Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Hóa đơn và gian lận

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Hóa đơn và gian lận

(TBKTSG) – Chuyện dài “hóa đơn đỏ” có khả năng sẽ chấm dứt vào ngày 1-1-2011 khi Nghị định 51/2010 của Chính phủ bắt đầu có hiệu lực. Kể từ ngày đó, sẽ không còn cảnh doanh nghiệp chầu chực xếp hàng để xin mua hóa đơn từ cơ quan thuế bởi họ được nghị định nói trên trao quyền tự in hoặc tự đặt in hóa đơn, thậm chí còn được khuyến khích nên sử dụng hóa đơn điện tử.

Cũng phải mất mấy năm để ý tưởng doanh nghiệp tự in hóa đơn được triển khai trong thực tế. Có lẽ ai cũng từng đọc những mẩu tin về việc doanh nghiệp ma đăng ký ra đời chỉ nhằm mục đích mua “hóa đơn đỏ” rồi biến mất. Hiện tượng lợi dụng khe hở của luật pháp để dùng hóa đơn gian lận thuế, xin hoàn thuế khống cũng từng có lúc rộ lên ở nhiều địa phương.

Vì thế, để việc cải cách hành chính trong lĩnh vực hóa đơn thành công, đi kèm với việc doanh nghiệp được tự in hóa đơn, cũng cần phải thay đổi phương pháp quản lý thuế. Doanh nghiệp phải là nơi tự khai, tự tính và tự nộp thuế. Nhiệm vụ của cơ quan thuế là tạo điều kiện cho doanh nghiệp nộp thuế dễ dàng nhất. Vấn đề còn lại là giám sát, kiểm tra đột xuất hay ngẫu nhiên để phát hiện các trường hợp gian lận thuế và phạt thật nặng. Làm sao để chi phí có thể phải gánh chịu khi gian lận thuế vượt quá mức chịu đựng của doanh nghiệp thì sẽ không còn ai dám khai gian nữa.

Nếu trước nay, “hóa đơn đỏ” là loại hóa đơn dùng chung, doanh nghiệp nào cũng giống nhau nên dễ gian lận, sắp tới mỗi doanh nghiệp có một loại hóa đơn riêng, tính trách nhiệm với tờ hóa đơn của mình phát ra sẽ được nâng cao, việc mua bán “hóa đơn đỏ” sẽ biến mất.

Việc không còn “hóa đơn đỏ” cũng có thể làm thay đổi thói quen không đòi hóa đơn của người tiêu dùng, họ sẽ cần nó không vì mục đích tính thuế mà để làm bằng chứng mua bán phòng khi có tranh chấp hay khiếu nại chất lượng sản phẩm. Biết đâu nhờ thế mà hiện tượng thất thu thuế do khai giấu doanh số sẽ giảm bớt.

Tuy nhiên, từ nay đến ngày 1-1-2011 không còn bao lâu nữa và vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Trước hết là Tổng cục Thuế phải hoàn thiện dự thảo thông tư hướng dẫn thực hiện nghị định nói trên để Bộ Tài chính kịp ban hành trong tháng này. Vẫn còn nhiều vấn đề kỹ thuật mà doanh nghiệp vẫn đang còn thấy vướng mắc như trách nhiệm của nhà in, yêu cầu đóng con dấu trên từng hóa đơn, chữ ký của cả bên mua bên bán…

Về phía doanh nghiệp, họ cần những quy định chi tiết, cụ thể trong một thông tư như thế để bắt đầu soạn mẫu hóa đơn riêng cho mình để hóa đơn cũng có thể là phương tiện quảng bá cho doanh nghiệp. Họ cũng phải thương lượng để ký hợp đồng in ấn tại các nhà in tin cậy, và phải tập huấn cho nhân viên.

Quan trọng hơn, với các doanh nghiệp lớn, họ cần soạn thảo những phần mềm mới để tích hợp hóa đơn vào các chương trình kế toán để quản lý doanh thu, quản lý hàng hóa. Với hóa đơn điện tử, công đoạn này còn cần nhiều thời gian hơn nữa để chạy thử và phát hiện trục trặc trước khi đưa vào sử dụng.

Trong 350.000 doanh nghiệp sẽ phải tự in hay tự đặt in hóa đơn, chỉ có khoảng 10.000 doanh nghiệp là đã quen với công việc này. Thiết nghĩ, Tổng cục Thuế nên có những biện pháp cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ sao cho gánh nặng xếp hàng mua “hóa đơn đỏ” không biến thành gánh nặng đặt in hóa đơn cho chính mình.

Thời báo Kinh tế Sài Gòn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới