Học quá loạn!
Nguyễn Quang Bình (*)
Một thời, khi nền kinh tế vừa mở cửa, nghe mấy ông bạn người nước ngoài bấy giờ mới đến thành phố lần đầu, khen người mình siêng học, đi đâu cũng thấy lớp, thấy trường, thấy học sinh học viên trẻ già lớn bé sáng vào trường chính, chiều lên lớp phụ, tối đến trung tâm… nhiều người như tôi nghe sướng lắm, vinh dự lắm. Đúng là một xã hội năng động, trẻ trung, suốt ngày chỉ hau háu chuyện học.
Nghe khen quá, không để màng chuyện họ nói đúng hay sai, nói thẳng hay nói “kháy”. Tỉnh lại, thấy lời khen ấy, có lẽ được diễn đạt bằng tiếng Anh nên tôi hiểu chưa hết ý chăng. Đáng ra phải nói như thế này mới đúng với hoàn cảnh, đại loại là quê ông người học ‘quá loạn’.
Mà có thể thế thật. Cái từ “quá loạn” này khả dĩ mới toát hết ý cái lời khen thâm trầm của bạn bè. Tại một số nơi ở miền Trung, “quá loạn” ngoài cái nghĩa “nhiều quá” còn có ý nói “đếm không xuể” hay “lộn xộn, không quản lý nổi”.
Cho nên, chuyện này nay đã quá phổ biến; vì nếu không thì hơi đâu các nhà hài kịch hình tượng hóa cho lên tivi liên hồi, báo chí lên tiếng ra rả. Trong nhiều vở kịch vui, nhiều cảnh cha mẹ ép uổng con cái học và chỉ biết học, để mong cho chúng trở thành “thần đồng”, rạng danh dòng họ!
Hè năm ngoái, có dịp đi nghỉ với người thầy dạy cũ tại Nha Trang, hai chúng tôi dùng xe buýt lên phố. Đến một điểm dừng, một tốp học sinh còn tuổi “ham chơi” đáng ra phải được nghỉ xả hơi thì nay tràn lên xe đi học hè. Ông thầy già phải lắc đầu và nói với tôi rằng người lớn bây giờ bắt bạn trẻ bận rộn quá đáng.
Thật vậy, cứ đến khu phố tôi đang ở vào chiều tối mà xem. Nếu phải như thời xưa, cái thời của truyện “Lều chõng”, chắc ai cũng nghĩ rằng xóm này là cái rốn kiến thức của vũ trụ, cái nơi của của các bậc tiên chỉ, nơi “mã phát” vì có nhiều ông nghè, ông cử, vì học trò ra vô tấp nập, xe cộ đón đưa trẻ con như mắc cửi.
Có nhiều lớp học thêm, trò chưa kịp về nhà thay áo, đã phải bắt cha mẹ đưa từ trường đến thẳng lớp đêm để chỉ học lại những môn “chính yếu” (chính mà yếu?) theo ý đồ của thầy cô. Cha mẹ không ai dám lên tiếng xin cho con mình thư thư về nhà nuốt vài hột cơm tối rồi cháu hãy đến “lĩnh” chữ nhà cô thầy. Có ông bạn trẻ chỉ biết than rằng vợ anh phải nghỉ việc chỉ vì hai đứa con học hai nơi, phải dành thì giờ đưa đón chúng như bác xe ôm đắt khách trong ngày.
Có cháu phải 10 giờ đêm mới về đến nhà. Nếu gien dòng dõi khỏe, to đô như anh “Vọi” trong một truyện của Khái Hưng, còn sức, còn chút thì giờ mọn, chúng sẽ vùi đầu vào trò chơi điện tử hay xem các chương trình trên tivi đến khuya, rồi 6 giờ sáng mai lại phải tất bật đến lớp.
Đáng tiếc, nhiều trò chơi điện tử, chương trình giải trí trên tivi quá nghiêng về kích động, hô hào, khuyến khích tính háo thắng cá nhân. Trong khi đó, nhà trường hiện nay được xem chỉ là nơi truyền thụ kiến thức sách vở, lại là “vùng cấm chơi”. Nghe nói giáo dục kỹ năng sống, nhà trường cũng đã âm thầm giao trái banh cho ngành khác đá! Mà lạ, ít trường dám cho học sinh chơi, đặc biệt là những trò chơi tập thể. Qua đó, bạn trẻ sẽ được giáo dục tinh thần đồng đội, tính đoàn kết, tương trợ, chia sẻ và cùng đóng góp ý tưởng khi ra xã hội sau này.
Vốn là một nước nông nghiệp, sản xuất manh mún, tâm lý cá thể, cá nhân khi ra thị trường của người mình còn to lắm. Nên, trong nhiều ngành, mạnh ai nấy làm, thậm chí cạnh tranh giành giật mua bán với nhau, không ai chịu nghe ai.
Qua nhiều năm, đã có quá nhiều cao kiến của lắm bậc thức giả yêu cầu phải “xốc lại”, xem lại cái nền tảng triết lý trong nền giáo dục hiện đại của ta.
Mong cái triết lý đang được bàn thảo không bỏ rơi tính đồng đội, làm ăn vì tập thể, tính kết dính, anh em như thể tay chân… vốn đang rất thiếu và rất yếu trong giai đoạn hiện nay, khi mà bạn trẻ chúng ta đang sống giữa một biển trời thông tin với mỗi người là một ngôi sao, một máy tính, một ý nguyện cá nhân rất mạnh và rất riêng lẻ.
___________________________________
(*) Giám đốc Công ty TNHH CTA Việt Nam