Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Hồ Tonle Sap khô cạn, ĐBSCL tiếp tục bị hạn mặn gay gắt

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Hồ Tonle Sap khô cạn, ĐBSCL tiếp tục bị hạn mặn gay gắt

Trung Chánh

(TBKTSG Online) – Hồ Tonle Sap (Campuchia) nơi điều hòa nguồn nước vào mùa khô cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang thiếu hụt nước ở mức báo động. Thực trạng này dẫn đến dự báo trong mùa khô 2020-2021, vùng ĐBSCL tiếp tục đối mặt với đợt hạn, mặn gay gắt không thua kém các đợt hạn, mặn lịch sử vừa qua.

Thiếu nước về ĐBSCL, Chính phủ cảnh báo hạn ngay mùa lũ

Hồ trữ ngọt mới hoạt động đã bị mặn ‘tấn công’, Bến Tre lại muốn xây hồ to hơn

Hồ trữ nước ngọt ở Bến Tre, bị nhiễm mặn vẫn được đánh giá hiệu quả

 

Hồ Tonle Sap khô cạn, ĐBSCL tiếp tục bị hạn mặn gay gắt
Một nhánh sông chính trong vùng dự án ngọt hóa Gò Công (Tiền Giang) cạn trơ đáy trong mùa khô 2019-2020. Ảnh: Trung Chánh

Biển hồ "hụt" nước nghiêm trọng

Thông tin cảnh báo nêu trên được đưa ra tại buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc với các địa phương ĐBSCL về chủ động ứng phó với hạn, xâm nhập mặn mùa khô 2020-2021 diễn ra vào chiều nay, 23-9, tại tỉnh Tiền Giang.

Ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, từ đầu tháng 6 đến ngày 20-9,  tổng lượng mưa ở khu vực thượng nguồn Trung Quốc thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 25% và cao hơn cùng kỳ năm 2019 khoảng 10%; tổng lượng mưa ở vùng thượng lưu sông Mêkông ở mức cao hơn trung bình nhiều năm và năm 2019 từ 10-25%, trong khi vùng trung và hạ lưu thấp hơn trung bình nhiều năm và năm 2019 từ 25-45%.

Còn về nguồn nước mặt, theo ông Hà, tính đến ngày 20-9, mực nước tại các trạm ở thượng lưu sông Mêkông thấp hơn trung bình nhiều năm từ 2,5-4 mét và cao hơn cùng kỳ năm 2019 từ 0,5-1,5 mét; mực nước ở các trạm trung, hạ lưu sông Mêkông ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm từ 3-5,5 mét và thấp hơn cùng kỳ năm 2019 từ 1,3-7,2 mét.

Trong khi đó, mực nước tại Biển hồ Campuchia (hồ Tonle Sap)- nơi giữ vai trò điều hòa nguồn nước vào mùa khô cho vùng ĐBSCL- đang ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm 4,35 mét, thấp hơn năm 2015- năm tạo ra đợt khô hạn mùa khô 2015-2016 và năm 2019- năm tạo ra đợt khô hạn của mùa khô 2019-2020 từ 2,2-2,6 mét.

Cụ thể, dung tích hồ Tonle Sap hiện tại chỉ đạt khoảng 6,36 tỉ m3, thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 39,5 tỉ m3, thấp hơn cùng kỳ năm 2015 và 2019 từ 13 đến 16,9 tỉ m3.

Mực nước hồ Tonle Sap đầu mùa lũ 2020 cũng ở mức thấp kỷ lục trong chuỗi số liệu 25 năm gần đây. Điều này, được xác định là do nước lũ chảy vào từ dòng chính sông Mêkông và mưa trên các lưu vực quanh hồ rất ít.

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, từ giữa tháng 8-2020, khu vực Trung và Nam Lào xuất hiện mưa lớn và hình thành một vài đợt lũ nhỏ trong thời gian ngắn, tuy nhiên, mực nước đỉnh lũ vẫn còn hấp hơn trung bình nhiều năm 0,5 mét.

Báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường về nguồn nước ở vùng thượng và trung lưu sông Mêkông cho thấy, tổng lượng nước mùa lũ (từ ngày 1-6 đến 20-9), tại trạm Kratie (Campuchia)- trạm không chế toàn bộ nước trên dòng chính sông Mêkông về hạ lưu- bị sụt giảm rất mạnh, xuống mức thấp nhất trong vòng 25 năm qua, đạt khoảng 91,9 tỉ m3, chỉ bằng 45% trung bình nhiều năm và thấp hơn cùng kỳ trung bình nhiều năm khoảng 106,5 tỉ m3. Mực nước này cũng thấp hơn cùng kỳ năm 2015 khoảng 42,8 tỉ m3 và năm 2019 khoảng 47,7 tỉ m3.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi làm việc diễn ra vào chiều 23-9, ở Tiền Giang. Ảnh: Trung Chánh

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, tổng lượng nước mùa lũ năm 2020 tính đến thời điểm hiện tại là thấp nhất lịch sử.

Trong khi đó, tính đến giữa tháng 9-2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, các hồ chứa vùng thượng nguồn vẫn ở mức thấp hoặc rất thấp, cần phải tích nước thêm.

Theo đó, các hồ chứa của Lào chỉ đạt khoảng 70% tổng dung tích; của Thái Lan đạt 55%; của Campuchia là 40%, trong khi ở các tỉnh Tây Nguyên của Việt Nam chỉ đạt 20%

Theo đánh giá của các chuyên gia, những quốc gia ở thượng nguồn sẽ tiếp tục gia tăng tích nước vào các hồ chứa do việc tích nước trong các hồ của họ vẫn chưa đạt như mong muốn. Điều này, chắc chắn sẽ còn tiếp tục ảnh hưởng đến nguồn nước về vùng ĐBSCL thời gian tới.

Hạn, mặn lịch sử sẽ tái diễn?

Từ dự báo nguồn nước như nêu trên, ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, mùa khô 2020-2021, khu vực ĐBSCL tiếp tục bị tác động gay gắt bởi khô hạn và xâm nhập mặn.

Cụ thể, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đưa ra hai kịch bản dự báo xâm nhập mặn trong mùa khô 2020-2021, trong đó, kịch bản thuận lợi, tức mưa trên lưu vực sông Mêkông xuất hiện nhiều hơn trung bình nhiều năm vào các tháng cuối năm 2020, thì mức độ xâm nhập mặn sẽ tương đương mùa khô 2015-2016.

Trong khi đó, trường hợp nếu mưa trên lưu vực sông Mêkông tiếp tục thiếu hụt như đã xảy ra từ đầu mùa mưa đến nay, thì xâm nhập mặn có thể đạt mức tương đương mùa khô 2019-2020.

 

Đập ngăn mặn xâm nhập vào vùng sản xuất xã Minh Thuận, huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang. Ảnh: TTXVN

Với kịch bản khô hạn tương đương như mùa khô 2015-2016, theo ông Cường, tổng diện tích lúa vụ đông xuân 2020-2021 ở ĐBSCL bị ảnh hưởng vào khoảng 85.000 héc ta, trong khi diện tích cây ăn trái là khoảng 50.000 héc ta và có khoảng 70.600 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt.

Trong khi đó, với kịch bản hạn mặn như mùa khô 2019-2020, thì có khoảng 98.000 héc ta diện tích lúa đông xuân bị ảnh hưởng; khoảng 82.000 héc ta diện tích cây ăn và có khoảng 70.600 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt.

Kết luận tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, việc thiếu nước về ĐBSCL một phần nguyên nhân có liên quan đến việc sử dụng nguồn nước sông Mêkông ở thượng nguồn. "Vì vậy, các bộ, ngành cần có giải pháp quốc tế để giải quyết vấn đề này", Thủ tướng chỉ đạo và yêu cầu trong nội tại vùng cũng cần có giải pháp quản lý việc khai thác nước ngầm, sử dụng nước tiết kiệm cũng như phòng chống phá rừng.

Liên quan đến vấn đề nước sinh hoạt cho người dân, Thủ tương yêu cầu không để người dân nào phải thiếu nước sinh hoạt. "Các địa phương phải có giải pháp và kế hoạch thực hiện để hỗ trợ người dân như xây dựng hồ chứa, hỗ trợ dụng cụ trữ nước cho người dân", Thủ tướng yêu cầu.

Trong khi đó, đối với sản xuất nông nghiệp, Thủ tướng yêu cầu phải giữ được sản lượng lúa, cây ăn trái và thủy sản để phục vụ nhu cầu xuất khẩu. "Để đảm bảo được việc này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như các địa phương phải có giải pháp chủ động thay đổi cơ cấu cây trồng và cơ cấu mùa vụ sản xuất", Thủ tướng gợi ý.

Đối với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải theo dõi thường xuyên diễn biến nguồn nước để có dự báo kịp thời, giúp các địa phương chủ động ứng phó và phục vụ chỉ đạo sản xuất kịp thời, hiệu quả…

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới