Thứ Năm, 18/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Hỗ trợ lãi suất vay vốn lưu động vẫn chưa đủ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Hỗ trợ lãi suất vay vốn lưu động vẫn chưa đủ

Các doanh nghiệp kiến nghị cần có nhiều hỗ trợ hơn từ phía Nhà nước ngoài việc hỗ trợ lãi suất vay vốn lưu động – Ảnh: T.TRIỀU

(TBKTSG Online) – Đại diện các hiệp hội ngành nghề TPHCM đã kiến nghị cần có các biện pháp hỗ trợ nhiều hơn nữa để nâng cao tính cạnh tranh trong tình hình khó khăn hiện nay, tại cuộc họp với lãnh đạo Bộ Công Thương và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 12-2. 

Hỗ trợ vốn cho xúc tiến thương mại  

Ông Nguyễn Chiến Thắng, đại diện Hội mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM (HAWA), cho biết cái khó nhất của các doanh nghiệp ngành gỗ là thiếu thị trường và đơn hàng xuất khẩu. Khó khăn này đã có từ đầu năm 2008 do chi phí sản xuất tăng cao, lãi suất tăng khiến giá thành sản phẩm tăng lên và các bạn hàng đã bỏ đi.

Ông Thắng kể câu chuyện Hội chợ đồ gỗ VIFA dự kiến được tổ chức vào tháng 3 sắp tới nhằm mục đich quảng bá thương hiệu và sản phẩm của các doanh nghiệp trong nước, ban tổ chức đã mời được số khách hàng gần 600 khách hàng nước ngoài đến tham gia. Tuy nhiên, do tình hình tài chính khó khăn, 20% số doanh nghiệp đăng ký tham gia trưng bày tại hội chợ đã xin rút mặc dù đã đóng tiền cọc.  

Ông Thắng cho biết số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi hội chợ có thể tăng lên trong thời gian tới, điều này có thể ảnh hưởng đến hình ảnh ngành gỗ Việt Nam trong mắt bạn hàng quốc tế nếu quá ít doanh nghiệp tham gia hội chợ. Ông kiến nghị các cơ quan chức năng có thể xem xét và hỗ trợ kinh phí cho các doanh nghiệp không có điều kiện tài chính có thể tiếp tục tham gia hội chợ.    

Trả lời ngay tại buổi họp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên đã yêu cầu HAWA có văn bản chính thức trình bộ trong ngày mai để bộ xem xét và sau đó gửi Bộ Tài chính nhằm tìm nguồn vốn hỗ trợ cho các doanh nghiệp tiếp tục tham gia hội chợ vào tháng 3 này.  

Ông Biên cũng kêu gọi tất cả các hiệp hội ngành nghề khác cần rà soát lại các kế hoạch xúc tiến thương mại ra nước ngoài nhằm mục tiêu chính là đẩy mạnh xuất khẩu. Nếu chương trình nào cần sự hỗ trợ từ phía Nhà nước thì phải nhanh chóng có kiến nghị bằng văn bản cụ thể với Bộ Công Thương. Tuy nhiên, các kiến nghị này cần có căn cứ xác đáng như khả năng ký kết được hợp đồng xuất khẩu mới là bao nhiêu thì mới thuyết phục được các cơ quan chức năng hỗ trợ.

Hỗ trợ lãi suất cho đầu tư  

Hầu hết đại diện các hiệp hội ngành nghề có mặt đều rất ủng hộ chính sách hỗ trợ 4% lãi suất vay vốn lưu động phục vụ sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên tất cả đều cho biết cần sự hỗ trợ dài hơi hơn.  

Ông Phạm Trung Cang, Phó chủ tịch Hiệp hội nhựa Việt Nam kiến nghị nhà nước cần có biện pháp ưu đãi lãi suất cho các doanh nghiệp đầu tư mua máy móc thiết bị, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trong thời gian tới. “Nhà nước cần có một chương trình hỗ trợ dài hơi về lãi suất cho các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, tạo tiền đề vững chắc cho việc phát triển của doanh nghiệp trong thời gian tới”.  

Chia sẻ ý kiến trên, ông Trần Thiện Hải, Chủ tịch Hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết do suy thoái toàn cầu nên các mặt hàng đều giảm giá bán, kể cả các loại máy móc thiết bị sản xuất và đây là một cơ hội hiếm có cho các doanh nghiệp đầu tư công nghệ.

“Các doanh nghiệp hiện đang rất mong muốn có nguồn vốn trung hạn được ưu đãi lãi suất để có thể đầu tư hoàn thiện quá trình công nghệ, đảm bảo chất lượng cho sản phẩm”, ông Hải nói.  

Ông Hải cũng cho biết hiện nay 70% các hộ nuôi thủy sản đã “treo” ao vì gặp khó khăn do giá nguyên liệu thủy sản như tôm, cá basa đã tăng mạnh. Trong thời gian tới, việc cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam càng khó khăn hơn vì giá thành sản phẩm tăng.

Vì thế, doanh nghiệp hiện rất cần nguồn vốn trung hạn để phát triển nguồn nguyên liệu đầu vào cho mình, trong khi việc hỗ trợ lãi suất cho vay vốn lưu động chỉ kéo dài tối đa tám tháng. Ông kiến nghị việc hỗ trợ này nên kéo dài ít nhất là 1-1,5 năm thì doanh nghiệp mới yên tâm phát triển nguồn nguyên liệu cho mình.  

Trong khi đó, ông Phạm Chí Cường, Tổng thư ký Hiệp hội thép Việt Nam cho biết nhiều công trình của các doanh nghiệp đầu tư sản xuất phôi thép đang trong giai đoạn dở dang nhưng do thiếu vốn phải ngừng lại. Ông kiến nghị các cấp có thẩm quyền nên rà soát lại và có cơ chế hỗ trợ cho các doanh nghiệp này có điều kiện hoàn thành việc đầu tư dở dang của mình.

Các doanh nghiệp cũng đã kiến nghị cần nới rộng thêm biên độ dao động tỷ giá để khuyến khích xuất khẩu trong thời gian tới. Đồng thời, doanh nghiệp cũng mong muốn được vay để trả các khoản nợ cũ và vay mới để hưởng ưu đãi lãi suất (đảo nợ).

Có mặt tại buổi hội thảo, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Đồng Tiến cho biết ông tiếp thu tất cả các ý kiến của doanh nghiệp và cho biết sẽ kiến nghị các đề xuất trên đến các cấp có thẩm quyền.

THỦY TRIỀU

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới