Thứ Tư, 17/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Học phí trường tư mùa dịch Covid: Mỗi trường xử lý một kiểu

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Học phí trường tư mùa dịch Covid: Mỗi trường xử lý một kiểu

Dũng Nguyễn

(TBKTSG Online) – Tháng 4 hằng năm là khoảng thời gian mà phụ huynh phải nộp học phí cho năm học mới, nhưng năm nay, đợt nghỉ dịch dài đầy bất ngờ đối với cả học sinh và nhà trường đã khiến cho mọi việc trở nên không suôn sẻ. Nhiều phụ huynh trước đó tỏ ra quan ngại về chất lượng dạy học trực tuyến và sốt ruột vì chính sách học phí thời dịch, nhưng nhiều trường vẩn "đủng đỉnh" trước những mối quan tâm này.

Học phí trường tư mùa dịch Covid: Mỗi trường xử lý một kiểu
Vinschool vừa mới công bố chính sách giảm học phí. Nguồn: Vinschool

Mỗi trường một chính sách

Hệ thống trường học Vinschool, thuộc tập đoàn Vingroup, mới đây đã tuyên bố giảm học phí chính khóa cho nhiều khối, theo đó, khối lớp mầm non được hoàn lại 100% học phí các tháng phải nghỉ học tính từ ngày 3-2. Còn đối với cấp tiểu học đến trung học phổ thông, nhà trường hoàn lại 70% số học phí của các tháng nghỉ và học trực truyến tại nhà. Các khoản phí không sử dụng cũng sẽ được trả lại.

Trong khi đó, các hệ thống trường tư thục quốc tế thì chủ yếu công bố chính sách học phí cho năm học tiếp theo mà không đề cập gì đến các khoản đã thu. Chẳng hạn mới đây, Trường Quốc tế Nam Sài Gòn (SSIS) có trụ sở tại quận 7, TPHCM, thông báo sẽ không tăng học phí trong năm học 2020-2021, đồng thời các học sinh quay trở lại trường trong năm học mới sẽ được giảm một phần học phí tùy vào cấp học, chẳng hạn như giảm 10% cho các lớp từ lớp 2 đến lớp 12, riêng mẫu giáo và lớp 1 được giảm 15%.

Hôm 10-4, trường Quốc tế Việt Úc (VAS) công bố gia hạn thời gian thanh toán học phí học phần 4 cho năm học này (tức năm học 2019-2020) và giảm 10% trên tổng học phí thanh toán cho năm học mới trong năm 2020-2021 với phụ huynh thanh toán trước ngày 15-5.

Trước đó, ở trường VAS đã từng có vụ tranh cãi giữa phụ huynh và nhà trường về câu chuyện học phí (dao động từ mức trên 143-425 triệu đồng/năm), cách ứng xử với phần học phí đã nộp nhưng chưa sử dụng hết trong học kỳ này do thực hiện việc giãn cách xã hội để chống Covid-19.

Tương tự, hội phụ huynh ở trường Sao Việt (VStar, có trụ sở ở quận 7. TPHCM) đã có sự phản ứng với thông báo của trường yêu cầu đóng học phí năm học tiếp theo với chính sách không đổi, trong khi nhà trường vẫn chưa “tất toán” học phí cũ với phụ huynh.

Đầu tháng 4 là thời điểm các trường bắt đầu công bố chính sách và thu học phí cho năm sau, nhưng đến nay nhiều trường vẫn còn “nín thở” chờ Covid-19. Trao đổi với TBKTSG Online, phụ huynh có con đang theo học tại trường British International School (BIS) – thuộc hệ thống trường Nord Anglia với mức học phí lên đến 600 triệu đồng/năm – cho biết đến nay nhà trường vẫn chưa có thông báo mới.

Phụ huynh không đồng tình

Một phụ huynh trường VStar (quận 7, trường có mức học phí từ 100 triệu đến 300 triệu đồng/năm) tỏ rõ sự bức xúc khi trường “đơn phương” gửi yêu cầu phụ huynh nộp học phí cho năm học mới trong khi “cơn bão học phí” gần đây ở VAS vẫn chưa kịp lắng xuống. “Thông báo nộp học phí này có vẻ như không đúng thời điểm vì đang cao điểm chống dịch, hơn nữa, trường cũng nên có sự thỏa thuận trước với phụ huynh về các loại dịch vụ đã cung cấp”, vị phụ huynh này cho biết.

“Các trường quốc tế kiên định với câu chuyện thu học phí vì họ quan niệm rằng thứ họ trả lại là một nền tảng giáo dục, chứ không phải đo bằng tiền theo từng tháng, mà phải là thời gian dài hơn, dựa trên kết quả cuối cùng. Học phí đã đóng rồi gần như là “món hàng” chưa được giao, nghĩa vụ sẽ đẩy về tương lai và mỗi trường sẽ có một cách làm khác nhau”, một chuyên gia đang hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nhìn nhận. Tuy nhiên, việc phụ huynh phản ứng cũng không sai vì dịch bệnh đã ảnh hưởng chung, trong có thu nhập của các phụ huynh.

Theo vị phụ huynh này, chất lượng của việc học trực tuyến vẫn còn là một vấn đề vì việc học hiện nay chủ yếu là giao bài tập qua e-mail, chỉ một vài môn mới được học trực tuyến. Trong khi đó, học sinh thì không hưởng thụ cơ sở vật chất, vốn là thế mạnh của các trường tư thục, đặc biệt là trường quốc tế và các khoản tiền đã nộp cho học kỳ này vẫn chưa được làm rõ.

Câu chuyện lời lãi của nhà trường cũng được nhắc đến. Theo phụ huynh của trường BIS ở trên, nhà trường vẫn đang có lãi ngay cả khi không thu học phí của học kỳ 3 (một năm có ba học kỳ), trong khi chất lượng học trong học kỳ 2 và 3, nhất là với các bé trường cấp 1 và mẫu giáo, gần như là con số 0, vì chưa được chuẩn bị cho việc học trực tuyến.

“Nhà trường thuộc hệ thống Nord Anglia, đã hoạt động hiệu quả và đều có lãi trong vòng 10 năm trở lại đây. Hầu hết các trường quốc tế đều không phải là công ty phi lợi nhuận, nên việc bảo toàn tài chính là vấn đề không tránh được. Nhưng việc áp đặt một chương trình học không phù hợp cho các con mà không hề hỏi ý kiến phụ huynh để bảo toàn lợi nhuận của trường thì là một chính sách không có tâm”, phụ huynh này nói. Hiện hội phụ huynh của BIS đang gửi kiến nghị thư, trong đó đề xuất trường giảm 30% học phí trong năm học này.

Trong khi đó, phụ huynh tại trường SSIS cho biết, từ khi nghỉ học vì dịch đến nay, nhà trường đã nhanh chóng chuyển đổi hình thức học từ “vật lý” thành “ảo” vì có sẵn hệ thống đầu tư từ sớm. “Tất nhiên về tính hiệu quả thì vẫn chưa bằng được với việc dạy trục tiếp, nên vẫn có sự thiệt thòi nhất định về phía học sinh. Dù vậy, việc trường gặp khó khăn là chuyện hoàn toàn có thể hiểu được khi vẫn phải tốn nhiều chi phí duy trì cơ sở vật chất, còn cá nhân thì phụ huynh nào cũng mong muốn nhận được nhiều sự ủng hộ hơn từ phía nhà trường”, phụ huynh này nhận định.

Từ đầu tháng 4 đến nay, những cuộc tranh cãi giữa phụ huynh và nhà trường về chính sách học phí trong mùa dịch Covid-19 diễn ra ngày càng nhiều hơn. Nguồn: VAS.

Câu chuyện học phí: Nơi lý giải, nơi giữ im lặng

Về phía nhà trường, trước những ý kiến của phụ huynh như nói trên, một số trường giữ im lặng, nhưng một số thì lên tiếng lý giải. Chẳng hạn như trường hợp của mình, VAS cho biết vẫn trả lương đều đặn cho nhân viên. “Rất nhiều nhân viên, giáo viên của VAS đến từ nước ngoài và các tỉnh thành khác trên cả nước. Chúng tôi hiểu rằng, việc bảo đảm mức lương bình thường cho mọi người là một việc làm cần thiết để họ có thể tiếp tục trang trải cuộc sống và chăm sóc gia đình trong lúc này. Đây là giải pháp thấu tình hợp lý mà chúng tôi rất cân nhắc nhằm bảo vệ và hỗ trợ tốt nhất cho cộng đồng VAS trong thời gian này”, văn bản của VAS có đoạn.

Trước sự phản ứng mạnh mẽ của phụ huynh, ngày 21-4, trường VStar đã gửi e-mail cho biết trường thông báo đóng học phí sớm là để phụ huynh chủ động tài chính cho năm học mới, với mức học phí không tăng. Trường cũng cam kết hoàn trả các khoản học phí và phí khác (phí ăn sáng, phí xe bus, phí nội trú), nhưng câu trả lời cụ thể sẽ có sau khi UBND TPHCM ban hành công văn chính thức về ngày học sinh được phép quay trở lại trường và kết thúc năm học.

“Các trường quốc tế kiên định với câu chuyện thu học phí vì họ quan niệm rằng thứ họ trả lại là một nền tảng giáo dục, chứ không phải đo bằng tiền theo từng tháng, mà phải là thời gian dài hơn, dựa trên kết quả cuối cùng. Học phí đã đóng rồi gần như là “món hàng” chưa được giao, nghĩa vụ sẽ đẩy về tương lai và mỗi trường sẽ có một cách làm khác nhau”, một chuyên gia đang hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nhìn nhận. Tuy nhiên, việc phụ huynh phản ứng cũng không sai vì dịch bệnh đã ảnh hưởng chung, trong có thu nhập của các phụ huynh.

Theo vị phụ huynh tại SSIS, trường đã có buổi họp online với hội phụ huynh học sinh, nói rằng đang đánh giá lại chính sách học phí, vốn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có giới chuyên gia, là phân khúc chủ đạo của các trường quốc tế. “Giải thích này cũng hợp lý, thời buổi bây giờ cũng khó cho ai đó đưa ra quyết định nhất định. Giải pháp cho dịch bệnh này đòi hỏi sự thông cảm cho cả hai bên”, phụ huynh này cho biết.

Hiện nay tình hình dịch bệnh đã đỡ căng thẳng hơn khi mức độ nguy cơ đã giảm xuống, cả nhà trường lẫn phụ huynh đang kỳ vọng con trẻ sẽ sớm được trở lại nhà trường. Tuy nhiên, sự ảnh hưởng trực tiếp của dịch bệnh đến nền kinh tế và thu nhập thì vẫn còn đó. Sẽ mất thêm một khoảng thời gian nữa để nền kinh tế hồi phục và trong lúc đó, có lẽ nhà trường và phụ huynh cần nhiều thời gian ngồi lại với nhau hơn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới