Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Học cách tự thay đổi bản thân 

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Học cách tự thay đổi bản thân 

Tuyết Ân

Ông Bill McCorey.

(TBVTSG) – Cho dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, khi mưu cầu cho sự thành công của doanh nghiệp, người giám đốc công nghệ thông tin (CIO) phải luôn ý thức được rằng, việc đầu tư cho công nghệ có thể đạt được bằng nhiều cách nhưng mục tiêu kinh doanh có hiệu quả mới là mấu chốt của vấn đề.

TBVTSG ghi nhận các ý kiến chia sẻ của ông Bill McCorey – Phó chủ tịch phụ trách cơ sở hạ tầng, và ông Erich Windmuller – Phó chủ tịch phụ trách khách hàng toàn cầu của IBM, nhân chuyến công tác của họ tại Việt Nam gần đây.

Tinh thần đồng đội

Trước khi gia nhập IBM, Bill McCorey là Phó chủ tịch cao cấp kiêm Giám đốc công nghệ thông tin (CIO) của tập đoàn Circuit City. Ông cũng được bình chọn là một trong 100 nhà lãnh đạo CNTT hàng đầu thế giới năm 2003.

Bill McCorey không chỉ là một CIO, ông còn là một vận động viên leo núi đã trải qua nhiều hiểm nguy để chinh phục thành công đỉnh núi băng Rainier cao nhất Bắc Mỹ. Ông cũng là một vận động viên đầy khát vọng khi đã hoàn thành đến 33 cuộc chạy Marathon.

Nhưng, Bill McCorey cho biết, nếu không có sự hỗ trợ của đồng đội, ông đã mất mạng trong một tai nạn leo núi. Bởi thế, tiêu đề mà Bill McCorey thường nhắc đến để khích lệ nhiều nhóm người khi đối diện với thử thách và trải nghiệm những hiểm nguy là “Bạn muốn ai tham gia vào nhóm (leo núi) của mình?”

Một CIO cũng vậy, họ không chỉ là người điều phối công nghệ hay kiến trúc hệ thống, mà công việc đòi hỏi họ nhiều kỹ năng hơn, nhưng dù ở góc cạnh nào, theo Bill McCorey, họ cũng cần biết phát huy những ý tưởng của đồng đội. Để lèo lái hệ thống qua những khó khăn, phải biết dùng kinh nghiệm của bản thân và doanh nghiệp mình để mang giá trị đến cho khách hàng. Sự thành công hay thất bại của các CIO phụ thuộc vào cách ứng xử của họ trước các yêu cầu của công nghệ, chiến lược của doanh nghiệp và khách hàng mà họ phục vụ.

Trong chuyến công tác của ông đến nhiều thị trường mới nổi trên toàn cầu hồi tháng Tám, trong đó có Việt Nam, McCorey cho biết mục tiêu của IBM là thúc đẩy sự phát triển CNTT ở những thị trường mới nổi. Các CIO của IBM luôn phải trải nghiệm thực tiễn và nhóm họp để tìm kiếm chính sách phát triển thị trường hợp lý, đồng thời có những sự đầu tư cần thiết cho việc phát triển các ứng dụng phù hợp với khu vực thị trường này.

Thay đổi bản thân

Ông Erich Windmuller.

Erich Windmuller hiện là nhà lãnh đạo bán hàng cao cấp của IBM trong phân khúc y tế và chính phủ nhưng ông từng là người chịu trách nhiệm về hoạt động kinh doanh tất cả các dịch vụ CNTT của IBM và là nhà quản lý tài chính chung của bộ phận các hệ thống quốc phòng, môi trường và khoa học.

Erich Windmuller tự hào rằng IBM được xem là một trong những ví dụ điển hình nhất về việc tự thay đổi bản thân để sử dụng công nghệ tốt hơn. Chính vì thế, sự thành công hay thất bại của một CIO phụ thuộc vào cách ứng xử của anh ta trước các yêu cầu của doanh nghiệp mình. Ngày nay, công nghệ là sự tích hợp các nền tảng ứng dụng và môi trường di động, nó làm thay đổi thói quen sử dụng và tác nghiệp của mỗi con người.

CIO, vì thế cũng chịu đựng những áp lực về sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ và môi trường kinh doanh. Làm thế nào để tự thay đổi bản thân để ứng dụng công nghệ tốt hơn, làm thế nào để kết nối các mạng lưới và nguồn lực trong công ty, làm thế nào để tối ưu hóa được các chi phí đầu tư cho CNTT….? Việc thay đổi bản thân cũng có nghĩa là cách anh ta gánh lấy trách nhiệm về các cơ hội để doanh nghiệp có thể thành công hay thất bại.

Chia sẻ và cộng tác

Erich Windmuller kể, với vai trò là nhà phát triển những ứng dụng trên những nền tảng công nghệ của IBM, họ luôn phải tìm ra những công cụ để tạo ra môi trường cộng tác cho chính nhân viên của IBM, làm sao để hạn chế di chuyển, tiết kiệm thời gian và giúp từng cá nhân trong doanh nghiệp làm việc đạt hiệu quả cao nhất. Khi một mạng lưới cộng tác được thiết lập trong môi trường doanh nghiệp, thì thời gian vận hành được giảm thiểu và các hoạt động trở nên suôn sẻ hơn. Một nhân viên có thể yêu cầu các chuyên gia đáp ứng những vấn đề cần thiết dù họ đang ở bất kỳ đâu. “Hiện tại khách hàng đang có vấn đề này, liệu bao giờ tôi có câu trả lời này cho họ?”.

Theo Erich Windmuller, cộng tác là cách chia sẻ nguồn lực và quản lý nguồn lực có hiệu quả. IBM lấy kinh nghiệm của mình để chia sẻ với khách hàng và những giải pháp mà IBM đang ứng dụng sẽ được mang vào các doanh nghiệp khách hàng. Hành động này là cách chứng minh đầy thuyết phục rằng giải pháp IBM đưa ra bảo đảm tiết kiệm được chi phí và giúp hệ thống trở nên tốt hơn. Đó là cách tiếp cận công nghệ tích cực và mang tính chia sẻ cao hơn, giúp doanh nghiệp dễ dàng hơn khi vượt qua những giai đoạn khó khăn.

“Một CIO có thể thúc đẩy công nghệ để đạt được sự tăng trưởng kinh doanh ngay cả khi nền kinh tế không ổn định, nhưng quyết định đó sẽ thiếu thông minh nếu không mang tính cộng tác và chia sẻ. Lấy kinh nghiệm của bản thân để mang giá trị đến cho khách hàng, đó là cách giúp chúng tôi vượt qua khó khăn,” Erich Windmuller chia sẻ.

Doanh nghiệp nhỏ và mô hình 3S

Các nhà quản trị công nghệ luôn đứng trước áp lực đóng góp năng lực của mình cho doanh nghiệp bằng cách tiết giảm những khoản chi tiêu không cần thiết và theo đuổi những công nghệ hữu hiệu. Dù doanh nghiệp ở quy mô nào, ngày nay thị trường đều sẵn sàng có các giải pháp để ứng dụng. Các xu hướng đang được đề cập hiện nay là điện toán đám mây và môi trường ảo hóa. Mặt khác, khác với các giai đoạn trước, khi mà CNTT chỉ là các ứng dụng truy cập mạng hay e-mail, ngày nay doanh nghiệp cần tạo ra một môi trường cộng tác bằng các giải pháp nội bộ.

Nhưng theo Bill McCorey, điều đó không thể nói chung chung mà nhà quản lý cần chỉ ra được rằng khi đầu tư cho giải pháp này tôi sẽ mang lại những lợi ích nào cho doanh nghiệp. Ví dụ, khi đầu tư cho một máy chủ thì không thể sử dụng chỉ 20% năng lực, mà cần tận dụng các ứng dụng môi trường “đám mây” để chia sẻ với các doanh nghiệp khác nhằm tiết giảm chi phí. Các công nghệ ảo hóa đang tiếp tục phát triển nhờ vào khả năng tiết kiệm chi phí và cho hiệu quả cao, giải phóng được hạ tầng, tính năng động trong kết nối các dịch vụ kinh doanh và an ninh tốt hơn. Nhưng CIO phải chỉ ra rằng dù ứng dụng mô hình CNTT nào thì yếu tố cơ bản nhất vẫn là tối ưu hóa nguồn lực, tận dụng các công suất đã đầu tư cho các mục tiêu kinh doanh tốt hơn.

Bill McCorey cho rằng với đa số doanh nghiệp là nhỏ và vừa như tại Việt Nam, CIO phải xác định được doanh nghiệp của mình sẽ phát triển đến đâu trong ba năm tới và xây dựng lộ trình đầu tư theo thứ tự ưu tiên. Tập trung vào ưu tiên số một có tính quyết định. Ví dụ, doanh nghiệp dưới 100 người khi cần ứng dụng CNTT, phải xác định những mục tiêu cần quản lý hiện tại là gì. Phải xây dựng bắt đầu từ đâu, cần nguồn lực và giải pháp nào ? Làm thế nào để đạt được mục tiêu kinh doanh và công nghệ đó sẽ hỗ trợ thế nào ?

“CIO là người nắm bắt các vấn đề kinh doanh và đưa công nghệ vào phục vụ để lèo lái doanh nghiệp đạt mục tiêu. Vì thế, mục đích kinh doanh là tối ưu, còn công nghệ có thể sẽ đạt được bằng cách này hay cách khác. Khi chưa xác định được các mục tiêu này thì không nên vội vàng đầu tư cho CNTT,” theo Bill McCorey.

Theo kinh nghiệm của Erich Windmuller, thì khi đầu tư cho CNTT, CIO phải luôn đặt sản phẩm của mình trong mô hình 3S: Standard, Scalability, Solution focus. Những sản phẩm nhắm đầu tư trước tiên phải đạt tiêu chuẩn (Standard), chẳng hạn phần mềm này có tích hợp được với những chương trình khác trong tương lai hay không. Việc tiêu chuẩn hóa những hạng mục đầu tư giúp chúng ta không vấp phải những trở ngại cho toàn hệ thống và những sự lãng phí khác trong tương lai.

Thứ hai là hệ thống liệu có khả năng mở rộng trong tương lai (Scalability), cả về hệ thống lẫn nội dung, hay không. Hiện tại, doanh nghiệp chỉ 100 nhân viên nhưng khi có đến 1.000 người, hệ thống chỉ cần được nâng cấp hay mở rộng mà không phải vứt bỏ.

Thứ ba là mục tiêu của giải pháp (Solution focus) nằm ở đâu. Chúng ta phải giải quyết được vấn đề kinh doanh chứ không phải vì sở thích hay thương hiệu. Hệ thống phải phục vụ được cho giải pháp là yếu tố quyết định mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp khi đầu tư cho công nghệ. “Nếu chưa xác định được các mục tiêu kinh doanh và việc thiết kế hệ thống theo tiêu chuẩn chưa sẵn sàng thì doanh nghiệp chưa nên đầu tư. Cần tạo ra công cụ cộng tác trước để mọi luồng thông tin trong công ty trở nên suôn sẻ, lúc đó tính đến việc đầu tư vẫn chưa muộn,” Erich Windmuller chia sẻ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới