Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Hiệu quả của rừng không chỉ ở tỷ lệ phần trăm GDP

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Hiệu quả của rừng không chỉ ở tỷ lệ phần trăm GDP

Bùi Trinh

(KTSG) – Phá rừng ở Việt Nam thuộc loại nghiêm trọng nhất thế giới. Có nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân chính là do chưa thấy được tầm quan trọng của ngành lâm nghiệp. Các nhà chức trách dường như quá mê với chỉ số GDP nên mọi thứ đều được so sánh với GDP.

Hiệu quả của rừng không chỉ ở tỷ lệ phần trăm GDP
Gỗ lậu trong một vụ phá rừng bị phát hiện tại tỉnh Gia Lai. Ảnh: TTXVN

Nếu tỷ trọng của một ngành nào đó trong GDP thấp thì có vẻ như ngành đó chưa đủ quan trọng! Bài viết này dựa trên nghiên cứu nhằm lượng hóa tầm quan trọng tương đối của nhóm ngành lâm nghiệp đối với kinh tế và môi trường.

Theo Tổ chức Lương nông Liên hiệp quốc (FAO – 2005), Việt Nam có tỷ lệ phá rừng cao thứ hai trên thế giới, chỉ sau Nigeria(1). Có nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân chủ yếu là do công tác quản lý bảo vệ rừng còn yếu kém, tham nhũng. Các hình thức phá rừng vừa tinh vi vừa trắng trợn như chuyển đổi rừng, phê duyệt dự án đầu tư để phá rừng.

Để ngăn chặn nạn phá rừng, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chỉ thị đóng cửa rừng tự nhiên (Thông báo 191/TB-VPCP năm 2016); quản lý bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn và nâng cao trữ lượng carbon rừng gắn với sinh kế bền vững đến năm 2030 (theo Quyết định 419/QĐ-TTg năm 2017).

Tính toán từ bảng cân đối liên ngành cho thấy tốc độ tăng phát thải khí nhà kính (GHG) bình quân hàng năm trong giai đoạn 2010-2013 là khoảng 1,6% và giai đoạn 2013-2016 là 4,3%. Các lĩnh vực có tốc độ tăng phát thải khí nhà kính cao hơn mức trung bình cơ bản là nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo.

Nghiên cứu cho thấy các hoạt động trồng và chăm sóc rừng khiến tổng lượng phát thải khí nhà kính trong nền kinh tế giảm 14,8%. Theo ước tính, năm 2018, phát thải khí nhà kính đã tính đến sự hấp thụ CO2 của rừng còn khoảng 293,7 triệu tấn và nếu không tính đến sự hấp thụ CO2 của rừng thì khoảng 337,2 triệu tấn. Kết quả tính toán cũng cho thấy, giả sử giá trị sản xuất của việc trồng rừng tăng 10% thì lượng khí thải giảm 1,5%. Mức giảm không quá nhiều do một số ngành công nghiệp phát thải quá nhiều và có xu hướng tăng.

Điều thú vị là các tác động lan tỏa của việc trồng rừng không chỉ kích thích đối với bản thân ngành trồng rừng, mà còn lan tỏa đến các ngành khác như hoạt động khai thác gỗ và chế biến gỗ. Điều quan trọng nữa là việc sử dụng gỗ và các sản phẩm chế biến từ gỗ sẽ kích thích ngành công nghiệp trồng và chăm sóc rừng thay vì kích thích nhập khẩu, ngoài ra còn dẫn đến tăng khả năng hấp thụ CO2.

Tính toán từ mô hình cũng cho thấy, nếu chất lượng rừng tốt hơn khiến hệ số hấp thụ khí thải từ rừng tăng từ 0,03-0,04% thì tổng lượng khí nhà kính của toàn nền kinh tế có thể giảm 4,5%, nếu hệ số này tăng 0,05% thì  lượng phát thải khí nhà kính của nền kinh tế giảm 6%.

Nghiên cứu về quan hệ giữa sản phẩm cuối cùng (bao gồm tiêu dùng cuối cùng, tích lũy gộp tài sản và xuất khẩu) và giá trị sản xuất, giá trị gia tăng và phát thải khí nhà kính cho thấy xuất khẩu hàng hóa tạo ra giá trị gia tăng thấp nhưng gây phát thải khí nhà kính cao.

Trong số 293,7 triệu tấn phát thải khí nhà kính thì 40% chất thải từ sản xuất hàng xuất khẩu, 39% do sản xuất các sản phẩm cho tiêu dùng cuối cùng và 21% do sản xuất sản phẩm để hình thành tích lũy gộp tài sản (bao gồm thay đổi về tài sản cố định và thay đổi hàng tồn kho). Lưu ý rằng khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm khoảng trên 70% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, do đó, rất có thể khu vực FDI là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm không khí ở Việt Nam. Nhưng trớ trêu thay, xuất khẩu và khu vực FDI lại nhận được rất nhiều ưu đãi, từ chính sách thuế, đất đai và thái độ ứng xử.

Qua nghiên cứu cũng cho thấy, để nâng cao giá trị xuất khẩu gỗ và nâng cao tỷ lệ hấp thụ khí thải, cần chú trọng đến cơ cấu rừng trồng theo hướng chuyển đổi sang rừng trồng luân canh dài ngày.

Tóm lại để nền kinh tế phát triển bền vững Việt Nam cần: thay đổi quy trình công nghệ của các ngành gây phát thải nhiều khí nhà kính lớn để giảm phát thải; không khuyến khích các ngành công nghiệp chế biến có hệ số phát thải lớn; không được chặt phá rừng và chú ý trồng, chăm sóc, bảo tồn rừng để nâng cao chất lượng rừng, làm tăng hệ số hấp thụ chất thải nhà kính.

(1) Butler, Rhett A. (2005) “Nigeria has worst deforestation rate, FAO revises figures

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới