Thứ Ba, 19/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Họ đã bị bỏ quên quá lâu!

Đức Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng cho biết có khoảng 2,1 triệu trong tổng số 3,5 triệu người các tỉnh, thành trong cả nước làm việc tại TPHCM, Long An, Bình Dương, Đồng Nai có nguyện vọng về quê sau khi TPHCM và một số nơi nới lỏng lệnh giãn cách trong tháng 10 này.

Không rõ tất cả 2,1 triệu người có nguyện vọng ấy có về quê hết hay không, nhưng nhìn vào những đoàn người tấp nập rời thành phố và các tỉnh lân cận suốt tuần lễ đầu của tháng 10 cũng có thể đoán số người rời đi có thể đến hàng triệu và buồn thay trong trùng trùng người rời đi này có rất nhiều trẻ em còn ẵm ngửa.

Hãy thử hình dung, những người này trước khi dịch bùng phát chắc hẳn làm việc ở đâu đó, không công nhân trong nhà máy thì cũng là nhân viên nhà hàng, quán ăn… Họ phần đông là những người chấp nhận làm ở những vị trí lương thấp, điều kiện làm việc cực nhọc… điều mà người lao động tại chỗ ít muốn làm. Việc cùng một lúc có hàng trăm ngàn, hàng triệu nhân công rời đi như vậy chắc chắn để lại cho TPHCM và các tỉnh lân cận một lỗ hổng khổng lồ về nhân lực không thể khỏa lấp được, ít nhất là trong những tháng trước mắt.

Không chỉ có vậy, một số lượng lớn người lao động rời đi còn đồng nghĩa nền kinh tế TPHCM và các tỉnh mất đi nguồn sức mua không nhỏ. Cứ giả sử mức chi tiêu của một người chỉ 1,5 triệu đồng/tháng thôi, nếu nhân với hàng trăm ngàn hoặc hàng triệu người thì sẽ thấy thiệt hại cho nền kinh tế khu vực là không nhỏ.

Ngoài ra còn phải kể đến những gánh nặng về kinh tế và xã hội ở những địa phương có người trở về nữa. Việc họ phải rời quê lên thành phố tìm kế sinh nhai, có nghĩa là ngay trong điều kiện bình thường họ đã gần như không thể tìm được việc làm ở quê nhà, hoặc tiền công không đủ sống. Đó là chưa kể tiền công họ nhận được khi còn làm việc ở thành phố còn là chỗ dựa cho cuộc sống của không ít người khác. Có lẽ, ngay lúc này, câu hỏi “về quê thì sinh sống bằng gì” họ chưa nghĩ đến, nhưng đó vẫn là vấn đề nan giải đối với chính người trở về và cả với các địa phương.

Không khó để nhận ra trong dòng người đang rời thành phố về quê hiện nay đa phần là những người thuộc tầng lớp yếu thế và dễ bị tổn thương nhất ở chốn đô thị, và tất nhiên họ cũng là những người dễ bị các chính sách lãng quên nhất.

Suốt thời gian dài, nền kinh tế TPHCM và các tỉnh lân cận đã dựa vào họ để đáp ứng “cơn khát” lao động chân tay, nhưng hình bóng của họ trong chính sách an sinh xã hội của các địa phương, từ nơi ăn chốn ở đến điều kiện học hành cho con cái họ, hầu như rất mờ nhạt, thậm chí có thể nói là vắng bóng.

Dường như, suốt thời gian dài vai trò và đóng góp của những người lao động chân tay và ít học này đối với nền kinh tế TPHCM và các tỉnh lân cận đã không được coi trọng đúng mức, ít nhất là cho đến hiện nay, khi mà họ đã dứt áo ra đi và để lại cho các địa phương một lỗ hổng khó lấp đầy về nguồn lao động chân tay nhưng không thể thiếu này.

Giờ đây, TPHCM và các tỉnh đã tính đến việc “chào đón” người lao động trở lại. Nếu quan sát đồ đạc mà mỗi người rời đi mang theo, có thể khẳng định là họ đã “dọn nhà” để về quê. Vì vậy, chào mời họ quay lại là vô cùng khó khăn, ít nhất là khi nỗi sợ hãi mang tên “phong tỏa”, “ai ở đâu thì ở yên đó” và vô số hàng rào ngăn chặn trên đường về nhà còn đang hiển hiện trong tâm trí họ.

Có thể nói, ở thời điểm hiện tại, tuyên truyền để những người lao động này ở lại hoặc trở lại gần như là không thể, trừ phi chính quyền TPHCM và các địa phương có thể đưa ra những cam kết cụ thể và rõ ràng để người lao động cảm thấy cuộc sống của họ khi trở lại được bảo đảm.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới