Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Hoãn ký hiệp ước khí hậu đến năm 2020

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Hoãn ký hiệp ước khí hậu đến năm 2020

Thế Hiệp

Hoãn ký hiệp ước khí hậu đến năm 2020
Các nền kinh tế lớn nhất thế giới cho biết việc ký kết hiệp ước mới có thể bị trì hoãn trong thời gian dài. Ảnh: TL

(TBKTSG Online) – Trước cuộc đàm phán quan trọng để ký kết hiệp ước mới về biến đổi khí hậu vào năm 2012, các nền kinh tế lớn nhất thế giới cho biết việc ký kết hiệp ước mới có thể bị trì hoãn trong thời gian dài.

Kết thúc hội nghị biến đổi khí hậu tại Copenhagen năm 2009, chính phủ các nước đã cam kết nỗ lực ký hiệp ước mới trước năm 2012. Thời hạn này rất quan trọng bởi một năm sau đó nghị định thư Kyoto, hiệp ước quốc tế có tính pháp lý về hạn chế khí thải, sẽ hết hạn.

Các nền kinh tế lớn của thế giới gồm Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Mỹ và các nước giàu có khác đã thống nhất việc đưa ra thỏa thuận mới dưới sự chứng kiến của Liên hiệp quốc. Tuy nhiên, chính phủ các nước trên thừa nhận hiệp ước mới  về biến đổi khí hậu toàn cầu khó được thống nhất trước năm 2016, và ngay cả khi hiệp ước đạt được thỏa thuận vào thời điểm đó thì phải đến 2020 mới chính thức có hiệu lực.

Lần trì hoãn này sẽ tồi tệ nhất trong suốt 20 năm thương thảo lòng vòng về khí thải và hiệu ứng nhà kính, bất chấp những cảnh báo từ giới khoa học và nhà kinh tế về những mối nguy hiểm gia tăng cũng như đòi hỏi phải đưa ra hành động nhanh chóng.

Thông tin trì hoãn ký hiệp ước làm các nước đang phát triển tức giận. Sự việc này sẽ được đưa ra tranh luận trong cuộc họp tiếp theo về biến đổi khí hậu tại Durban (Nam Phi) sắp tới. Các nước trong Liên minh các đảo, nơi chịu ảnh huởng nặng nề nhất dưới tác động của trái đất ấm lên, cho biết việc trì hoãn ký hiệp ước mới là hành động “liều lĩnh và vô trách nhiệm”.

Ông Fatih Birol, trưởng ban kinh tế tại Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA), một trong những cơ quan kinh tế khí hậu quan trọng nhất của thế giới, nói với tờ Guardian: “Nếu chúng ta không đạt được thỏa thuận quốc tế có hiệu lực trước năm 2017, cánh cửa nhằm cứu khí hậu trái đất sẽ đóng lại vĩnh viễn”.

Đã có những bằng chứng cho thấy việc nóng lên toàn cầu có tác động nặng nề đến thiên nhiên với hàng loạt sự kiện thời tiết khắc nghiệt như lũ lụt, hạn hán và các cơn bão tàn khốc. Mặc dù các nước lớn trong cuộc họp tại Copenhagen đã cam kết hạn chế lượng khí thải nhưng có rất ít dấu hiệu cho thấy điều này sẽ được thực hiện.

Theo thông báo của IEA, năm ngoái, lượng carbon dioxide thải ra môi trường tăng 0,5% bất chấp kinh tế toàn cầu trải qua cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong vòng 80 năm. Việc các nước tự nguyện cam kết không bao giờ là đủ để thực hiện những thay đổi cần thiết mà phải có một hiệp ước quốc tế, và bản thân các nước phải thay đổi mô hình đầu tư, ông Fatih Birol phát biểu.

Ông Ruth Davis thuộc tổ chức Hòa bình Xanh cũng cho biết: “Thất bại trong việc đưa ra kế hoạch giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu tại Durban có thể là thảm họa. Các nhà lãnh đạo phải ký hiệp định đối phó với biến đổi khí hậu trước năm 2015 nhằm tạo ra sự liên kết giữa các khoa học môi trường cùng với tốc độ và quy mô hành động. Nếu không làm được điều này, cuộc khủng hoảng khí hậu sẽ biến thành thảm họa khí hậu”.

(theo The Guardian)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới