Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Học để làm gì?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Học để làm gì?

Tự Phong

(TBKTSG Online) – Sau 48 giờ đưa lên mạng xã hội Facebook, đoạn video (video clip) quay cảnh nam sinh viên mặc áo của một trường cao đẳng nghề tại TPHCM đang đứng ở khung cửa sổ với biểu hiện muốn nhảy xuống đất để tự tử đã có gần 400.000 lượt người xem. Theo thông tin từ tài khoản "Dạy thật, học thật, làm việc thật" thì nam sinh viên này có hành động như vậy do áp lực thi cử.

Tài khoản nói trên cũng bình luận rằng, đây cũng không phải là lần đầu tiên chúng ta nghe thấy học sinh, sinh viên tự tử vì áp lực thi cử, giáo dục. Nhưng rõ ràng đây không phải mục đích của giáo dục, giáo dục là cho con người ta kiến thức, thái độ, lối sống tốt để xây dựng xã hội tốt hơn chứ không phải học cách tiếp đất từ độ cao 15 mét với gia tốc 9 m/giây.

Hành động của nam sinh viên này (nếu đúng như thông tin trên mạng xã hội) là điều đáng trách hơn đáng thương. Bởi chỉ cần nghĩ đến hệ quả là sự đau lòng, sự tổn thất và mất mát của gia đình, người thân, bạn bè của người thanh niên này có thể thấy việc trải qua nỗi lo lắng và thất vọng vì bài thi bị điểm kém không là gì cả. Chưa kể, những hệ lụy mà hành động dại dột nói trên gây ra cho nhà trường (cụ thể là thầy cô giáo, bạn học) và xã hội (các học sinh và sinh viên khác) cũng sẽ rất lớn và cần một thời gian dài để nguôi ngoai. Trên thực tế, không hẳn các sinh viên có điểm số cao sau khi ra trường sẽ đảm nhiệm tốt công việc và ngược lại; bởi môi trường làm việc lại là một ngôi trường lớn mà mỗi người sẽ phải học tiếp, học mãi. Có nhiều cánh cửa tương lai cho các sinh viên lựa chọn, và đừng để những điểm số đó kiểm soát cả cuộc đời của mỗi người.

Chuyện học tập, điểm số, thành tích hình như không chỉ là áp lực đối với học sinh, sinh viên mà cũng là áp lực lên các bậc phụ huynh.

Tôi có một người bạn cùng quê, điều kiện gia đình khá giả nên quyết định cho con vào TPHCM theo học một trường quốc tế từ lớp 10. Theo dự tính của bạn là ba năm cấp 3 sẽ giúp con mình làm quen với môi trường quốc tế để đi du học. Nhưng đó là tính toán của gia đình, còn thực tế, chưa hết học kỳ 1 của lớp 11, nhà trường đã liên hệ với gia đình để “trả lại”, với lý do học lực của em không theo kịp các bạn.

Sau đó, gia đình đã chuyển em vào một trường bình thường ở thành phố. Khác với việc học ở trường quốc tế, lần này, em tỏ ra vui vẻ và cho biết là thích môi trường học tập ở ngôi trường mới.

Vậy mới thấy, môi trường học tập rất quan trọng, vì sẽ ảnh hưởng đến việc học tập và các hoạt động của trẻ.

Một câu chuyện tương tự, trong một bữa cơm chiều trong gia đình tôi được nghe kể chuyện cháu tôi, lúc đó đang học lớp 1, có điểm thi giữa kỳ môn Toán là 0. Không cần nói cũng biết được tâm trạng thất vọng của các em tôi, là ba mẹ của cháu bé, khi nghe cô giáo thông báo điểm số của cháu. Như bao ông bố, bà mẹ khác, cháu tôi phải đi học thêm môn Toán. Cũng may, nhờ được học thêm và sự động viên của gia đình, giờ đây cháu đã có thể làm Toán thông thạo.

Người bạn khác của tôi hôm qua chia sẽ là đang “đau đầu” vì tìm trường học cho con. Con của bạn tôi năm sau mới lên lớp 6 nhưng theo bạn tôi thì phải tìm trường từ bây giờ vì môi trường con học rất quan trọng trong việc hình thành nhân cách, năng lực của cháu.

Hình như, các ông bố, bà mẹ đều thấy áp lực vì chuyện học hành của con cái và chính cái áp lực ấy đã đẩy qua cho con trẻ. Vì thế, rất nhiều ông bố, bà mẹ đã to tiếng, mắng nạt con khi bị điểm kém ở trường và xem việc con bị điểm kém như là một lỗi lầm đáng trách phạt của đứa bé.

Để kết thúc bài viết, xin chia sẻ một bài viết được nhiều người chia sẻ trên mạng xã hội trong mấy ngày qua về một bức thư một người thầy hiệu trưởng  ở Singapore gửi cho các phụ huynh trước kỳ thi với nội dung như sau.

"Các phụ huynh thân mến. Kỳ thi của các con bắt đầu. Tôi biết quý vị đều lo lắng muốn con mình làm bài tốt. Nhưng hãy nhớ rằng trong số các em làm bài thi sẽ có một em là nghệ sĩ và không cần phải hiểu môn Toán. Sẽ có một doanh nhân không quan tâm đến lịch sử hay văn học Anh. Sẽ có một nhạc sĩ mà điểm môn Hóa sẽ chẳng thành vấn đề. Sẽ có vận động viên mà thể lực quan trọng hơn môn Vật lý… Nếu con quý vị đạt điểm số cao, điều đó thật tuyệt vời. Nhưng nếu chúng không đạt được thì làm ơn đừng lấy đi của con sự tự tin và phẩm giá của chúng. Hãy nói với con rằng, không sao đâu, đó chỉ là một bài thi. Con được nuôi dạy cho những điều to lớn hơn thế nhiều. Hãy nói với con rằng, dù điểm số như thế nào cha mẹ cũng vẫn yêu con và sẽ không đánh giá cao.

Hãy thực hiện điều này, quý vị sẽ thấy con mình chinh phục cả thế giới. Một bài thi hay một điểm kém không thể cướp đi giấc mơ và tài năng của các con. Và thêm một điều nữa, hãy đừng nghĩ rằng các bác sĩ hay kỹ sư là những người duy nhất hạt phúc trên đời này."

Một status được chia sẽ nhiều trên mạng xã hội vài ngày qua nói về chuyện phụ huynh đừng vì điểm số của môn học mà cướp đi "nhân phẩm" của con mình.

Với quan điểm của mình, tôi rất hoan nghên câu khẩu hiệu Một ngày đến trường là một niềm vui mà ngành giáo dục cho treo ở nhiều trường. Đi học, tựu chung lại là tìm kiếm kiến thức nhưng muốn thu nạp kiến thức thì chúng ta phải tạo được niềm vui từ chuyện này, còn không chỉ là những con vẹt nói được tiếng người mà không hiểu đang nói gì.

Tuy vậy, tôi không ủng hộ những ai có định bỏ học đại học để khởi nghiệp khi viện cớ Bill Gates – ông chủ của tập đoàn Microsoft hay Mark Zuckerberg – CEO của Facebook đã bỏ đại học nữa chừng nhưng vẫn trở thành tỷ phú. Đúng, họ bỏ học và trở thành tỷ phú nhưng cũng phải nhớ rằng, họ đã từng là sinh viên của Harvard, một trong những trường danh giá nhất hệ mặt trời, còn phần nhiều trong chúng ta không được như vậy.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới