Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Hoạt động mua bán sáp nhập doanh nghiệp sẽ tăng mạnh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Hoạt động mua bán sáp nhập doanh nghiệp sẽ tăng mạnh

Thu Nguyệt

(TBKTSG Online) – Hoạt động mua bán sáp nhập (M&A) doanh nghiệp được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh ở một số lĩnh vực và có một số đặc điểm khác biệt so với những năm trước đây.

Quy mô thấp, tăng trưởng nhanh

Tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2011, theo ông Mayooran Elalingam, phụ trách về M&A của Ngân hàng Deutsche Bank tại Đông Nam Á, tính từ đầu năm 2011 đến nay tổng giá trị các thương vụ M&A ở Việt Nam là 1,571 tỉ đô la Mỹ, tương đương 93% tổng giá trị các thương vụ M&A trong năm 2010. Và, ông dự báo hoạt động mua bán sáp nhập tại Việt Nam trong năm 2011 sẽ tiếp tục phát triển với tổng giá trị các thương vụ có thể đạt mức kỷ lục.

Theo chuyên gia này, mặc dù hoạt động M&A tăng trưởng cao, nhưng quy mô của mỗi thương vụ vẫn khá nhỏ so với các nước Đông Nam Á khác. Trong 5 năm vừa rồi, các thương vụ mua bán sáp nhập ở Việt Nam có quy mô bình quân chỉ khoảng 1 tỉ đô la Mỹ/vụ, so với mức 10 tỉ đô la Mỹ ở Indonesia, nhưng thị trường M&A tại Việt Nam có tốc độ tăng trưởng khá nhanh.

Ông Mayooran Elalingam cho rằng hoạt động M&A ở Việt Nam cũng có những đặc điểm phát triển giống như Indonesia. Trong một thời gian ngắn, thị trường M&A của Việt Nam cũng năng động và chứng kiến những thương vụ M&A có quy mô lên đến 10 tỉ đô la Mỹ như Indonesia hiện nay.

Ngoài ra, vị chuyên gia này cho biết, trong 2 năm vừa qua, đặc biệt là một năm gần đây, các nhà đầu tư nước ngoài đặt nhiều câu hỏi thể hiện sự quan tâm đến thị trường Việt Nam. “Trước đó các nhà đầu tư tìm kiếm các giao dịch tại Indonesia, giờ họ tìm kiếm tại Việt Nam. Tuy nhiên, các công ty Việt Nam chưa sẵn sàng tham gia các hoạt động M&A”.

M&A sôi động trong ngành hàng tiêu dùng

Theo ông Tô Hải, CEO Công ty chứng khoán Bản Việt, hoạt động M&A trong năm 2011 sẽ diễn ra mạnh mẽ trong lĩnh vực hàng tiêu dùng và bán lẻ, và ở những doanh nghiệp tái cấu trúc. Trong năm 2010, giá trị các thương vụ M&A trong ngành hàng hoá tiêu dùng chiếm 25% tổng giá trị M&A.

Ngoài ra, xu hướng thâu tóm ở các ngân hàng diễn ra rất lớn trong 2010 và sẽ tiếp tục trong 2011. Các thương vụ mua bán trong ngành ngân hàng thường diễn ra ngầm do hành lang pháp lý không rõ ràng và không đầy đủ, nên “cứ làm đã rồi chỉnh sửa sau”, ông Nguyễn Mạnh Dũng, Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, nói.

Ông Dũng cho biết, hiện trong 39 ngân hàng cổ phần trong nước hơn một nửa là có vấn đề, nên việc mua bán sáp nhập sẽ giúp ngành ngân hàng hoạt động lành mạnh hơn.

Hoạt động M&A được một số chuyên gia dự báo sẽ không sôi động trong ngành chứng khoán do thị trường chứng khoán ảm đạm. Ngoài ra, có nhiều lý do khác như việc phần lớn các công ty chứng khoán ở Việt Nam chiếm thị phần nhỏ, nên việc sáp nhập để mở rộng khách hàng là không có nhiều ý nghĩa.

Ngoài ra, các công ty chứng khoán dùng quá nhiều các công ty cung cấp công nghệ khác nhau, nên công nghệ không đồng bộ. Nhân sự trong các công ty chứng khoán rất biến động nên một công ty mua bán sáp nhập một công ty chứng khoán khác mà không giữ được nhân sự thì khó phát triển.

Hiện vốn của các công ty chứng khoán độc lập cũng khá nhỏ nên khó mua bán sáp nhập nhau, ngoại trừ việc công ty nước ngoài mua các công ty chứng khoán trong nước để thâm nhập thị trường Việt Nam.

Theo ông Tô Hải thuộc Công ty chứng khoán Bản Việt, một xu hướng khác trong M&A năm 2011 là, các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ là đối tượng được nhắm đến của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới