Thứ Ba, 3/10/2023, 07:12
26 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


Hỗ trợ DNNVV: vẫn còn nhiều khúc mắc

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Hỗ trợ DNNVV: vẫn còn nhiều khúc mắc

Hà Linh

Hỗ trợ DNNVV: vẫn còn nhiều khúc mắc
Dự thảo Luật DNNVV chưa xác định chính xác từng loại doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp vừa và doanh nghiệp siêu nhỏ. Ảnh: TL

(TBKTSG Online) – Dự thảo Luật hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), dự kiến sẽ được trình Quốc hội thông qua vào tháng 5-2017, được cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng sẽ có những chính sách mới, thực sự tạo ra được những chuyển biến lớn trong việc thúc đẩy các DNNVV phát triển như tinh thần hỗ trợ doanh nghiệp và khởi nghiệp của Chính phủ tại các nghị quyết 19, 35 năm 2016.

Mặc dù dự thảo luật này đã được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2, nhưng nội dung của dự thảo luật chưa thể hiện được như kỳ vọng. Nhiều ý kiến cho rằng dự thảo luật giống như nghị quyết, chỉ định hướng, xác định các nguyên tắc, tên gọi của các giải pháp hỗ trợ mà chưa xác định rõ chủ thể hỗ trợ, đối tượng nhận hỗ trợ, nội dung hỗ trợ hay cách thức vận hành, một số biện pháp hỗ trợ không có bất kỳ dự liệu gì về cơ chế hỗ trợ cũng như hệ quả tương ứng.

Dù là luật dành cho DNNVV, nhưng dự thảo luật cũng chưa xác định chính xác từng loại doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp vừa và doanh nghiệp siêu nhỏ, mà giao cho Chính phủ xác định trên cơ sở các tiêu chí tối đa: có dưới 300 lao động và một trong 2 tiêu chí gồm tổng nguồn vốn của năm trước không quá 100 tỉ hoặc doanh thu của năm trước không quá 300 tỉ. Về các tiêu chí này, rất nhiều ý kiến cho rằng chưa cụ thể về đối tượng để có nội dung hỗ trợ tương ứng, chưa tập trung vào đối tượng cần hỗ trợ nhất và doanh nghiệp siêu nhỏ. Trong khi đó, Ngân hàng thế giới và thông lệ quốc tế từ lâu đã xác định doanh nghiệp siêu nhỏ là đối tượng cần hỗ trợ chính nếu có dưới 10 lao động và tổng giá trị tài sản dưới 100.000 đô la Mỹ, tổng doanh thu dưới 100.000 đô la Mỹ. Việc áp dụng đồng thời 3 tiêu chí sẽ bảo đảm chính xác, tránh cách hiểu khác nhau.

Dự thảo luật hiện nay vẫn đưa ra việc lựa chọn tiêu chí có thể dẫn đến áp dụng không thống nhất giữa doanh nghiệp và cơ quan hỗ trợ, gây phiền hà cho doanh nghiệp nhận hỗ trợ.

Các tiêu chí cần phù hợp với thực tế và có cơ sở để xác định. Ví dụ như tiêu chí lao động rất khó xác định chính xác vì thực tế số lao động do doanh nghiệp kê khai thường không đúng số với lao động làm việc, cơ quan chức năng khó kiểm chứng; chỉ có số lao động đóng bảo hiểm xã hội là có thể xác định được thông qua cơ quan bảo hiểm xã hội. Nhưng, như vậy số doanh nghiệp được hỗ trợ sẽ giảm đi rất nhiều, nhất là các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ thường sử dụng lao động không đóng bảo hiểm xã hội.

Dự thảo luật hiện chưa có bất kỳ quy định nào về thủ tục hành chính xác nhận DNNVV để hưởng các biện pháp hỗ trợ chung hay các biện pháp hỗ trợ mục tiêu. Đây là vấn đề rất được doanh nghiệp quan tâm vì các thủ tục này tác động trực tiếp tới hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp trên thực tế, để doanh nghiệp cảm thấy được Nhà nước hỗ trợ theo các tiêu chí, thủ tục minh bạch, không phải “xin – cho”. Các thủ tục này cần được thực hiện theo hướng việc xác nhận là tự động dựa trên tài liệu chứng minh hợp pháp (về lao động, giá trị tài sản, doanh thu…) mà doanh nghiệp xuất trình bởi chính cơ quan, đơn vị cung cấp hỗ trợ, đơn vị xác nhận là chính cơ quan, đơn vị cung cấp hỗ trợ.

Đối với các biện pháp hỗ trợ có mục tiêu cụ thể, luật cũng cần các tiêu chí để xác định các DNNVV thuộc diện được hưởng lợi, hạn chế tối đa hiện tượng lạm quyền, nhũng nhiễu trong việc quyết định chủ thể hưởng lợi, nhất là đối với các đối tượng nhỏ và yếu, mới gia nhập thị trường, tạo cơ hội thuận lợi nhất để tiếp cận các hỗ trợ mà luật quy định. DNNVV khởi nghiệp sáng tạo được quy định đặc điểm rất chung chung, hầu như không thể xác định được. Ví dụ: khi nào thì DNNVV được xem là có ý tưởng dựa trên khai thác “công nghệ, mô hình kinh doanh mới”, khi nào là “có khả năng tăng trưởng nhanh”; doanh nghiệp tham gia liên kết ngành, chuỗi giá trị với các điều kiện rất thiếu rõ ràng “sản phẩm có lợi thế cạnh tranh về chất lượng và giá thành”, “đổi mới sáng tạo liên quan tới quy trình công nghệ, vật liệu…. nhằm phát triển công nghiệp phụ trợ”; đồng thời, không có điều kiện nào gắn với mục tiêu “tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị”,…

Chính vì quy định không cụ thể, chưa xác định rõ các đối tượng cần hỗ trợ, nên Ban soạn thảo chắc chắn cũng chưa thể đưa ra đánh giá tác động có bao nhiêu doanh nghiệp được hưởng lợi, lợi ích của việc nâng cao sức cạnh tranh, gia nhập thị trường của doanh nghiệp như thế nào khi luật được ban hành, ngân sách sẽ tăng hay giảm thu, Nhà nước cần bao nhiêu nguồn lực để hỗ trợ.

Để luật này thực sự trở thành khuôn khổ hỗ trợ DNNVV thực chất và hiệu quả, các biện pháp hỗ trợ DNNVV phải được xác định rõ về quy trình, cách thức thực hiện, nguồn, các điều kiện hỗ trợ và chủ thể thực hiện hỗ trợ. Đây là yêu cầu tiên quyết, cốt lõi để các biện pháp hỗ trợ thực sự khả thi và có hiệu quả trên thực tế, khắc phục các biện pháp hỗ trợ chung chung như hiện nay. Các cơ chế, chủ thể tham gia vào việc hỗ trợ DNNVV phải chặt chẽ, hiệu quả, với trách nhiệm rõ ràng, công bằng, phù hợp năng lực và phạm vi hoạt động.

Mặc dù có ý tưởng xây dựng các biện pháp hỗ trợ DNNVV ở 7 biện pháp hỗ trợ chung (tín dụng, thuế, mặt bằng, công nghệ, thị trường, thông tin, nhân lực) và 3 nhóm biện pháp hỗ trợ mục tiêu (chuyển đổi hộ kinh doanh, khởi nghiệp sáng tạo và chuỗi liên kết), nhưng dự thảo luật chưa có được quy định nào cụ thể về các nguyên tắc, đối tượng, cách thức, điều kiện thực hiện các biện pháp này. Một số trường hợp có quy định về biện pháp hỗ trợ thì hoặc là chỉ dẫn chiếu tới pháp luật khác hiện đang có hiệu lực, không có gì mới, cũng không có gì ưu tiên cho DNNVV, hoặc là quá chung chung, hoặc là không khả thi.

Một số biện pháp hỗ trợ chỉ có tên gọi, hoàn toàn không xác định được nội dung hỗ trợ, cơ sở pháp lý hay cách thức vận hành, như biện pháp hỗ trợ tiếp cận tín dụng không có bất kỳ quy định gì về biện pháp này, không chỉ ra được biện pháp hỗ trợ tiếp cận tín dụng này thực chất là biện pháp gì, chưa nói tới chuyện các biện pháp đó sẽ vận hành như thế nào, nguồn từ đâu, cho đối tượng nào…chỉ giao cho Chính phủ với quy định “Trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, Chính phủ quyết định các cơ chế, biện pháp khuyến khích và tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng đẩy mạnh cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa”.

Nếu quy định như vậy, thực chất là không quy định gì vì Chính phủ vẫn đang triển khai các cơ chế, biện pháp thúc đẩy tín dụng cho DNNVV.

Đối với các biện pháp thuế, bảo lãnh tín dụng, cho vay ưu đãi đầu tư, cho thuê mặt bằng, nguồn nhân lực, thông tin, tư vấn,… cũng không có bất kỳ chính sách nào mới mà doanh nghiệp hy vọng được thực hiện, chủ yếu là dẫn chiếu, luật hóa các quy định hiện hành. Một trong những hỗ trợ trực tiếp được doanh nghiệp kỳ vọng là chính sách thuế thì chỉ quy định nguyên tắc thấp hơn so với mức thuế thu nhập doanh nghiệp thông thường, nhưng không rõ mức thuế suất thấp hơn là thấp hơn bao nhiêu, việc dẫn chiếu các quy định của thuế thu nhập doanh nghiệp dẫn đến cách hỗ trợ khác nhau vì pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp hỗ trợ theo dự án, không hỗ trợ theo quy mô doanh nghiệp với các tiêu chí lao động, tổng giá trị hay doanh thu.

Các loại quỹ hỗ trợ được đưa vào luật như: Quỹ bảo lãnh tín dụng, Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, Quỹ phát triển DNNVV nhưng đều chưa rõ địa vị pháp lý, chức năng, nguồn lực Nhà nước hay tư nhân, cơ chế vận hành có gì khác biệt giữa các quỹ và khác với hoạt động của các tổ chức tín dụng hiện nay.

Một số ý kiến khác cho rằng dự thảo luật cũng chưa làm rõ cách tiếp cận hỗ trợ các đối tượng trung gian như đối tượng thực hiện hoạt động tư vấn, dịch vụ hỗ trợ theo hướng minh bạch và công bằng, dễ tiếp cận. Việc dự thảo luật đưa vào một số quy định về nhiệm vụ của hiệp hội DNNVV có thể dẫn đến hiểu là hiệp hội này tập trung các dịch vụ hỗ trợ từ nguồn lực của Nhà nước vào một “kênh” duy nhất. Thay vào đó luật cần xác định nguyên tắc Nhà nước đấu thầu công khai các dịch vụ hỗ trợ để tất cả các hiệp hội, doanh nghiệp có năng lực tham gia, các cơ quan chức năng chỉ làm nhiệm vụ giám sát, kiểm tra việc thực hiện, các bộ ngành không nên trực tiếp tổ chức các hoạt động hỗ trợ, tư vấn, quảng bá thương hiệu, xúc tiến dịch vụ,… Đây là thông lệ tốt ở nhiều nước đã thực hiện hỗ trợ DNNVV như Mỹ, Singapore, Malaysia, Nhật,…, phù hợp với chức năng của các cơ quan quản lý nhà nước và mở cửa tiếp cận dịch vụ công về hỗ trợ doanh nghiệp cho các đối tượng khác trong xã hội.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới