Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Hồ tiêu đến hồi thoái trào?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Hồ tiêu đến hồi thoái trào?

Ngọc Hùng

Hồ tiêu đến hồi thoái trào?
Khi không kiểm soát được diện tích tăng ngoài quy hoạch, hồ tiêu Việt Nam đặt cược vào bài toán nông dân giữ lại hồ tiêu như một công cụ để kiểm soát giá trên thị trường. Ảnh: NH

(TBKTSG Online) –  Sau khi chạm ngưỡng gần 200.000 đồng/kg, giá hồ tiêu bắt đầu giảm và giảm mạnh trong vài tuần trở lại đây, hiện ở mức 150.000 đồng/kg. Câu hỏi đặt ra là có phải giá hồ tiêu đang ở giai đoạn thoái trào, hay mức giá hiện tại mới là giá thực và phản ánh đúng yếu tố cung cầu của thị trường?

Diện tích tăng nên giá phải giảm

Khoảng vài tuần trở lại đây, giá tiêu trên thị trường bắt đầu có những ngày "rơi tự do", từ mức gần 200.000 đồng/kg vào tháng 9-2015 xuống quanh mức 150.000 đồng/kg trong ngày cuối cùng của tháng 2-2016. 

Theo ông P.S, giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu hồ tiêu, có hai nguyên nhân khiến giá hồ tiêu giảm. Đầu tiên, mới đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng, cơ quan chức năng của Việt Nam chính thức công bố con số diện tích trồng hồ tiêu của Việt Nam chạm ngưỡng 100.000 héc ta, cao gấp hai lần quy hoạch và cũng vượt xa con số mà Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) dự báo trước đây.

“Trong các loại hàng hóa, đặc biệt là nông sản, yếu tố cung cầu luôn là một nhân tố quyết định giá một mặt hàng nào đó và hồ tiêu không phải là một ngoại lệ”, ông nói. Theo ông P.S, khi Việt Nam mới có 50.000 héc ta, lượng hồ tiêu của Việt Nam chiếm 30% sản lượng quốc tế và chiếm 50% lượng hồ tiêu thương mại toàn cầu, tức là cứ 2 kg hồ tiêu buôn bán trên thế giới thì có 1 kg sản xuất ở Việt Nam.

Vì thế, nếu sản lượng hồ tiêu của Việt Nam bị ảnh hưởng bởi một yếu tố nào đó như hạn hán, sâu bệnh… thì giá sẽ bị đẩy lên. Ngược lại, khi Việt Nam chính thức công bố con số 100.000 héc ta hồ tiêu, các công ty thương mại sẽ căn cứ vào đó để tính lượng hồ tiêu mà Việt Nam sản xuất và xuất khẩu.

“Nếu căn cứ trên năng suất trung bình của hồ tiêu Việt Nam là 2,6 tấn/héc ta, sau khi trừ đi diện tích hồ tiêu mới trồng chưa cho thu hoạch thì sản lượng hồ tiêu mà Việt Nam có thể sản xuất năm nay tối thiểu là 200.000 tấn. Như vậy, áp lực thiếu hụt nguồn cung hồ tiêu của thế giới không còn, và căn cứ trên yếu tố này, giá hồ tiêu sẽ giảm”, ông S. nói.

Nguyên nhân thứ hai, theo ông P.S là mới đây, Tây Ban Nha đã cảnh báo hạt tiêu đen của từ Việt Nam có hàm lượng chất diệt nấm Carbendazim vượt quá giới hạn. Tuy quốc gia này mới áp dụng biện pháp kiểm soát đặc biệt chứ chưa có tạm ngưng nhập khẩu hồ tiêu Việt Nam, nhưng thông tin này lại là cái cớ cho các công ty thương mại thế giới viện dẫn để “ép giá” hồ tiêu Việt Nam.

Nông dân sẽ tạm trữ nếu giá giảm

Giá hồ tiêu của Việt Nam bắt đầu tăng mạnh từ nửa cuối năm 2010 khi đạt mức 80.000 đồng/kg (tháng 7-2010) và liên tiếp tăng giá, đạt đỉnh gần 200.000 đồng/kg vào tháng 9-2015. Giá trị xuất khẩu hồ tiêu cũng tăng tương ứng từ 419 triệu đô la Mỹ trong năm 2010 lên 1,26 tỉ đô la Mỹ vào năm 2015, tăng gần ba lần sau năm năm.

Vậy giá hồ tiêu Việt Nam sẽ như thế nào sắp tới?

Trả lời câu hỏi này của TBKTSG Online, ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), cho biết giá hồ tiêu trên thị trường sẽ không thể tăng mãi mà đến một mức nào đó sẽ phải giảm. Vấn đề còn lại là với vị thế là một cường quốc trồng và xuất khẩu hồ tiều số 1 thế giới, Việt Nam sẽ làm gì để kiểm soát giá hồ tiêu trên thị trường mới là điều quan trọng.

Cách làm lâu nay của nông dân là khi giá hồ tiêu giảm, họ sẽ trữ lại, chưa bán ra vội. Lúc đó, thị trường sẽ không có thêm nguồn cung, giá hồ tiêu sẽ phải ổn định, không thể giảm thêm. Sau đó, khi thấy giá ở mức có lợi, nông dân, doanh nghiệp mới bán ra. Đó là lý do vì sao những năm qua, có những tháng thời điểm giá hồ tiêu trên thị trường giảm nhưng nhìn vào số liệu của cả một năm thì giá hồ tiêu của Việt Nam đều có xu hướng tăng lên.

Theo ông Nam, khác với cây cà phê, trong những năm qua, giá hồ tiêu cao, người nông dân đã trở nên khá giả, vì thế, khi giá hồ tiêu xuống thấp, nông dân trồng hồ tiêu không bị áp lực về nguồn tài chính để trang trải cho các chi phí sinh hoạt của gia đình nên có thể giữ lại để điều tiết thị trường.

“Những năm qua giá hồ tiêu tăng một phần nhờ nông dân dùng chiến lược bán khi giá tăng, ngưng bán ra khi giá giảm nên điều tiết được giá cả thị trường hồ tiêu thế giới”, ông Nam nói.

Xem thêm

>>> Đã có cảnh báo về chất lượng hồ tiêu Việt Nam

>>> Giá cao đẩy diện tích hồ tiêu tăng gấp đôi quy hoạch

>>> Lợi nhuận từ trồng điều chỉ bằng 7% so với hồ tiêu

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới