Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Hòa nhạc thính phòng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Hòa nhạc thính phòng

Thu Hà

Hai nghệ sĩ Nguyễn Tấn Anh và Nguyễn Trực Thuyên sẽ tham gia buổi hòa nhạc – ảnh ban tổ chức cung cấp.

(TBKTSG Online) – Chương trình hòa nhạc thính phòng do Nhà hát giao hưởng nhạc vũ kịch TPHCM tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 9-8 lúc 20 giờ tại Nhà hát Thành phố (7 Công trường Lam Sơn, quận 1, TPHCM).

>>> Đêm hòa nhạc piano & voice

>>> Hòa nhạc cổ điển

>>> Hòa nhạc số 39

Chương trình gồm hai phần. Phần đầu sẽ giới thiệu chương một và chương ba của bản “Sonate dành cho Cello giọng Mi thứ” do nhà soạn nhạc đồng thời là nghệ sĩ dương cầm người Đức Johannes Brahms viết, Nguyễn Tấn Anh (cello) và Phạm Diệu Thảo (piano) trình tấu.

Được biết, khi được mời về Vienna vào năm 1862, Brahms đã hoàn tất các chương của bản sonate dành cho cello. Ban đầu ông định sáng tác một bản sonate gồm bốn chương, nhưng trong khi còn đang tìm kiếm chất liệu cho chương thứ tư thì ông lại quyết định bỏ đi chương chậm, tức là chương cuối cùng trong ba chương gốc đã viết. Sau đó, ông mất đến 3 năm để đi tìm một đoạn kết xứng tầm, và khi đặt những nét chấm phá cuối cùng hoàn thiện tác phẩm vào tháng 6-1865, ông đã cho ra đời bản sonate cello được xem là hay nhất kể từ thời của Beethoven.

Kế tiếp, Cho Hae Ryong (soprano), Đào Nhật Quang (clarinet) và Joo Eun Young (piano) sẽ diễn tấu “Tập ca khúc Đức” dành cho giọng nữ cao, kèn clarinet & piano của Louis Spohr.

Louis Spohr là một nhà soạn nhạc, chỉ huy dàn nhạc và nghệ sĩ vĩ cầm người Đức. Ông viết “Tập ca khúc Đức” vào năm 1837 theo lời đề nghị của Hermstedt, nhân danh công chúa Sonderhausen đặt viết một tác phẩm bao gồm những ca khúc dành cho giọng nữ cao với phần đệm dành cho clarinet và piano.

Ý tưởng này đã thực sự hấp dẫn Spohr và ông chỉ mất một vài tuần để hoàn tất tập ca khúc này. Ông gọi đó là “Tập ca khúc Đức” và dâng tặng cho công chúa Sonderhausen. Mặc dù sở trường của Spohr là thể loại âm nhạc giao hưởng, nhạc kịch và thính phòng, nhưng “Tập ca khúc Đức” vẫn đem lại thành công cho ông.

Nghệ sĩ Cho Hae Ryong và Noh Hye Ri

Phần sau chương trình sẽ giới thiệu đến khán giả bản “Sonata dành cho clarinet và piano” của Camille Saint-Saens, do Đào Nhật Quang và Joo Eung Young biểu diễn.

Charles Camille Saint-Saëns là một nghệ sĩ dương cầm, nghệ sĩ đại phong cầm, nhà soạn nhạc, chỉ huy dàn nhạc người Pháp vào cuối thời kỳ Lãng mạn. Ông nổi tiếng với các tác phẩm như “Lễ hội muông thú”, “Samson Delilah”, “Concerto Piano số 2”, “Concerto Cello số 1”, “Giao hưởng số 3” (Giao hưởng với đàn Organ)… Và 3 bản sonate dành cho kèn gỗ (Op. 166-168), trong đó có “Sonate dành cho Clarinet và Piano” mà ông sáng tác vào những năm cuối đời là những tác phẩm được rất nhiều nghệ sĩ yêu thích.

Chương trình sẽ khép lại bằng bản “Ngũ tấu piano giọng La trưởng” của Antonin Dvorak, do Tăng Thành Nam (violin 1), Nguyễn Trúc Thuyên (violin 2), Bùi Anh Sơn (viola), Nguyễn Tấn Anh (cello) và Lý Giai Hoa (piano) thể hiện. Antonín Leopold Dvořák là một nhà soạn nhạc người Séc vào cuối thời kỳ âm nhạc Lãng Mạn, người đã vận dụng những cấu trúc quen thuộc của âm nhạc dân gian vùng Moravia và quê hương Bohemia vào trong những sáng tác của mình.

“Ngũ tấu Piano giọng La trưởng”, được Dvořák sáng tác trong khoảng thời gian từ tháng 8 đến tháng 10-1887, là một tác phẩm với giai điệu gợi lên “sắc màu âm nhạc dân gian” và vũ khúc vùng Bohemia. Tác phẩm này được công diễn tại Prague vào ngày 6-1-1888.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới