Thứ Ba, 19/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Hồ sơ Panama: Thủ tướng Iceland từ chức

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Hồ sơ Panama: Thủ tướng Iceland từ chức

Phúc Minh

Hồ sơ Panama: Thủ tướng Iceland từ chức
Thủ tướng Iceland Sigmundur David Gunnlaugsson phải từ chức trước sức ép của công luận. Ảnh: Independent

(TBKTSG Online) – Hàng trăm ngân hàng trên thế giới bị phát hiện có tên trong Hồ sơ Panama, tiết lộ tài sản và giao dịch tài chính ngầm ở nước ngoài của nhiều người có ảnh hưởng trên thế giới – trong đó có các chính trị gia, lãnh đạo doanh nghiệp, người nổi tiếng…

Giới chuyên gia nhận định các ngân hàng thành lập các công ty ở nước ngoài nhằm phục vụ kế hoạch kinh doanh và mở rộng thị trường nhưng cũng có thể để phục vụ rửa tiền và trốn thuế.

Tuy nhiên, các ngân hàng được nhắc tên đều tuyên bố những năm gần đây, họ đã thay đổi chính sách. Nhiều người có tên trong tài liệu rò rỉ cũng lập tức phủ nhận cáo buộc họ vi phạm luật.

Xuất hiện tên hàng trăm ngân hàng

Báo Epochtimes dẫn báo Le Monde (Pháp) ước tính 365 ngân hàng trên thế giới đã sử dụng dịch vụ của hãng luật Mossack Fonseca (Pháp), chuyên tạo dựng các công ty ở nước ngoài.

Ngày 5-4, báo Le Monde cho biết 3 ngân hàng lớn là HSBC (Anh), UBS và Credit Suisse (Thụy Sĩ) đã thành lập hơn 4.500 công ty ở nước ngoài thông qua hãng luật Mossack Fonseca. Cụ thể, HSBC thành lập 2.300 công ty ở nước ngoài, Credit Suise thành lập 1.105 công ty ở nước ngoài, USB thành lập 1.100 công ty ở nước ngoài.

Credit Suisse và HSBC đã bác cáo buộc sử dụng các công ty "bình phong" ở nước ngoài để giúp khách hàng gian lận thuế. Giám đốc điều hành Credit Suisse, ông Tidjane Thiam, khẳng định Credit Suisse luôn hoạt động theo quy định của luật pháp và không bao giờ lập ra các công ty bình phong ở nước ngoài để giúp khách hàng trốn thuế. Trong khi đó, HSBC cho rằng tài liệu rò rỉ có thể đã xảy ra trước khi ngân hàng này tiến hành cuộc cải cách mô hình kinh doanh. Theo HSBC, đây là những cáo buộc mang tính "lịch sử" vì có vài trường hợp đã xảy ra trước đó 20 năm, trong khi ngân hàng này đã hoạt động theo mô hình mới, có tính minh bạch hơn, trong vài năm gần đây.

Cùng ngày, Viện công tố thủ đô Rome (Ý) tuyên bố chuẩn bị mở cuộc điều tra 3 ngân hàng Ý – là Unicredit, Ubi Banca và Banca Immobilare – bị tố cáo có liên hệ với hãng luật Mossack Fonseca để chuyển tiền ra các quỹ đầu tư ở các "thiên đường thuế", không phải nộp thuế tại Ý.

Trước đó vào ngày 4-4, truyền thông Đức tiết lộ ít nhất 28 ngân hàng Đức, trong đó có cả những ngân hàng lớn như Deutsche Bank và Commerbank, đã sử dụng dịch vụ của hãng luật Mossack Fonseca. Theo báo Suddeutsche Zeitung (Đức), các ngân hàng nước này đã tạo ra hay điều hành hơn 1.200 công ty ở nước ngoài cho các khách hàng. Chỉ riêng ngân hàng hàng đầu nước Đức Deutsche Bank, đến năm 2007, đã sử dụng hơn 400 công ty kiểu này.

Ngày 4-4, Ngân hàng Hoàng gia Canada (RBC) – ngân hàng cho vay lớn nhất Canada – phủ nhận có bất kỳ hoạt động sai phạm nào sau khi bị phát hiện có tên trong Hồ sơ Panama. RBC khẳng định luôn áp dụng các “tiêu chuẩn cao” nhằm đảm bảo không một công ty nước ngoài nào có thể sử dụng tài khoản tại ngân hàng này để trốn thuế ở Canada hay bất kỳ đâu. Trước đó, hãng tin CBC (Canada) cho biết RBC đã sử dụng dịch vụ của hãng luật Mossack Fonseca để giúp các khách hàng thành lập ít nhất 370 công ty.

Thủ tướng Iceland từ chức

Ngày 5-4, Thủ tướng Iceland Sigmundur David Gunnlaugsson buộc phải từ chức sau khi Hồ sơ Panama tiết lộ ông đã sử dụng một công ty ở nước ngoài để che giấu các khoản đầu tư trị giá hàng triệu bảng Anh – theo BBC.

Trước đó vào ngày 4-4, hàng ngàn người dân Iceland đã bao vây tòa nhà quốc hội yêu cầu ông Gunnlaugsson từ chức. Nhiều người nói chính trị gia này đã làm mất niềm tin của công chúng sau khi bị cáo buộc ông cùng vợ sở hữu một công ty có tên trong Hồ sơ Panama.

Trước đó nữa, các đảng đối lập từng yêu cầu tiến hành cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với thủ tướng.

Ban đầu, ông Gunnlaugsson khẳng định không làm điều gì sai sau vụ tiết lộ Hồ sơ Panama nhưng sau đó đã từ chức vào chiều ngày 5-4 khi sức ép ngày càng tăng.

Hồ sơ Panama chứa lượng dữ liệu khổng lồ, nêu đích danh các cá nhân liên quan đến hãng luật Mossack Fonseca. Ông Gunnlaugsson là một trong hàng chục lãnh đạo hoặc cựu lãnh đạo trên thế giới bị nêu danh trong các tài liệu này. Mặc dù không có bằng chứng khẳng định ông Gunnlaugsson đã hành động bất hợp pháp nhưng các tài liệu cho thấy trong thời gian ông Gunnlaugsson giám sát các cuộc thương lượng với chủ nợ của các ngân hàng Iceland, công ty của ông đã kiếm lợi đáng kể từ việc các ngân hàng này bị phá sản.

Ý, Nga điều tra công dân có tên trong Hồ sơ Panama

Ngày 5-4, Viện công tố thành phố Turin (Ý) tuyên bố mở một cuộc điều tra các công dân, ngân hàng và công ty Ý có tên trong Hồ sơ Panama. Viện công tố Turin đã yêu cầu cảnh sát tài chính Ý thu thập các hồ sơ, số liệu và danh sách cụ thể của những cá nhân và công ty nước là khách hàng của hãng luật Mossack Fonseca.

Trước đó, tuần báo thời sự chính trị nổi tiếng của Ý l'Espresso, liên minh với báo Suddeutsche Zeitung, đã cung cấp danh sách 1.000 khách hàng Ý có quan hệ với hãng luật Mossack Fonseca, trong đó nhiều người có ảnh hưởng lớn tại Ý. Hiện, tất cả những người Ý nổi tiếng có tên trong Hồ sơ Panama đều từ chối bình luận hoặc phủ nhận sự dính líu của họ. L'Espresso tuyên bố sẽ đăng toàn bộ danh sách những người Ý có tên trong Hồ sơ Panama trong số ra ngày 8-4 và khẳng định đây sẽ là cú sốc đối với Ý.

Ngày 5-4, Viện công tố liên bang Nga cũng cho biết sẽ kiểm tra thông tin được công bố trên các phương tiện truyền thông trong và ngoài nước , về các cá nhân và công ty Nga được cho là sở hữu các công ty và tài khoản ở nước ngoài có tên Hồ sơ Panama. Mục đích của việc kiểm tra là xác định xem liệu hành động của các công dân Nga được đề cập trong Hồ sơ Panama có phù hợp với các quy định của luật pháp Nga, luật pháp quốc tế hay không.

Reuters đưa tin ngày 5-4, Bộ trưởng Tài chính Pháp Michel Sapin tuyên bố nước này sẽ đưa Panama trở lại danh sách đen gồm những nước không hợp tác về thuế quan.

Đọc thêm:

>> Hồ sơ Panama: các chính phủ bắt tay điều tra trốn thuế

>> Hậu hồ sơ Panama: Úc điều tra hàng trăm người…

>> Những điều cần biết về Hồ sơ Panama gây sốc

>> "Hồ sơ Panama": Những tiết lộ chấn động

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới