Thứ Ba, 19/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Hiểu giá trị cốt lõi để xây dựng hợp tác xã nông nghiệp thành công

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Hiểu giá trị cốt lõi để xây dựng hợp tác xã nông nghiệp thành công

Trung Chánh

(TBKTSG Online) – Để xây dựng thành công hợp tác xã nông nghiệp, điều đầu tiên là phải hiểu được những giá trị cốt lõi mang lại của hình thức hợp tác làm ăn này.

Hiểu giá trị cốt lõi để xây dựng hợp tác xã nông nghiệp thành công
Muốn xây dựng hợp tác xã nông nghiệp thành công, việc hiểu được giá trị cốt lõi của nó là cực kỳ quan trọng. Trong ảnh là nông dân trong một hợp tác xã nông nghiệp bên ruộng lúa của mình. Ảnh: Trung Chánh

Thông điệp nêu trên được đưa ra tại hội thảo “Kinh nghiệm của Nhật Bản trong phát triển hợp tác xã nông nghiệp và tiêu thụ sản phẩm cho các hợp tác xã nông nghiệp” diễn ra ở tỉnh Đồng Tháp vào hôm nay, 24-10.

Ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Đồng Tháp cho biết, thông qua các chuyên gia Nhật Bản cho thấy một điều, đó là việc hình thành các hợp tác xã đã có bề dày lịch sử, phát triển từ xa xưa. “Đối với hợp tác xã Nhật, đã có cả trăm năm nay”, ông nói và cho biết người Nhật từ hơn 300 năm trước cũng đã học từ các nước châu Âu.

Từ bề dày lịch sử hình thành như nêu trên, theo ông Hoan, hợp tác xã mang giá trị phổ quát của nhân loại, chứ không phải do Việt Nam nghĩ ra.

Theo ông, bản thân chữ “hợp tác xã”, thì đầu tiên là phải “hợp tác”. “Hợp tác đó là giá trị cốt lõi cho tinh thần của hợp tác xã”, ông nhấn mạnh và cho rằng, muốn hợp tác thành công, thì mỗi người, nhất là lãnh đạo hợp tác xã phải hiểu được giá trị cốt lõi, tức đầu tiên phải có tinh thần “hợp tác”, tạo ra giá trị cho cộng đồng, chứ không đơn thuần mang lại lợi ích cho cá nhân.

Ông Hoan cho biết, đối với Nhật Bản, khi ông quan sát, thì hợp tác xã ở đất nước này cũng không mang lại giá trị cổ tức cho các xã viên hợp tác xã, mà nó giúp mang lại "bệ đỡ" cho cả nền nông nghiệp của Nhật Bản. “Tôi nói điều đó với các hợp tác xã trong buổi hội thảo hôm nay rằng: nếu chúng ta không biết được những giá trị cốt lõi, giá trị bền vững của hợp tác xã như là một “cứu cánh” cho ngành nông nghiệp, thì có thể chúng ta sẽ “chìm đắm” trong vô số khó khăn, thất bại”, ông cho biết.

Ông Hoan cho biết, các chuyên gia sẽ cung cấp kiến thức, kinh nghiệm, nhưng giải quyết vấn đề hợp tác xã cho người nông dân phải do những người nông dân tự giải quyết. “Những câu hỏi chúng ta đặt ra cho các chuyên gia, thì chính chúng ta phải là người trả lời với đồng ruộng của mình”, ông nhấn mạnh.

Dẫn chứng điều này, ông Hoan lấy ví dụ chuyện "làm sao để vận động người dân mạnh dạn tham gia hợp tác xã", thì các vị chuyên gia không đến để vận động người nông dân tham gia, mà chính người nông dân khi hiểu được những giá trị cốt lõi của hợp tác xã, dưới sự hỗ trợ của chính quyền, các tổ chức xã hội cùng cộng hưởng để người nông dân đạt đồng thuận cao nhất. “Các vị chuyên gia cung cấp cho ta kiến thức, kinh nghiệm nền, còn xử lý kiến thức, kinh nghiệm đó là chúng ta ở đây”, ông nói.

Trước đó, ông Kimura Yoshihisa, Cố vấn chính sách nông nghiệp và phát triển nông thôn của JICA nhấn mạnh, một trong những yếu tố quyết định thành công của hợp tác xã nông nghiệp Nhật Bản, đó là thực hiện "dồn điền, đổi thửa".

Theo ông Kimura Yoshihisa, trước khi triển khai, địa phương sẽ tập hợp các nông dân lại xem ai sẽ phụ trách thu gom; kế hoạch thu gom và sử dụng như thế nào…, tức xúc tiến kế hoạch để vận hành đất nông nghiệp khi được dồn điền đổi thửa. “Sau khi trao đổi với địa phương xong, chúng tôi tìm cách đăng ký, xin dự án hỗ trợ từ Chính phủ”, ông cho biết và nói rằng khi được phê duyệt, thì nội dung này sẽ được ghi vào kế hoạch cơ bản và chi tiết.

Với cách thức thực hiện như trên, theo ông Kimura Yoshihisa, trước năm 2012, tức trước thời điểm thực hiện dồn điền đổi thửa, tỷ lệ thu gom đất ở Nhật Bản chỉ đạt 4%, nhưng sau khi phê duyệt dồn điền đổi thửa, thì con số này đã tăng lên 71% (vào tháng 4 năm 2014) và khi kết hợp với các cơ chế hỗ trợ, thì đến tháng 7-2014, tức sau khoảng 2-3 năm thực hiện, tỷ lệ này đạt 88%.

Nhờ thực hiện chính sách đó, theo ông Kimura Yoshihisa, diện tích đất nông nghiệp trung bình của mỗi hộ kinh doanh nông nghiệp ở Nhật đã tăng lên, từ trung bình là 0,88 héc ta/hộ (năm 1970) lên 2,41 héc ta/hộ (năm 2017)

Đi liền với chính sách dồn điền đổi thửa cũng đã mang lại nhiều lợi ích cho ngành nông nghiệp Nhật Bản, mà cụ thể là cắt giảm được chi phí nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật như: đưa máy nông nghiệp quy mô lớn vào phục vụ sản xuất; cải thiện đường xá đi vào vùng sản xuất hay cắt giảm được sức lao động trong việc quản lý nước nhờ cải thiện cơ sở tưới tiêu…

“Một trong những hiệu quả rõ rệt sau khi thực hiện chính sách dồn điền đổi thửa, đó là từ năm 1964 đến 2014 thời gian lao động đã giảm được gần 80%”, ông Yoshihisa cho biết.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới