Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Hỗ trợ ngư dân bị vướng vì… tập quán

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Hỗ trợ ngư dân bị vướng vì… tập quán

Một chiếc ghe ở Đầm Môn chuẩn bị ra khơi – Ảnh: Hồng Văn

(TBKTSG Online) – Ngư dân đi biển được Nhà nước hỗ trợ tiền dầu theo quyết định 289 của Chính phủ và gần đây còn được nâng thêm mức hỗ trợ. Tuy nhiên, do tập quán đi biển của ngư dân lâu nay, việc hỗ trợ trở nên khó thực hiện.

Theo Cục Khai thác và Bảo vệ Nguồn lợi thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), tổng mức hỗ trợ dự kiến của 28 tỉnh, thành có ngư dân đi biển trong nước là hơn 1.900 tỉ đồng – trong đó hỗ trợ giá dầu chiếm hơn 1.600 tỉ đồng, nhưng hiện chỉ có một vài địa phương ngư dân đã nhận tiền hỗ trợ với vài tỉ đồng.

Tập quán đi “bạn”

Từ 11 tuổi đã theo cha lênh đênh trên biển, nay ông Nguyễn Hợp, Trưởng thôn Đầm Môn, xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa đã 50 tuổi và là chủ chiếc ghe 47 sức ngựa (CV) thường neo đậu cách sân nhà ông chưa đầy 200 mét. Nhà ông Hợp sát biển, chỉ vài bước chân là từ trong nhà đã ra tới mép nước và cạnh chiếc ghe nhà ông là ghe của một người con trai cũng có công suất tương tự.

Nhờ vũng Đầm Môn thường sóng yên biển lặng nên nguồn cá tôm dồi dào so với các vùng biển khác của Khánh Hòa, cả thôn có 500 hộ dân thì có tới hơn 100 chiếc ghe đậu ken kín cả bãi biển sát xóm Giữa của thôn.

Theo ông Hợp, những người dân trong thôn có ghe thì lo bám biển, còn hộ không có ghe thì nuôi tôm hùm bằng lồng, hay làm các nghề như buôn bán cá, khuân vác nhưng đa phần nhà nào không có ghe cũng có một hay hai người đi “bạn”, một dạng làm thuê cho chủ ghe mà ngôn ngữ hành chính nói văn vẻ là thuyền viên.  

Cũng nhờ Đầm Môn có nghề biển phong phú, không đi ghe ra khơi thì nuôi tôm cá bằng lồng bè, nên không chỉ ghe của dân Đầm Môn mà dân ở các nơi khác ở trong huyện, thậm chí là ở tỉnh Phú Yên gần đó đổ về đây đi “bạn”. Ghe của các tỉnh khác, các vùng khác cũng thường neo đậu ở đây để bán tôm mực sau một chuyến đi, mua dầu và kiếm “bạn” cho chuyến đi khác.

Trước đây, khi nguồn tôm cá dồi dào, cứ hai hay ba đêm một lần, ông Hợp nổ máy ra khơi, nay do giá dầu tăng cao mà cá mực cũng cạn kiệt dần nên cả tháng có khi ông chỉ nổ máy ra khơi có 3-4 lần, vì càng bám biển, càng thua lỗ.

“Mỗi lần đi, chỉ cần tôi hú một tiếng là có “bạn”, hay kẹt quá thì con tôi đi “bạn” cho ghe của tôi rồi tới khi ghe của nó đi biển, tôi đi “bạn” trở lại”, ông Hợp nói.

Khi rủ nhau đi “bạn” cũng như chia nhau cá mực đánh bắt được, anh em trên ghe đều thỏa thuận… bằng miệng.

Ông quả quyết với kinh nghiệm mấy chục năm bám biển của mình, rằng không chỉ ở Đầm Môn, mà cả dải đất ven biển hình chữ S của Việt Nam, ở đâu ngư dân đi biển cũng có tập quán đi “bạn” tương tự như Đầm Môn, tức tất cả thỏa thuận đều bằng miệng, từ rủ nhau ra khơi cho tới chia nhau tiền cá sau khi bán được, khác chăng chỉ là cách gọi của mỗi vùng miền.

Ông Biện Văn Tình, Chủ tịch UBND xã biển Ninh Hải của huyện Ninh Hòa, cũng ở bên bờ vịnh Văn Phong như Đầm Môn, cho biết xã có 6 thôn thì thôn Đông Hải có nhiều ghe đi biển nhất và tập quán đi “bạn” đã ăn sâu vào đời sống của ngư dân có lẽ từ hàng trăm hay hàng ngàn năm qua.

“Ghe lớn thì nhiều người đi “bạn”, ghe nhỏ thì ít, có khi nhỏ quá thì cũng chẳng cần người đi “bạn” mà chủ yếu là cha con hay anh em trong gia đình cùng đi với nhau”, ông Tình nói.

Ngư dân đi biển của Ninh Hòa, hay các huyện khác trong tỉnh và của các tỉnh bạn mà ông Tình cũng từng biết qua đi biển, đều có cách đi “bạn” khá giống nhau là chủ ghe lo phần cơm nước, cá mực thu được bán lấy tiền chia thành hai phần theo tỷ lệ nào đó mà hai bên thống nhất miệng với nhau hay theo tập quán riêng của từng vùng. Một phần thuộc về chủ ghe, phần còn lại là dành cho những người đi “bạn” chia nhau.  

Trường hợp chẳng đánh bắt được gì thì xem như chủ ghe lỗ phần tiền dầu, tiền cơm, còn người đi “bạn” xem như không được trả công.

Đi biển phải có danh sách, có hợp đồng lao động

Những chiếc ghe đánh cá ven bờ công suất nhỏ của ngư dân xã Ninh Hải, Ninh Hòa khó lòng nhận được hỗ trợ tiền dầu vì “thuyền viên” không có mua bảo hiểm tai nạn – Ảnh: HỒNG VĂN

Quyết định 289 của Thủ tướng Chính phủ ký ngày 18-3 năm nay nhằm hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ thuộc diện chính sách, hộ nghèo và ngư dân và ngày 21-7, phần hỗ trợ tiền dầu được tăng lên theo quyết định số 965/2008/QĐ-TTg. Riêng phần ngư dân, ngoài hỗ trợ đóng mới ghe thuyền thì phần quan trọng nhất là hỗ trợ tiền dầu cho ngư dân ra khơi.  

Theo quyết định mới này, đối với tàu có công suất máy từ 90 CV (mã lực) trở lên, mức hỗ trợ tăng từ 8 triệu đồng lên 10 triệu đồng cho 1 chuyến đi đánh bắt hải sản. Với các loại tàu nhỏ hơn như tàu từ 40-90 CV, mức hỗ trợ tăng từ 5 triệu đồng lên 6,5 triệu đồng, tàu dưới 40 CV thì hỗ trợ tăng từ 3 triệu đồng lên 4 triệu đồng. Số lần hỗ trợ trong một năm là 5, 4, và 3 lần tương ứng với các tàu có công suất máy 40 CV, 40-90 CV và 90 CV trở lên. Việc hỗ trợ được thực hiện trong năm 2008.

Tuy nhiên, một trong những điều kiện để được hỗ trợ tiền dầu là chủ tàu phải có mua bảo hiểm tai nạn đối với thuyền viên, tức là đối với người đi “bạn” theo cách nói của người dân biển.

“Biển khơi rất mênh mông, mình ra biển thấy nhỏ nhoi lắm và cũng nhiều hiểm nguy, nên nghề biển, họ gọi nhau là đi “bạn”, đồng cam cộng khổ khi lênh đênh trên biển, chứ không phân biệt chủ ghe hay người làm thuê như kiểu trong công ty, nhà máy để mà ký hợp đồng lao động hay mua bảo hiểm”, ông Hợp nhận xét.

Như vậy, chủ ghe muốn có bảo hiểm tai nạn đối với thuyền viên thì phải có hợp đồng lao động với người đi “bạn” nếu chủ ghe là doanh nghiệp tư nhân hoặc ít ra phải có danh sách thuyền viên của chủ ghe, rồi sau đó mới mua bảo hiểm. Trong khi đó, những người đi “bạn” là nay đây mai đó, rảnh thì đi “bạn” kiếm chút tiền, chút cá mực cho gia đình, hay hôm nay đi “bạn” cho ghe này, mai lại đi ghe khác và vài hôm sau hết mùa cá thì về quê nếu ở xa. Với đặc thù như vậy, ông Hợp bảo khó mà ký hợp đồng lao động, khó mà lập danh sách mua bảo hiểm.

Còn trường hợp người đi “bạn” tự mua bảo hiểm thì khó khăn không kém khi mà chính họ chẳng biết hôm nào mình đi biển, hôm nào có ghe gọi mình đi “bạn” hay không. Còn chủ ghe thì không thể hỏi người đi “bạn” có bảo hiểm hay chưa vào buổi tối trước khi lên ghe.

Ông Tình, người đang tham gia vào việc xét chọn ghe được hỗ trợ trong xã, nói vui: “Điều kiện hợp đồng lao động với thuyền viên và mua bảo hiểm tai nạn cho thuyền viên thì cả ngàn chiếc ghe may ra có một chiếc có, mà có khi chiếc có này cũng là để… đối phó cho hợp thủ tục nhận hỗ trợ”.

Chỉ còn cách… vận động

Ông Nguyễn Quang Châu, Giám đốc Chi nhánh Công ty bảo hiểm Bảo Minh tại Khánh Hòa, địa phương có nghề biển phát triển trong nước, cho biết tỉnh có hàng ngàn chiếc ghe đánh cá nhưng lâu nay, chỉ có một vài chiếc ghe đánh bắt xa bờ, công suất lớn của các doanh nghiệp tư nhân là có mua bảo hiểm tai nạn cho thuyền viên nhưng cũng chỉ đối phó với cơ quan chức năng vì họ là doanh nghiệp. Chẳng hạn ghe có 20 người đi biển thì họ mua bảo hiểm cho 4-5 người.

Gần như phần lớn các ghe đánh cá nhỏ của tư nhân không mua bảo hiểm cho thuyền viên vì chính họ cũng không biết thuyền viên của ghe mình là ai.

“Theo quy định của bảo hiểm tai nạn thuyền viên thì phải ghi tên cụ thể của thuyền viên trên phiếu bảo hiểm làm căn cứ để đền bù nếu xảy ra tai nạn nhưng chủ ghe không thể lập được danh sách thuyền viên của mình”, ông Châu nói.

Mặc dù quyết định 289 hỗ trợ 100% tiền bảo hiểm tai nạn cho thuyền viên nhưng ông Châu cho biết đến giờ, việc mua bảo hiểm dạng này vẫn rất hiếm.

Ông Nguyễn Chiến Thắng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà, cho biết hiện tại trong tỉnh, chỉ có các ghe đánh cá công suất lớn được đóng bằng nguồn vốn vay ngân hàng thì có mua bảo hiểm cho thuyền viên theo quy định khi ký hợp đồng vay vốn ngân hàng nhưng số ghe dạng này không nhiều. Do vậy, tỉnh đã thành lập một ban chỉ đạo lo giải quyết hỗ trợ tiền dầu cho ngư dân theo hướng vận động chủ ghe lập danh sách thuyền viên và mua bảo hiểm cho thuyền viên.

“Quy định chặt chẽ của Chính phủ và Bộ Tài chính trong hỗ trợ tiền dầu không chỉ đơn thuần là làm sao đồng tiền hỗ trợ đến tay đúng đối tượng cần hỗ trợ, mà còn định hướng lâu dài cho công nghiệp đánh bắt thủy sản đi vào nề nếp, bài bản, bỏ dần tập quán cũ hiện nay với nhiều rủi ro cho ngư dân”, ông Thắng cho hay.

Ông Thắng cho rằng tập quán đi “bạn” theo kiểu lâu nay thì công nghiệp đánh bắt thủy sản Việt Nam khó mà phát triển, không hình thành được đội ngũ thuyền viên chuyên nghiệp, có kinh nghiệm trong khi bờ biển dài, ngư trường rộng lớn.

HỒNG VĂN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới