở, Tổng cục Thuế và Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cần xem xét lại kế hoạch khảo sát các sàn TMĐT trong tháng 8 tới.

Theo khảo sát sơ bộ của Vecom, hiện có hơn 1.000 sàn TMĐT đã đăng ký với Bộ Công Thương. Phần lớn các sàn này đều cung cấp dịch vụ cho cả doanh nghiệp và cá nhân kinh doanh trên sàn. Những loại hình sàn TMĐT phổ biến bao gồm: sàn giao dịch hàng hoá; sàn mua bán, rao vặt hàng hoá; sàn du lịch trực tuyến; sàn giao dịch mua bán bất động sản; sàn liên kết trên các trang thông tin hay báo điện tử; sàn cung cấp dịch vụ đào tạo; sàn cung cấp dịch vụ tuyển dụng nhân sự; sàn gọi đồ ăn, giao hàng; sàn gọi xe công nghệ.

Vecom đề nghị Tổng cục Thuế và Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số thông báo trước càng sớm càng tốt quy mô khảo sát, bao gồm sẽ khảo sát tất cả hay một số loại hình sàn, mỗi loại hình sẽ khảo sát bao nhiêu sàn, dự kiến đó là những sàn nào…

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới